Doanh nhân Bùi Sỹ Phong |
“Gieo” và “gặt”
Tôi gặp Bùi Sỹ Phong lần đầu tiên vào một ngày mùa Đông từ hơn 1 năm trước, khi anh và các cộng sự của mình tại Telio vừa gọi vốn thành công 26 triệu USD từ Quỹ Tiger Global. Lúc đó, chia sẻ về kế hoạch tương lai, Phong khá dè dặt, nói đúng hơn là khá cẩn trọng, bởi anh từng có “thâm niên”… 2 lần khởi nghiệp thất bại.
Trong lần khởi nghiệp đầu tiên, nền tảng thuê xe online Bonbonhub của anh trụ được trên thị trường vỏn vẹn 8 tháng. Dự án thứ 2 là một ứng dụng ví điện tử, sau 3 năm duy trì hoạt động cũng phải dừng lại. Hai “công trình” này đã tiêu tốn toàn bộ số tiền mà Phong tích lũy được sau 10 năm học tập và làm việc tại Pháp.
Trước đó, “thành tích” của Phong là… bỏ dở Trường đại học Ngoại thương khi đang học năm thứ 3 để sang Pháp du học chuyên ngành công nghệ thông tin. Cơ hội rộng mở, nhưng Phong đã chọn con đường trở về Việt Nam khởi nghiệp.
Lần này, gặp lại Phong, tôi thấy CEO 8x đã cởi mở hơn rất nhiều. Anh tự tin nói về những điều mà Telio đã “gieo” và “gặt” trong một năm qua.
Telio là nền tảng thương mại điện tử B2B (kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp), được Phong và các cộng sự thành lập cuối năm 2018. Ngay khi gọi vốn thành công, Telio tăng quy mô từ 20 nhân sự chủ chốt ban đầu lên 200 nhân sự và chỉ sau đúng 1 năm, nền tảng này đã có hơn 600 nhân sự, với “vốn liếng” rất đáng kể là xây dựng được 2 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) đặt tại Việt Nam và Ấn Độ.
“Chúng tôi đã đi đúng lộ trình đặt ra, với thành quả là kết nối với 6.000 đại lý, hợp tác với hơn 50 nhãn hàng trên toàn hệ thống ngành hàng tiêu dùng nhanh, phát triển 11 kho hàng ở Hà Nội và TP.HCM, Bình Dương cùng hệ thống hơn 100 xe tải phục vụ giao hàng hàng ngày, tăng trưởng đại lý đạt 70%/tháng”, Phong hồ hởi nói.
Đặc biệt, nếu nhìn vào tài sản hiện hữu, có thể thấy rõ hơn sự trưởng thành của Telio. Cuối năm 2019, start-up này chỉ có hơn 100 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, đến cuối 2020 đã vượt 660 tỷ đồng. Nhẩm tính, tổng tài sản của Telio, bao gồm cả hệ thống hàng hóa trong kho và tính trên doanh thu bán hàng trong năm 2020, lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.
Sứ mệnh kết nối
Telio đang nổi lên như một nền tảng số hóa, giải quyết các bài toán khó, giúp tăng sức mạnh cho việc vận hành kinh doanh của 15.000 cửa hàng bán lẻ và hàng chục hãng sản xuất lớn, nhỏ với các mặt hàng khác nhau. Định vị Telio là công ty về công nghệ và dữ liệu, nên Bùi Sỹ Phong rất coi trọng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân tài trong lĩnh vực công nghệ.
Doanh nhân Bùi Sỹ Phong,CEO Telio
Để tăng sức mạnh, Phong và đội ngũ lãnh đạo Telio đã chiêu mộ hiền tài từ các thung lũng công nghệ như Mỹ, Ấn Độ. Không nhiều công ty khởi nghiệp làm được điều này. Hiện nay, nhân sự đảm nhiệm chức danh Giám đốc công nghệ của Telio là một gương mặt đến từ Ấn Độ - Mukesh Singh. Trước khi về chung nhà với Telio, Mukesh Singh là Giám đốc công nghệ tại Amazon Nam Á và từng có thời gian làm việc tại Lendingkart - doanh nghiệp tại Ấn Độ chuyên hỗ trợ vốn lưu động cho các cửa hàng nhỏ lẻ.
Sứ mệnh mà Telio lựa chọn ngay từ những ngày đầu thành lập là kết nối, hỗ trợ các cửa hàng nhỏ lẻ và các nhà sản xuất. Bởi vậy, hơn 2 năm qua, chủ nhân của Telio cùng các cộng sự đã miệt mài kết nối, liên kết các đơn vị bán lẻ với các nhãn hiệu, nhãn hàng và đơn vị bán buôn thông qua một nền tảng tập trung, giúp các cửa hàng bán lẻ có nhiều lựa chọn về hàng hóa với giá cả tốt và vận chuyển hiệu quả hơn.
Theo Phong, một trong những điểm khó khăn của các cửa hàng bán lẻ chính là việc họ có quá nhiều đầu mối nhập hàng, mỗi mặt hàng nhập từ một đầu mối, bất tiện và mất nhiều thời gian… Telio cung cấp cho họ một nền tảng nhập hàng tập trung với đầy đủ các loại mặt hàng trên hệ thống, giá cả công khai, dễ dàng so sánh để đi đến quyết định đặt hàng. Chỉ cần thông qua app Telio, các cửa hàng bán lẻ có thể đặt được hàng trăm mặt hàng từ các nhà sản xuất khác nhau.
Hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ, nên ưu điểm của Telio là khả năng giao tiếp với cửa hàng, đại lý đầu cuối khá dễ dàng, thông tin xuyên suốt. Nhờ đó, các chương trình khuyến mãi hay các sản phẩm mới đều được thông tin đến hệ thống đại lý rất nhanh chóng và chính xác.
Đặc biệt, ngoài website và ứng dụng trên hệ điều hành Android, iOS, năm qua, Telio đã đưa shop B2B lên nền tảng Zalo, tăng thêm kênh để hỗ trợ các đại lý đặt hàng nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả.
Khởi động hành trình xuyên biên giới
Năm 2020, “cơn bão” Covid-19 ập tới, thổi bay thành quả, thậm chí “xóa sổ” không ít doanh nghiệp. Nhưng với Telio, 2020 lại là một năm đặc biệt, hiệu quả.
“Năm vừa qua là giai đoạn ổn định kinh doanh của Telio. Chúng tôi đã loại bỏ tất cả những gì không hiệu quả trong hoạt động. Covid-19 khiến lượng đơn đặt hàng online tăng đột biến. Qua đó, các cửa hàng, đại lý ngày càng nhận thấy rõ, kênh online tiện lợi hơn rất nhiều so với kênh offline và đó chính là cơ hội để Telio tăng trưởng”, Phong chia sẻ.
Nhưng, Phong và Telio sẽ không dừng lại ở những thành quả của năm 2020. Anh nói, đã đến lúc cần đi xa hơn, vượt ra khỏi vùng an toàn, tiếp tục chinh phục những mục tiêu mới. Bằng chứng là, Phong tiếp tục chiêu mộ thêm nhân sự, trong đó có Flipkart, người Ấn Độ, từng là giám đốc ngành hàng điện tử gia dụng của nền tảng thương mại điện tử, để cùng đội ngũ Telio lấn sân sang ngành hàng mới.
Không chỉ bó hẹp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, nền tảng thương mại điện tử này đã mở rộng sang ngành hàng đồ gia dụng. “Chúng tôi đã nghiên cứu khá kỹ về lĩnh vực kinh doanh mới, đó là ngành hàng gia dụng và quyết tâm triển khai trong năm 2021”, Phong quả quyết.
Bước đệm cho cú nhảy này đã được Telio bắt đầu thực hiện từ cuối năm 2020. Các sản phẩm gia dụng thiết yếu như đồ nhựa, nồi cơm điện, máy sấy tóc, bàn là, bếp từ… đã được Telio đưa vào danh mục trên hệ thống.
Phong ước tính, ngành hàng đồ gia dụng có quy mô khoảng 10 - 12 tỷ USD/năm, tiềm năng không hề thua kém so với ngành hàng tiêu dùng nhanh. Dư địa thị trường lớn như vậy, dĩ nhiên, một người nhanh nhạy trong kinh doanh như Phong sẽ không thể bỏ qua.
Theo kế hoạch, trong tương lai gần, danh mục ngành hàng mới của Telio sẽ tiếp tục được nối dài thông qua việc bắt tay với các công ty nghiên cứu thị trường trong nước và quốc tế để tham gia nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Trước mắt, trong năm 2021, Telio sẽ tiếp tục tối ưu hóa hệ thống với thế mạnh là chìa khóa công nghệ, đồng thời hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống khoảng 400.000 cửa hàng đại lý riêng thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh; mở rộng phạm vi kinh doanh sang 6 tỉnh, thành phố mới; phát triển hơn 1.000 nhân viên kinh doanh; 50% số cửa hàng tạp hóa/bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh tại Hà Nội và TP.HCM sẽ mua hàng qua ứng dụng Telio…
Phong chia sẻ, trong 2 năm vừa qua, Telio đã “chạy tổng lực” để mở rộng thị trường và đã xây dựng được mạng lưới phân phối rộng lớn. Điều quan trọng nhất là, Telio luôn có được sự hài lòng của khách hàng sử dụng hệ thống. Đây là nền tảng và động lực để Telio tiếp tục hành trình thương mại xuyên biên giới.
“Thương mại xuyên biên giới bao gồm hai chiều, xuất khẩu và nhập khẩu. Telio sẽ nhập hàng về để bán cho thị trường trong nước, đồng thời hỗ trợ các nhãn hàng ở trong nước xuất hàng ra nước ngoài. Hiện tại, chúng tôi đã nhận được những yêu cầu từ Ấn Độ để có thể hỗ trợ các nhà sản xuất ở Việt Nam xuất hàng sang thị trường này và một số thị trường khác nữa”, CEO Telio bày tỏ.
Khách hàng thành công - doanh nghiệp phát triển
Sau 2 lần khởi nghiệp thất bại, với start-up thứ 3 này, anh cùng đội ngũ đã vượt qua chặng đường khó khăn đầu tiên. Nhìn lại hành trình đã qua, điều gì khiến anh hài lòng nhất về Telio?
Với lần khởi nghiệp này, tôi đã có được nhóm cộng sự là những người trẻ tuổi, đều có lý lịch học tập đáng nể từ Anh, Mỹ, Ả Rập Xê-út… Nhờ có đội ngũ nhân sự ấy, Telio mới có được hình hài như hôm nay.
Một điều nữa khiến tôi hài lòng, là Telio đã xây dựng được nền tảng công nghệ và chứng tỏ được rằng, mô hình kinh doanh này có thể lớn mạnh.
Vì sao Telio tự tin định vị mình là một công ty công nghệ?
100% platform của Telio, bao gồm các ứng dụng, các trang web, app Telio Zalo Store đều do đội ngũ Telio xây dựng. Về nền tảng vận hành, quản lý nhân viên, nhân sự… cũng như vậy.
Điều gì thôi thúc Phong và đội ngũ Telio không ngừng chinh phục các mục tiêu mới?
Tôi và các cộng sự sáng lập Telio luôn đau đáu một điều, đó là làm thế nào để phục vụ các cửa hàng bán lẻ tốt hơn và tạo thêm sức cạnh tranh cho họ. Ngoài mục tiêu lợi nhuận, một trong những tiêu chí hàng đầu mà Telio đặt ra là phải giúp được khách hàng của mình phát triển hơn và thành công hơn, khi đó, doanh nghiệp mới có thể đi đường dài.