Doanh nhân
Doanh nhân, Anh hùng Lao động Ba Huân: Niềm tin của cộng đồng sẽ tạo nên sức mạnh
Hồng Phúc - 09/12/2020 10:28
Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, không thể chỉ theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, mà cần có những mục tiêu cao hơn.

Với doanh nhân Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân, đó còn là niềm tin từ cộng đồng, từ chính nhân viên.

Doan nhân Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân.

Là một trong những cá nhân đạt danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới giai đoạn 2016 - 2020, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Ba Huân (thường được gọi là Ba Huân) đang xúc động trước ngày chính thức nhận danh hiệu.

Chưa từng bước chân vào giảng đường đại học, thậm chí chưa học hết lớp 5, song nữ doanh nhân này đã đạt được những thành tựu rất đáng kể. Ở tuổi 66, gắn bó với ngành trứng gia cầm nửa thế kỷ, bà Huân vẫn luôn tin rằng, chữ tình tròn đầy sẽ đưa doanh nghiệp vượt qua mọi gian nan.

Theo thông tin từ Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, bà Huân là một trong những doanh nhân điển hình tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm (2016 - 2020) sẽ được vinh danh, trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X diễn ra ngày 9-10/12/2020.

Cảm xúc của bà khi chuẩn bị nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 hiện nay?

Danh hiệu này là vinh dự rất lớn không chỉ cho cá nhân tôi, mà còn cho cả tập thể cán bộ, công nhân viên ở Ba Huân. 66 tuổi, nửa thế kỷ gắn bó với quả trứng và kinh doanh trong ngành này, với tôi, đây là sự động viên, khích lệ tinh thần rất lớn để chúng tôi tiếp tục tin tưởng vào những cơ hội phát triển sau khi bước qua đại dịch.

Theo mẹ bán trứng gia cầm từ 13 tuổi, 3 năm sau thì chính thức được mẹ tin tưởng giao nghiệp kinh doanh gia truyền và gắn bó đến lúc này, có khi nào bà có ý định đổi nghề?

Có lẽ, bám chặt với nghề là căn nguyên để tôi được nhiều người gọi là “nữ hoàng hột vịt” và thương hiệu Ba Huân ngày càng được nhiều người biết tới.

Năm 1982, tôi lập vựa trứng gia cầm đầu tiên tại TP.HCM, lấy tên là Ba Huân, rồi cứ thế phát triển chuyên nghiệp dần, đến năm 2001, doanh nghiệp Ba Huân ra đời.

Đến lúc này nhìn lại, thì ra trong những lúc khó khăn, khủng hoảng ập đến lại là cơ hội để “nắm cờ” rồi phất lên. Năm 2003, khi dịch cúm gia cầm xảy đến, đứng chới với bên bờ vực phá sản, cái khó ló cái khôn, tôi buộc phải chấp nhận thay đổi bằng quyết định đầu tư máy móc xử lý trứng gia cầm sạch, đồng hành cùng nông dân trên cả nước. Đó cũng được xem là “bước lột xác” cho ngành trứng gia cầm truyền thống, là quyết định rất đúng đắn, cơ sở vững chắc để có được Ba Huân ngày hôm nay.

Người tiêu dùng biết tới tôi, biết tới Ba Huân nhiều hơn và vì tấm lòng của bà con nông dân một nắng hai sương cùng liên kết với mình, nên tôi không thể nào đổi sang kinh doanh ngành khác được.

Trứng gia cầm là mặt hàng có biên lợi nhuận rất thấp. Ở Ba Huân, tỷ lệ này là bao nhiêu để có thể “thu tiền lẻ quy mô lớn”, duy trì vị thế trên thương trường?

Quả trứng nhìn mỏng manh, nhưng nếu bóp theo chiều dọc sẽ khó bể. Và dù ngành này là “thu bạc cắc”, nhưng nếu thật sự yêu nghề, kiên trì làm chuyên sâu, thì vẫn có cách để tồn tại, phát triển.

Ở Ba Huân, đó là chu trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Doanh nghiệp phải làm đầu tàu liên kết với nông dân cho khâu sản xuất và đầu tư vào chế biến, tiêu thụ, lấy chỉ tiêu chất lượng và chữ tín đặt lên hàng đầu. Khi được nhân viên nội bộ cũng như người tiêu dùng tin tưởng, doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển.

Tôi tin, đây là hướng đúng đắn. Đặc biệt, khi có được sự quan tâm, tin tưởng của người tiêu dùng, doanh nghiệp không được lơ là, mà phải chuyên sâu hơn để không phụ lòng tin đó.

Kinh doanh sản phẩm dễ vỡ, hư hỏng như trứng gia cầm rất gian truân. Nếu không xem đó là “nghiệp” cả đời, mà chỉ làm vì lợi nhuận, thì tôi đã tham gia vào nhiều ngành khác, chứ không thể gắn bó cả nửa thế kỷ với nghề này.

Ba Huân đã thể hiện chữ “tình” với nhân viên và cộng đồng qua những hành động cụ thể như thế nào, thưa bà?

Những thành viên trong Ba Huân luôn ý thức rằng: “Miễn là còn được người tiêu dùng, đội ngũ đặt niềm tin, Ba Huân vẫn còn cơ hội phát triển”.

Với nhân viên, hàng chục năm qua, kể cả trong đại dịch lần này, Công ty cũng không để ai nghỉ việc. Tôi coi nhân viên như con cháu trong nhà, đôi khi còn đứng ra dựng vợ, gả chồng cho các nhân viên. Khi gia đình họ có việc hiếu hay gặp bất kể khó khăn gì, nội bộ cũng đều chung sức, chung lòng để cùng vượt qua. Dù trong hoàn cảnh khó khăn chung do tác động của Covid-19, 800 nhân sự của Công ty vẫn giữ một lòng tin sẽ cùng Công ty vượt qua khủng hoảng.

Với cộng đồng, gần đây nhất, Ba Huân bán giảm giá thực phẩm các loại trứng gia cầm 20 - 30%, sản xuất các sản phẩm đã qua chế biến để đồng hành, hỗ trợ bà con miền Trung vượt qua khó khăn do bão lũ…

Xưa nay, phương châm và cũng là sợi dây kết nối xuyên suốt của Ba Huân chính là chia sẻ niềm tin cộng đồng, lấy chữ tín làm hàng đầu. Khi đặt niềm tin vào nhau và cùng nỗ lực,  chúng ta chắc chắn có thể vượt qua đại dịch lần này cũng như những thử thách trong tương lai.

Tin liên quan
Tin khác