Một chuyến đi chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng cao của Giám đốc HaVi Tourist |
Gian nan khởi nghiệp
Đỗ Thu Hằng gây ấn tượng bởi phong cách trẻ trung, hoạt bát. Nếu tiếp xúc lần đầu, ít người nghĩ cô gái trẻ này đã có tới gần 20 năm hoạt động trong ngành du lịch.
“Bén duyên” với nghề từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất Trường cao đẳng Thành Đô (nay là Đại học Thành Đô) bằng việc làm thêm tại một số đơn vị lữ hành, từ những công việc đơn giản như phát tờ rơi, tiếp thị tour, tuyến, điểm…, dần dần được phụ giúp đưa đón du khách…, niềm đam mê với du lịch lớn dần. Vì vậy, ngay sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Thành Đô, Hằng quyết định theo học chuyên ngành hướng dẫn tại Khoa Việt Nam học, Đại học Sư phạm Hà Nội, để có kiến thức chuyên sâu, bài bản về nghề.
Hằng ra trường vào thời điểm du lịch “trăm hoa đua nở”. Khi đó, xu hướng hoạt động của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp là đa lĩnh vực, đa ngành nghề và du lịch là mảng được nhiều đơn vị ưu tiên lựa chọn bởi chi phí đầu tư không quá lớn, mà doanh thulại không hề nhỏ. Hằng được một doanh nghiệp khá tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản tuyển dụng làm quản lý mảng lữ hành - là mảng kinh doanh mới của đơn vị này.
Cùng với cộng sự (người đã cùng Hằng gây dựng doanh nghiệp du lịch Sen Việt sau này), chỉ trong một thời gian ngắn, Đỗ Thu Hằng đã đưa lữ hành từ chỗ chỉ đóng vai trò phụ trợ trở thành điểm sáng nổi bật trong doanh số của công ty. Thế nhưng, những đóng góp của họ không được ghi nhận. “Phải làm một cái gì đó cho riêng mình”, Hằng nhủ thầm.
Dù khó khăn chồng chất, cả về cơ sở vật chất, nhân sự, rồi vốn liếng, tệp khách hàng…, nhưng quyết tâm cao độ đã tạo động lực giúp Hằng và cộng sự vượt lên tất cả. Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ và Du lịch Sen Việt Hà Nội ra đời ngay sau đó. “Cơ ngơi” của 2 start-up chỉ là một căn phòng cấp 4 được cải tạo từ phòng trọ sinh viên, cùng 2 chiếc máy vi tính cũ và một chiếc điện thoại bàn.
“Đây là giai đoạn vất vả nhất mà tôi không thể nào quên được. Mỗi ngày tôi chạy xe máy hàng trăm cây số bất kể nắng mưa, từ nhà bên Đông Anh đến văn phòng công ty tận Nhổn (Từ Liêm, Hà Nội), rồi từ công ty đi tìm kiếm khách hàng, đêm về lại miệt mài xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với từng đối tượng khách”, Hằng nhớ lại.
Bằng nỗ lực đáng nể, doanh nghiệp “siêu nhỏ” này (chỉ có 5 nhân sự bao gồm cả Giám đốc và Phó giám đốc) tập trung khai thác thị trường ngách, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu và mong muốn của khách hàng ở từng phân khúc. Với việc xây dựng chương trình tour phù hợp đặc điểm, tâm lý khách hàng từng khu vực, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và phục vụ, Sen Việt đã thành công trong việc khai thác phát triển thị trường, trở thành đơn vị lữ hành được đông đảo khách hàng biết tới và lựa chọn.
Bước đột phá mới
Trước xu thế du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhu cầu của khách hàng liên tục gia tăng đặt ra những yêu cầu mới về thị trường, không chỉ là du lịch nội địa, mà còn là các điểm đến trong khu vực và quốc tế. Điều này đòi hỏi sự thay đổi cả về quản lý và điều hành của doanh nghiệp lữ hành thì mới có thể thích ứng được bối cảnh mới.
Hằng nhận thấy rõ điểm yếu của Sen Việt là sự hạn chế về phạm vi hoạt động (chỉ chuyên tuyến nội địa) trong khi khả năng hoàn toàn có thể mở rộng hơn nữa. Tuy nhiên, do không tìm được tiếng nói chung trong nội bộ, năm 2018, Đỗ Thu Hằng quyết định rút cổ phần khỏi Sen Việt và thành lập Công ty Du lịch HaVi Tourist, chuyên lữ hành quốc tế và nội địa.
Chia sẻ về doanh nghiệp mới của mình, Hằng tâm sự, bên cạnh các điểm đến quen thuộc trong nước, cô luôn ấp ủ mong muốn đưa du khách khám phá những vùng đất mới, những điểm đến hấp dẫn ở các thị trường quốc tế, để mang lại cho du khách những trải nghiệm khác biệt. Đó cũng là lý do HaVi Tourist lấy slogan là “tận hưởng những chuyến đi”.
Hoạt động của HaVi Tourist đang trên đà phát triển, thì đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến, gây ra những thiệt hại to lớn đối với nền kinh tế, cũng như với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất - kinh doanh, trong đó các doanh nghiệp du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất. Hàng loạt vấn đề xảy đến như nhiều tour đã chốt ngày khởi hành phải dừng lại, chuyện bồi hoàn cho khách… đều được Hằng tiếp nhận và xử lý với sự điềm tĩnh hiếm có.
Thiệt hại về kinh tế là rất lớn, nhưng Hằng không quá nặng nề điều này, mà cô cho rằng, đó là một bài học về năng lực ứng phó với những “sự cố bất ngờ”. Đó là bản lĩnh, là vốn sống và sự trải nghiệm thực tiễn của nhiều năm lăn lộn trong nghề…
Thế rồi, khi dịch bệnh chỉ mới tạm lắng, trong khi các doanh nghiệp lữ hành khác còn đang “nghe ngóng tình hình”, thì HaVi Tourist đã mạnh dạn tập trung mọi nguồn lực mở rộng quy mô. Thời điểm đó, vấn đề di chuyển giữa các vùng miền vô cùng phức tạp, nhưng Hằng đi lại “như con thoi” đến các tỉnh, thành phố từ miền núi Tây Bắc đến TP.HCM, miền Tây Nam bộ để hoàn thành các thủ tục cho việc mở chi nhánh, văn phòng đại diện của HaVi Tourist với tâm thế sẵn sàng khi du lịch hoạt động trở lại.
“Lúc đó, nhiều người cho tôi là mạo hiểm, bởi dịch không biết khi nào mới chấm dứt, nhưng tôi nghĩ, nếu đợi hết dịch mới triển khai thì sẽ muộn, không thể đáp ứng được nhu cầu của khách - như một chiếc lò xo bị nén xuống trong đại dịch, khi được giải tỏa sẽ bật lên rất mạnh”, Hằng giãi bày.
Khi xã hội bước sang trạng thái “bình thường mới”, cũng là lúc HaVi Tourist đồng loạt khai trương các văn phòng tại Hòa Bình, Móng Cái, Đà Lạt, Đồng Nai…, với các dòng sản phẩm được xây dựng mới, phù hợp với nhu cầu của du khách sau đại dịch.
Chia sẻ về những thăng trầm đã qua, Hằng cho rằng, điều cần thiết ở người đứng đầu doanh nghiệp là sự quyết đoán trên cơ sở kiến thức nền vững chắc. “Có người nói, vốn quý của đời người chính là tuổi trẻ. Chỉ khi mạnh dạn phấn đấu, tuổi trẻ mới đáng để tự hào”, cô bày tỏ.
Đỗ Thu Hằng luôn tâm niệm, phải đặt chất lượng dịch vụ và phục vụ lên hàng đầu, giữ chữ tín với khách hàng. Mọi vấn đề luôn rõ ràng, minh bạch, thì công ty được khách hàng tin cậy, đối tác tin tưởng, nhân viên gắn bó. |
Hành động từ tâm
Một việc làm ý nghĩa của HaVi Tourist là lập quỹ thiện nguyện nhằm giúp đỡ, động viên, chia sẻ với những khó khăn của trẻ em vùng cao Tây Bắc. Quan điểm hết sức rõ ràng được xác định ngay từ khi thành lập quỹ là không kêu gọi từ thiện, mà xuất phát từ cái tâm của mình.
“Vì cuộc đời là những chuyến đi” là câu nói quen thuộc của nhiều người. Còn với Hằng, mỗi chuyến đi là một bài học, là cảm nhận về cuộc sống, văn hóa của người dân bản địa. Cô luôn tự hỏi chính mình rằng, ngoài cảm nhận ở mỗi vùng đất, mỗi điểm đến, thì còn có thể làm gì để giảm bớt những khó khăn ở nơi đó.
Từ những hành động thiết thực của HaVi Tourist, du khách đã thấu hiểu và chung tay vào hoạt động ý nghĩa đó của Công ty. Với sự góp sức của du khách, Công ty đã tặng hơn 5.000 chiếc áo ấm và một căn nhà tình thương tại bản Huổi Hỏm (Mường Ẳng, Điện Biên) trong năm 2021; năm 2022 là hơn 4.000 áo ấm cùng nhiều phần quà tặng bà con nghèo tại Sơn Vĩ (Hà Giang) và năm 2023 trao tặng hơn 4.000 áo ấm tại hai tỉnh Lai Châu, Lào Cai.
“Sau mỗi chuyến đi, tôi nhận ra mình còn phải nỗ lực rất nhiều. Cuộc sống đồng bào vùng cao còn nhiều gian khó, nhưng không vì thế mà thiếu đi tấm chân tình, thiếu những nụ cười hồn hậu đón chào du khách. Đó chính là sự động viên, khích lệ to lớn để tôi tiếp tục vượt qua những cung đường, chinh phục những con đèo đưa du khách khám phá vẻ đẹp bất tận của Việt Nam”.
Hằng chia sẻ, nghề du lịch đã truyền cho cô cảm hứng và động lực để tiếp tục trên những chặng đường phía trước. Cô sẽ gắn bó với nghề du lịch và cố gắng hoàn thiện mình hơn, để mang lại niềm vui, nụ cười và truyền cảm hứng cho mỗi du khách, cũng như chia sẻ phần nào những khó khăn với đồng bào vùng cao...