Doanh nghiệp Việt đang thay đổi
Câu chuyện với ông Vũ Tiến Lộc trên chuyến bay từ Điện Biên về Hà Nội trong ngày cuối cùng năm 2016 xoay quanh đề nghị của một doanh nhân trẻ ở Điện Biên. Ông kể, doanh nhân đó muốn ông tư vấn việc lập hội doanh nghiệp của tỉnh.
Thực ra, vị này đang là hội viên một hội doanh nghiệp, nhưng cả năm không hoạt động. Từ 100 hội viên ban đầu, giờ chỉ còn 40 người.
“Họ kể với tôi, tham gia hội vì nghĩ được chia sẻ kinh nghiệm, kết nối cơ hội kinh doanh, nhưng không phải. Hội viên chủ yếu là doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, giao thông, sống bằng quan hệ để có dự án từ ngân sách, nên không thể chia sẻ được điều gì. Giờ, họ muốn thay đổi. Điều này khiến tôi phấn khích”, ông Lộc kể
Tại sao ông lại muốn nói về sự thay đổi của doanh nghiệp trong năm nay?
Suốt năm 2016, các doanh nhân vẫn nói, họ tin và ủng hộ Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động, đã kiên trì giữ lửa, nhưng chưa tin vào các công chức cụ thể.
Ông Vũ Tiến Lộc |
Giai đoạn trước đó, kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã rút lui, những doanh nghiệp còn lại cũng khá vất vả, nên niềm tin kinh doanh không còn vững vàng.
Nhưng niềm tin này đang có nhiều trụ đỡ hơn.
Mới tháng trước, trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2016, ông đã quan ngại khi nhắc tới hàng loạt đầu việc được chỉ đích danh là cản trở, làm khó doanh nghiệp trong Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng 3 năm vẫn còn nguyên, dù đó chỉ là quy định tại thông tư?
Bởi vậy, nhìn lại, môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn chưa đạt được mức trung bình của ASEAN 4 như mục tiêu, một số chỉ tiêu còn chưa đạt ASEAN 6. Bởi vậy, doanh nghiệp nội vẫn yếu, khó cạnh tranh, khó kết nối với doanh nghiệp nước ngoài…
Nhưng vừa rồi, Bộ Công thương bãi bỏ một loạt quy định mà chúng tôi nhắc đến tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016, như bỏ thủ tục dán nhãn năng lượng trước khi thông quan, bỏ quy hoạch về thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo…
Tuy việc phải làm của Bộ Công thương còn nhiều, khi bộ này liên tục có tên trong danh sách chậm triển khai của Nghị quyết 19, nhưng động thái là tích cực.
Ở địa phương cũng tương tự. Như Điện Biên, lãnh đạo tỉnh muốn áp dụng thực tiễn tốt của tỉnh bạn, đối thoại nhiều hơn, thẳng thắn hơn với doanh nghiệp. Phải nói thêm, Điện Biên đang ở vị trí 53/63 tỉnh, thành phố trong Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mới nhất, nghĩa là doanh nghiệp chưa hài lòng.
Các thay đổi này khiến cộng đồng doanh nghiệp hứng khởi, tin tưởng. Tất nhiên, điều này là chưa đủ. Cải cách chỉ thực sự thành công khi từng công chức làm việc này bằng ý thức của trách nhiệm và sự thôi thúc từ trái tim, chứ không chỉ do mệnh lệnh từ cấp trên. Đó mới là Chính phủ kiến tạo.
Tôi muốn nhắc lại câu nói, thể chế nào, doanh nhân ấy. Những người muốn làm thật đang nhìn thấy cơ hội của mình. Đây là điều kiện cần vô cùng quan trọng để doanh nghiệp Việt thực hiện được mục tiêu đã bỏ lỡ trong 10 năm gia nhập WTO, đó là hội nhập thực sự với nền kinh tế toàn cầu.
Ông đã từng nói, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ thay đổi cục diện thương mại toàn cầu, doanh nghiệp Việt sẽ đối mặt với thách thức mới lớn hơn?
Tập đoàn Ford vừa hủy dự án tỷ đô tại Mexico để quay trở lại Mỹ. Doanh nghiệp bảo hiểm của Nhật đã sa thải 34 lao động để sử dụng trí tuệ nhân tạo… Trước đó, Tập đoàn Foxconn của Đài Loan cũng đã sử dụng 60.000 tay máy công nghiệp thay cho lao động...
Tôi kể các tin này để thấy, những lợi thế vốn có của nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam – những ngành thâm dụng lao động, giá nhân công rẻ như dệt may, gia dày… có còn là lợi thế, là cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam đang muốn vượt qua bẫy thu nhập trung bình không? Tôi nghĩ là không!
Ngay cả nông nghiệp vốn được coi là bệ đỡ của nền kinh tế cũng đang đối mặt với áp lực phải thay đổi do biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp phải tính toán khi hạn mặn của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là thiên tai, mà sẽ thay đổi toàn bộ cấu trúc phát triển của Vùng… Họ sẽ trồng lúa sản lượng cao hay những giống lúa đặc sản và chuyển sang lĩnh vực khác…
Chúng tôi cũng đã bàn thảo, tại sao đến giờ Việt Nam vẫn chưa phải là bếp ăn của thế giới, trong khi ẩm thực Việt Nam được đánh giá cao, nhiều món đặc sản mang sắc thái vùng miền, trong khi nhiều thương hiệu Việt trong ngành này bị mua lại. Đó là quy luật thị trường, nhưng là điều đáng buồn cho doanh nghiệp Việt.
Doanh nghiệp đang tìm cách trả lời các câu hỏi trên, đang bắt tay vào xây dựng chiến lược kinh doanh mới, xác định hướng đi mới cho chính mình. Tất nhiên, ở đây còn có vai trò kiến tạo, dẫn dắt phát triển của Chính phủ, song, mọi sự thay đổi lớn đều bắt đầu từ những bước đi nhỏ. Doanh nghiệp cần môi trường chính sách minh bạch, an toàn để thay đổi.
Kể với thế giới câu chuyện bao dung của Việt Nam
Ngày 21/11/2016 theo giờ Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thay mặt Việt Nam, tiếp nhận vai trò chủ trì Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017.
Trước đó một ngày, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã tiếp nhận vai trò Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh các tổng giám đốc APEC (APEC CEO Summit) năm 2017 từ người đồng nghiệp Peru.
“Đây là cơ hội lớn để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam quảng bá với lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới, với những CEO danh tiếng nhất thế giới. Chúng tôi muốn thế giới sẽ nhớ đến Việt Nam, đến nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam bằng những câu chuyện chạm vào lòng người, bằng món quà mà họ sẽ muốn quay trở lại để kiếm tìm thêm cảm xúc về Việt Nam”, ông Lộc chia sẻ ngay khi về tới Việt Nam những ngày sau đó.
Vậy, Chủ tịch APEC CEO Summit 2017 sẽ kể câu chuyện gì với thế giới?
Chúng tôi sẽ kể về doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế bao dung. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp cực nhỏ và những hộ gia đình đang nỗ lực gây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình, cho mọi người.
Chúng tôi sẽ kể về những doanh nghiệp lớn đang chuyển sang trồng rau hữu cơ, chăn nuôi sạch, thân thiện với môi trường, kết nối với các doanh nghiệp nhỏ, các hộ nông dân.
Tôi sẽ kể về những thanh niên, sinh viên Việt Nam đang về quê khởi nghiệp với các sản phẩm truyền thống, nhưng theo chuẩn mực của thế giới, bán hàng trên mạng Internet…
Cũng phải nhấn mạnh, APEC 2017 lần đầu tiên đã sử dụng thuật ngữ về nền kinh tế bao dung, lần đầu tiên đưa doanh nghiệp cực nhỏ vào chương trình nghị sự.
Có lẽ, với những gì đang hiện hữu, câu chuyện từ Brexit, từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, có cảm giác niềm tin của con người đang bị tổn thương. Nhiều người muốn thay đổi, thậm chí là nói không với hiện tại. Phải chăng đó là mặt trái của sự phát triển quá nhanh của công nghệ, của toàn cầu hóa?
Bởi vậy, chúng tôi tin câu chuyện về một nền kinh tế nhân văn hơn, chia sẻ hơn của doanh nghiệp Việt Nam sẽ là dấu ấn đáng ghi nhớ với các nguyên thủ quốc gia APEC và các CEO toàn cầu. Hơn thế, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nghe câu chuyện này.
Đặc biệt, tôi muốn kể riêng về món quà mà chúng tôi đang đề xuất sẽ tặng nguyên thủ các nền kinh tế APEC và các CEO toàn cầu. Chúng tôi chọn bức tượng Mẹ và những đứa con - gợi nhớ về huyền thoại Mẫu Âu Cơ với 50 người con lên rừng theo cha, 50 năm người con theo mẹ ra biển và câu chuyện về đạo Mẫu của người Việt.
Ông Lộc đặc biệt lưu tâm đến món quà này. Các mẫu thiết kế đang được cân nhắc, vừa làm quà tặng, vừa có thể đặt tại vườn hoa, khu du lịch.
Ông nói, Việt Nam cần phải kể cho thế giới câu chuyện về mình, về một nền kinh tế nhân văn, bao dung, trách nhiệm bằng hình ảnh, biểu tượng có thể chạm vào, có thể kể nhiều lần. Ông kỳ vọng, Huyền thoại Mẫu Âu Cơ với thông điệp về tính cộng đồng, sự liên kết sẽ níu chân các vị khách đặc biệt của Việt Nam, muốn quay lại để làm ăn, tìm kiếm đối tác, để du lịch, như Tượng Nữ thần Tự do ở New York (Mỹ), Nàng tiên Cá bên bờ biển Copenhagen (Đan Mạch) hay cậu bé Manequin Pis ở quảng trường Brussels (Bỉ)…đã hấp dẫn họ.
Có thể nói đây là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?
Đúng vậy. Lâu nay, APEC hay sân chơi hội nhập lớn vẫn được cho là cuộc chơi của các tập đoàn lớn.
Nhưng lần này, doanh nghiệp cực nhỏ, các hộ gia đình và cả cá nhân kinh doanh đã được nhắc đến. Tại sao vậy? TPP đang trắc trở nên các lãnh đạo APEC đang hướng tới một thể chế kinh tế mới, hội nhập, công nghệ nhưng không để ai bị bỏ lại đằng sau.
Trong thông điệp mới này, doanh nghiệp Việt Nam đang nhìn thấy cơ hội cho chính mình - đó là kết nối với các doanh nghiệp lớn. Thậm chí, con đường trở thành tỷ phú, trở thành những nhà kinh doanh toàn cầu đang ngắn đi.
Tất nhiên, không né tránh rằng, để cơ hội không biến thành nguy cơ, nhất là trong nền kinh tế hội nhập sâu rộng của Việt Nam, doanh nghiệp Việt phải tiếp tục học để đạt chuẩn mực chung của thế giới, để dù nhỏ vẫn phải chuyên nghiệp, phải kết nối được với thế giới bằng công nghệ và sức sáng tạo riêng. Nếu không tự nâng chuẩn cho chính mình, doanh nghiệp Việt sẽ bị bỏ lại đằng sau.
Tôi cũng kỳ vọng, doanh nhân Việt học thuộc bài học về tính nhân văn trong kinh doanh qua những câu chuyện của lịch sử của chính mình. Phải chăng, đó chính là văn hóa kinh doanh của người Việt – bao dung và chia sẻ, thể hiện trong cách làm ăn có trách nhiệm, sản phẩm kinh doanh thân thiện, nhân văn, bảo vệ môi trường, sức khỏe của con người. Doanh nghiệp Việt có thể ghi dấu ấn trong nền kinh tế bao dung bởi con đường riêng đó…
Lúc này, ông và các cộng sự đang tìm kiếm những đặc sản Việt Nam để giới thiệu với các vị khách đặc biệt trong dịp APEC 2017 tại Đà Nẵng. Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam sau quyết định gỡ bỏ cấm vận vào năm 2000, ông Bill Clinton đã chọn phở để thưởng thức. Tổng thống Balack Obama khiến bún chả trở thành đề tài nóng bỏng trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5/2016. Tới đây, Mỳ Quảng hay một món ăn nào sẽ viết tiếp câu chuyện ẩm thực, du lịch Việt và cả câu chuyện về doanh nghiệp Việt Nam…