Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Để ngành thép và xi măng phát triển ổn định, bền vững” diễn ra vào giữa tuần này tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, trong 7 tháng đầu năm nay, ước tính, toàn ngành xi măng đã tiêu thụ 33,5 triệu tấn, trong đó, hơn 7 triệu tấn xi măng xuất khẩu, còn lại là tiêu thụ nội địa.
| ||
Nghi Sơn là một trong số những doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành vẫn tiêu thụ tốt sản phẩm |
Mức tiêu thụ này đã khá hơn nhiều so với dự báo của Bộ Xây dựng đưa ra hồi đầu năm, cho dù thị trường bất động sản chưa có nhiều cải thiện…
“Năm 2013, nhiều khả năng, xuất khẩu của toàn ngành xi măng sẽ chạm ngưỡng 10 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. Với mức xuất khẩu này, đảm bảo mức tiêu thụ của ngành xi măng trong năm nay sẽ vượt 56 triệu tấn”, ông Thiện lạc quan dự báo.
Tuy nhiên, những con số chung đáng phấn khởi trên chưa phản ánh đúng hoạt động của toàn ngành.
Báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng 6 tháng đầu năm 2013 cho thấy, việc phát triển ổn định, bền vững, duy trì lợi nhuận dương vẫn là mục tiêu không dễ gì đạt được đối với phần lớn doanh nghiệp ngành xi măng.
Theo nhận định của VNCA, nhìn một cách tổng quan, những doanh nghiệp tiêu thụ tốt vẫn chỉ là các thương hiệu quen thuộc, như Vicem, Nghi Sơn, Chinfon, Hà Tiên, Holcim, Cẩm Phả…, trong khi rất nhiều đơn vị khác vẫn gặp đầy rẫy khó khăn không dễ tháo gỡ trong thời gian trước mắt.
Một trong số này là Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai (HOM), thành viên của Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem). Trong 6 tháng đầu năm nay, dù doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của HOM đạt gần 400 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại bị lỗ tới 12,9 tỷ đồng.
Ông Trần Minh Sơn, người công bố thông tin của HOM cho biết, nguyên nhân khiến Công ty có lợi nhuận âm là do giá vật tư đầu vào quý II tăng cao, đặc biệt là giá điện tăng 11,4%; sản lượng clinker sản xuất giảm 66%, sản lượng xi măng tiêu thụ giảm 11,9%; đơn giá tồn kho clinker tăng 27,9%...
Lãnh đạo HOM thẳng thắn thừa nhận, để đạt được mục tiêu lợi nhuận cả năm là 95 tỷ đồng là vô cùng khó.
Ngay cả với nhiều doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tốt, nhưng sau khi trừ các chi phí, thì lợi nhuận còn lại… chẳng đáng là bao.
Cụ thể như trường hợp Công ty cổ phần Xi Măng Hà Tiên 1 (HT1), một trong những doanh nghiệp có năng lực sản xuất lớn, thương hiệu được ưa chuộng tại thị trường các tỉnh phía Nam và kinh doanh tốt, nhưng vẫn đang bị áp lực nặng bởi nợ nần, chi phí cao, nên lợi nhuận khá hẻo.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, HT1 đạt doanh thu 3.021 tỷ đồng, nhưng chỉ lãi có 1,66 tỷ đồng.
Đại diện HT1 cho biết, chi phí tài chính, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay cao tiếp tục kéo kết quả kinh doanh của HT1 đi xuống. Chi phí tài chính hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các chi phí hoạt động của HT1. Tính riêng quý II/2013, HT1 phải gánh khoản chi phí lãi vay là 206 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý II/2013, nợ phải trả ngắn hạn của HT1 là 4.247,3 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với tài sản tại cùng thời điểm. Cũng tính đến cuối quý II/2013, khoản nợ của HT1 với Vicem là 1.190 tỷ đồng.
Ông Bùi Trần Đông, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc cũng nhận định, chi phí sản xuất cao, giá điện, than, bao bì tăng, trong khi giá đầu ra không tăng, chi phí tài chính lại lớn, nên trong thời gian tới, phần lớn doanh nghiệp xi măng còn phải vật lộn với khó khăn.
Theo nhiều chuyên gia, tình trạng cung vượt cầu xi măng sẽ kéo dài vài năm nữa, ít nhất là đến hết năm 2015. Dự kiến, năm nay, tổng công suất ngành xi măng nước ta đạt 70 triệu tấn, vượt xa mức tiêu thụ dự kiến (56 triệu tấn).
Để giải quyết đầu ra, ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Xây dựng về việc điều chỉnh tiến độ một số dự án xi măng. Theo đó, sẽ đưa ra khỏi quy hoạch 9 dự án xi măng có công suất dưới 2.500 tấn clinker/ngày.
Thế Hải