Đầu tư
Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản: Dùng dằng chuyện "anh - tôi"
Khánh An - 16/10/2015 09:11
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản năm 2015 (VJEF 2015) đã kết thúc sau một ngày làm việc kín lịch, nhưng câu hỏi sao các doanh nghiệp chưa tận dụng hiệu quả cơ chế hợp tác đặc biệt mà Chính phủ hai nước đã dày công bàn thảo và vun đắp một lần nữa để ngỏ.
VJEF 2015 khuyến nghị doanh nghiệp chủ động kết nối để không chậm chân với cơ hội. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều câu hỏi ngỏ…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi phát biểu tại VJEF 2015 cũng phải thẳng thắn nói, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như TPP sẽ mở ra cơ hội mới về thị trường, dòng vốn đầu tư, thu hút công nghệ… nhưng đó là cơ hội chung.

“Một cách đơn giản, TPP sẽ hình thành chuỗi cung ứng mới trên toàn cầu, từ đó sẽ có luật chơi mới, đối tác mới. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam và Nhật Bản phải nhìn rõ đâu là cơ hội, đâu là mắt xích có thể hợp tác và trở thành thành tố của chuỗi này. Chỉ có DN mới trả lời được tại sao chưa đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam khi mà các cơ chế hợp tác hai Chính phủ đã thống nhất được đánh giá là rất tốt…”, ông Dũng nói và nhấn mạnh, đây là thông điệp mà ông muốn gửi tới Diễn đàn.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Dũng hơn một lần phải nhắc đến thông điệp này. Ngay trong khuôn khổ Diễn đàn, ý kiến từ DN vẫn là đề nghị hỗ trợ để kết nối. Có DN Việt xin danh sách DN Nhật trong lĩnh vực của mình để “tiết kiệm thời gian”. Có DN Nhật than phiền mời mãi không thấy DN Việt Nam tham gia đối thoại, giao lưu. Hay như ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam lại nhắc lại chuyện DN Nhật Bản  cứ phải đi giới thiệu nhu cầu cần mua hàng mãi mà vẫn khó tìm nhà cung cấp Việt... Nghe nói, tháng 11 tới lại có đoàn DN Nhật Bản sang tìm cơ hội.

Với TPP, tình hình còn khó hơn khi chưa thể công bố nội dung cụ thể trước khi thủ tục thông qua tại các nước chưa xong. Cuộc khảo sát bỏ túi của ông Kenichi Kawasaki, Chuyên gia Viện Nghiên cứu chính sách thương mại quốc tế Nhật Bản (GRIPS) với DN có mặt tại Diễn đàn về TPP cho kết quả là đa phần họ chưa có thông tin nên mọi sự chuẩn bị đều ở trạng thái kỳ vọng và chờ đợi động thái từ đối tác.

Trước đó, chính ông Kenichi cũng đưa ra thông tin DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam chỉ khai thác được 20-30% cơ hội từ Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA - được ký vào năm 2008). Tỷ lệ khai thác được 50% có nhưng rất ít. Tỷ lệ này từ DN Việt Nam còn kém hơn, chỉ khoảng 7%.

… vì mới làm ăn chứ chưa hợp tác

Lý giải tỷ lệ thấp cơ hội được khai thác từ VJEPA, ông Kenichi cho biết, nhiều DN Nhật không nắm rõ lợi thế gì, phải làm gì để được hưởng. Ngay cả một số ngành lợi thế khá rõ của Việt Nam trong EPA là dệt may, IT, nông nghiệp… hay cơ hội từ tái cơ cấu DN nhà nước của Việt Nam cũng được các nhà đầu tư Nhật Bản nhìn nhận là chưa rõ tính ưu tiên nên vẫn đang nghiên cứu.

Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng, trách nhiệm của các cơ quan Chính phủ sau khi các FTA, EPA được ký kết là tạo môi trường để các lợi ích từ cam kết này tới được các DN, song theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc DN hai nước chưa tận dụng được cơ hội từ mối quan hệ rất đặc biệt giữa Việt Nam và Nhật Bản còn có nguyên nhân từ thiếu chủ động và tính kết nối chưa rõ.

“Kết nối là khái niệm gắn với chuỗi, cùng đầu tư, cùng tham gia chứ không thể dừng lại ở mua bán. Nghĩa là, DN Nhật đầu tư vào Việt Nam để kết nối với DN Việt Nam chứ không thể là ốc đảo tại Việt Nam được. DN Việt Nam cũng phải biết cách vươn lên đạt chuẩn để nối thông với DN Nhật. Tôi cho rằng, đây là trách nhiệm của các hiệp hội DN trong từng lĩnh vực. Nhà nước không thể làm thay, mà chỉ hỗ trợ. Trách nhiệm đối thoại để kiến nghị giải pháp là của DN”, ông Lộc nói.

Đây là lý do ông Lộc đề nghị tiếp ngay sau Diễn đàn này, Hội đồng DN Việt Nam – Nhật Bản của VCCI và Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam sẽ tổ chức các nhóm thảo luận theo từng ngành để có sáng kiến cụ thể gửi tới Chính phủ hai nước. “Đây là lúc hiệp hội DN đóng vai trò trung tâm, Chính phủ là người hỗ trợ, DN là động cơ cho các hợp tác cụ thể. Tôi có nghe thông tin về việc thành lập trung tâm hỗ trợ DN ngành công nghiệp hỗ trợ, nếu để Nhà nước làm trung tâm e lại khó khả thi”, ông Lộc thẳng thắn.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị cả Chính phủ và DN hai nước cùng nhìn mối hợp tác này trong bối cảnh mới để có cách hợp tác mới.

“Không thể DN Nhật chờ DN Việt Nam lớn lên mới bắt tay, DN Việt Nam lại chờ DN Nhật Bản đến hỗ trợ. Sao DN lớn của Nhật Bản chưa điều chỉnh chiến lược, trong đó có tính tới cơ hội của DN Việt Nam. Các DN nhỏ và vừa Nhật Bản đang nắm công nghệ có tính tới chuyển giao cho các đối tác Việt Nam không. Các DN Việt Nam sẽ đầu tư nhà xưởng, con người thế nào...  khi vị trí địa lý, chi phí sản xuất, nguồn nhân lực vẫn   đang là lợi thế. Chúng ta phải thẳng thắn cùng bàn, cùng đầu tư thì mới cùng thắng được”, ông Dũng sốt ruột nhắc các DN thời gian là vàng nhưng cũng là kẻ thù, nếu chậm sẽ thua.

Tin liên quan
Tin khác