Đầu tư Phát triển bền vững
Doanh nhân “binh nhì” Nguyễn Tiến Luận truyền cảm hứng học tập và làm giàu cho giới trẻ
Kỳ Thành - 27/11/2020 16:20
Tại sao không khát vọng làm giàu, vì giàu không chỉ là tiền của mà là tri thức, nhân cách, giá trị và thương hiệu bản thân. Người giàu có, thành đạt sẽ cống hiến cho đất nước nhiều hơn...
TIN LIÊN QUAN

Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Tiến Luận, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi với các bạn học sinh, sinh viên trong chương trình giao lưu “Người lính trở về” tối 26/11 tại Trung tâm Giáo Dục Quốc phòng & An ninh - Đại học Quốc gia Hà Nội (Hòa Lạc).

Chương trình diễn ra nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2020) và 60 năm ngày Thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960 – 20/12/2020). Cuộc gặp gỡ và giao lưu cùng các cựu quân nhân nhằm mục đích giúp học sinh, sinh viên hiểu hơn về lịch sử dân tộc, về truyền thống đấu tranh, bất khuất, kiên cường trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc của lớp lớp cha ông. Từ đó, xác định lý tưởng sống, mục tiêu sống, tiếp tục trau dồi kiến thức và sẵn sàng nói “Yes” với ước mơ của mình.

Buổi giao lưu giữa những cựu chiến binh và các bạn học sinh, sinh viên

Đặc biệt, các bạn học sinh, sinh viên đã có cơ hội được gặp gỡ các “Chiến sĩ giải phóng quân” - những chiến sĩ đã lái xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, làm nên giây phút lịch sử đánh dấu sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tại chương trình, các bạn học sinh, sinh viên đã giao lưu, lắng nghe những chứng nhân lịch sử ôn lại quá khứ hào hùng, vẻ vang, đặc biệt là thời khắc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập với Đại úy Vũ Đăng Toàn, Nguyên Trung úy, Chính trị viên đại đội, trưởng xe tăng 390; Trung úy Ngô Sỹ Nguyên, Nguyên Trung sĩ, pháo thủ số 1; Thượng sĩ Nguyễn Văn Tập, Nguyên Trung sỹ lái xe tăng và Đại tá Phùng Bá Đam, Nguyên Trung úy, Trưởng Tiểu ban cán bộ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304.

Các nhân chứng lịch sử trên chiếc xe tăng 390 và những người cựu chiến binh chia sẻ về thời khắc lịch sử

Đặc biệt, các bạn học sinh, sinh viên được giao lưu và truyền cảm hứng từ TS. Nguyễn Tiến Luận - “Doanh nhân binh nhì hiến dâng cho giáo dục” - người đã dành cả một thời trai trẻ của mình để chiến đấu tại mặt trận Quân khu 5, Sư 320, Sư 3 và Sư 2.

“Thời của thầy chỉ có một thứ ‘tài sản’, đó là lý tưởng sống vào thời đó. Cuộc đời của chúng tôi đẹp nhất trên đường đánh quân thù. Chính vì lý tưởng đó, khi đang học lớp 10, thầy đã gác bút để vào chiến trường”, TS. Luận nói.

Thầy Luận chia sẻ, suy nghĩ của người trẻ thời bấy giờ là được vào chiến trường để chiến đấu, được hi sinh, hiến dâng tuổi trẻ của mình cho những trận đánh, hiến dâng tuổi trẻ vì độc lập, thống nhất đất nước, với mệnh lệnh “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

“Các em hôm nay có tài sản lớn so với các thầy, các bác ở đây, đó là có ước mơ, khát vọng, hoài bão, đam mê, sáng tạo”, thầy Nguyễn Tiến Luận nhấn mạnh.

Ông mong muốn, tuổi trẻ với sự thông minh hãy xác định sứ mệnh với Tổ quốc, đó lầ nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng, sáng tạo, “hãy đầu tư thật nhiều thời gian cho học tập, coi học tập là sự sống còn”.

“Chỉ như thế, thành công mới đến nhanh, giúp các em trở thành doanh nhân thành đạt, trở thành người lãnh đạo tương lai của đất nước”, thầy Nguyễn Tiến Luận nói.

Theo TS. Nguyễn Tiến Luận, cách đây vài năm, khi nói đến hai chữ “làm giàu”, mọi người thường né tránh. Nhưng hiện tại, cách nhìn nhận của xã hội đã khác.

“Tại sao không khát vọng làm giàu, vì giàu không chỉ là tiền của mà là tri thức, nhân cách, giá trị và thương hiệu bản thân. Người giàu có, thành đạt sẽ cống hiến cho đất nước nhiều hơn. Đất nước chúng ta cần rất nhiều người giàu. Tài sản lớn nhất của quốc gia là trí tuệ Việt”, thầy nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Tiến Luận

Trưởng thành và sống sót từ chiến trường, với lý tưởng “Sống để trả nợ và tri ân đồng đội”, TS. Nguyễn Tiến Luận ấp ủ cháy bỏng khát vọng, đầu tư trí tuệ, tài sản để thực hiện mục tiêu “Tiên phong đào tạo công dân toàn cầu”.

TS. Nguyễn Tiến Luận cho biết, Trường Đại học Nguyễn Trãi đang đầu tư cho Dự án “Khu đô thị Đại học thông minh quốc tế” với quy mô 34 ha tại phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội.

“Trong tương lai, đây sẽ là nơi lý tưởng để thu hút giới trẻ trong và ngoài nước cùng sống, học tập, nghiên cứu, khởi nghiệp, lập nghiệp và tạo nền tảng vững chắc để hun đúc tuổi trẻ sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, góp phần xây dựng sự phồn thịnh của nước nhà”, ông chia sẻ.

Cũng tại chương trình, TS. Nguyễn Tiến Luận đã trao tặng 8 suất học bổng toàn phần cho con, cháu các “Chiến sĩ giải phóng quân” với tổng giá trị 705.600.000đ. Đây là món quà TS. Nguyễn Tiến Luận muốn tri ân đồng đội và khuyến khích thế hệ trẻ trau dồi học tập, phát huy truyền thống và trí tuệ Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác