Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với quan điểm giữ quy định về “vốn chủ sở hữu” và thống nhất mức vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không được thấp hơn 5 tỷ đồng.
Giữ quy định về “vốn chủ sở hữu”
Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) vừa được gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội.
Đây là dự thảo chỉnh lý ngày 28/8/2020, sau khi đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 và ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 7/2020.
Luật hiện hành quy định, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn pháp định theo quy định của Chính phủ. Dự luật sửa đổi được Chính phủ trình yêu cầu có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 5 tỷ đồng.
Thảo luận tại kỳ họp thứ 9, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sử dụng khái niệm “vốn chủ sở hữu” là không thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp sẽ thêm khái niệm mới trong hệ thống pháp luật, có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở nâng vốn chủ sở hữu lên 5 tỷ đồng, vị khác đề nghị không nên quy định cứng mức 5 tỷ đồng trong luật mà nên trong hướng dẫn của Chính phủ.
Sau kỳ họp, Thường trực cơ quan thẩm tra (Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội) thống nhất quy định "vốn điều lệ". Song, đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vẫn muốn dùng quy định vốn chủ sở hữu.
Ở báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật (ngày 28/8) gửi đến các đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng mặc dù Luật Doanh nghiệp không quy định vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, Luật Kế toán số 88/2015/QH13 cũng có quy định về vốn chủ sở hữu . Mặt khác, vốn điều lệ là nguồn vốn được ghi trên giấy phép kinh doanh, là tổng số vốn góp của tất cả các thành viên, còn vốn chủ sở hữu là tổng số tài sản, nguồn vốn thực tế của chủ sở hữu và là toàn bộ phần còn lại của tài sản sau khi đã trừ tổng tài sản cho các khoản nợ phải trả.
Báo cáo nêu rõ, với mục tiêu của Luật nhằm bảo vệ tốt nhất cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, trong đó có ràng buộc chặt chẽ về vấn đề năng lực tài chính, nguồn lực, các điều kiện bảo đảm hoạt động và năng lực tài chính của doanh nghiệp là rất quan trọng để bảo đảm điều kiện tối thiểu về tài chính nhằm dự phòng các tình huống phát sinh, rủi ro khi xảy ra trong quá trình hoạt động, nhất là khi liên quan đến người lao động thì việc quy định ràng buộc về vốn chủ sở hữu sẽ chặt chẽ và khả thi hơn vốn điều lệ.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với quan điểm của Chính phủ khi trình dự án Luật, đồng thời tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉ đạo việc chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giữ quy định về “vốn chủ sở hữu” và thống nhất mức vốn chủ sở hữu không thấp hơn 5 tỷ đồng.
Thực chất đây chính là Luật hóa quy định của pháp luật hiện hành, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích.
Đòi hỏi cao là cần thiết
Thảo luận tại Quốc hội, một số ý kiến cho rằng, quy định nâng điều kiện về người đại diện theo pháp luật từ có kinh nghiệm 3 năm lên 5 năm là chưa thuyết phục, nên giữ như quy định hiện hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự thống nhất với đề xuất của Chính phủ quy định về thời gian 5 năm kinh nghiệm đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dịch vụ vì đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, đặc biệt lại có liên quan trực tiếp đến người lao động với đặc điểm làm việc ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Do đó, các quy định chặt chẽ, đòi hỏi cao hơn bình thường về điều kiện đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực này là cần thiết và phù hợp để không chỉ góp phần tăng cường quản lý “đầu vào” mà còn phải bảo đảm duy trì các điều kiện hoạt động đối với doanh nghiệp, góp phần bảo đảm các điều kiện để bảo vệ người lao động.
Ngoài ra, để đảm bảo tính chặt chẽ trong điều kiện doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung điều kiện người đại diện theo pháp luật ngoài việc không có án tích về các tội xâm phạm an ninh quốc gia còn phải không có án tích trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người; tội quảng cáo gian dối;, tội lừa dối khách hàng; tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép; tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép; tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.