Vượt khó
Tại công trình sửa chữa, nâng cấp đập thủy lợi Long Đại (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), kỹ sư Nguyễn Văn Thắng, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Hoàng Minh - chỉ huy trưởng công trường cho biết, do thực hiện chỉ thị về cách ly xã hội, nên phần lớn công nhân hiện trường đã được lãnh đạo Công ty cho nghỉ ở nhà và chỉ “cắm lại” 5 người, gồm 2 thợ lái máy, 2 thủ kho và 1 cán bộ quản lý.
“Chúng tôi vẫn phải làm việc, trực liên tục tại đây và không về nhà suốt 2 tuần qua. Lãnh đạo Công ty cũng đã có chỉ đạo những người ở lại phải bám sát công trường, hạn chế đi ra ngoài”, kỹ sư Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Ông Hoàng Minh Ngữ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Trường Xuân - đơn vị đang thi công một số công trình đầu tư công tại TP. Đà Nẵng cho biết, tiến độ thi công các dự án đã bị ảnh hưởng rất lớn, khi lượng nhân công, người lao động tại công trình buộc phải giảm bớt để đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
“Ảnh hưởng nhất vẫn là các công trình quy mô lớn. Có những công trình giờ chỉ giữ lại non nửa nhân công, nên tiến độ và khối lượng công việc bị ảnh hưởng nhiều. Nếu khối lượng công việc không đảm bảo, thì việc giải ngân sẽ không thể được thực hiện kịp thời, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Ngữ chia sẻ.
Về phần mình, ông Đỗ Tấn Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng, Thương mại và Dịch vụ An Dương, đơn vị chủ đầu tư và thi công một số dự án khu đô thị tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Khối hành chính của Công ty hiện tạm nghỉ. Tuy nhiên, anh em công nhân, cán bộ kỹ sư vẫn phải túc trực làm việc ở công trường để thi công các hạng mục hạ tầng như đường sá, cầu cống… cho kịp tiến độ dự án. Phải duy trì công việc, nhưng Công ty cũng hết sức tuân thủ chỉ đạo của chính quyền về các biện pháp chống dịch, như duy trì khoảng cách tối thiểu và bắt buộc phải sử dụng khẩu trang khi làm việc”.
Chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ
Cũng như phản ánh của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây lắp cho biết, việc tiếp cận các gói hỗ trợ từ các ngân hàng thương mại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước của doanh nghiệp đang hết sức khó khăn, với nhiều rào cản.
Ông Hoàng Minh Ngữ cho biết:“ Chúng tôi nghe báo chí thông tin khá nhiều về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giãn nợ, cho vay, nhưng khi hỏi ngân hàng thương mại thì họ nói là chưa có văn bản hướng dẫn từ cấp trên, nên chưa biết áp dụng như thế nào. Trong khi đó, do ảnh hưởng của Covid-19, việc nghiệm thu quyết toán khối lượng giải ngân cho các công trình từ kho bạc đang rất khó khăn”.
Ông Lê Văn Quân, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng T&Q cho biết, doanh nghiệp rất khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ ngân hàng. “Khi doanh nghiệp liên hệ làm thủ tục xin hỗ trợ giãn nợ, thì ngân hàng yêu cầu phải cung cấp hồ sơ, tài liệu để xem xét, nhưng việc xử lý giải quyết hồ sơ rất chậm. Trong khi đó, ngân hàng vẫn thông báo doanh nghiệp phải đóng đều lãi vay. Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ gia hạn, giãn nợ tối đa đến 1 năm, nhưng ở địa phương, các ngân hàng thương mại cho biết, khi có tiền về tài khoản của doanh nghiệp, ngân hàng sẽ tiến hành thu nợ trước. Nói chung, chỉ các doanh nghiệp có khoản vay nhỏ, tầm dưới 1 tỷ đồng, thì thủ tục xử lý nhanh, còn lại thì rất khó được giải quyết vì ngân hàng sợ nợ xấu”, ông Quân cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Bình cho biết, Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã quy định rất cụ thể và đầy đủ các chính sách cơ cấu giãn nợ, miễn, giảm lãi… nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
“Ngân hàng Nhà nước cũng đã liên tiếp gửi các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện đối với các ngân hàng thương mại. Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn cho biết sẽ xử lý nghiêm những trường hợp chây ỳ, gây nhũng nhiễu, cố tình chậm thực hiện các chính sách hỗ trợ”, ông Hiếu cho biết.