Doanh nhân
Doanh nhân Đoàn Văn Hiểu Em: Từ chuyện ”Giữ chùa” đến áp lực vượt qua bóng của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài
Hồng Phúc - 16/02/2021 10:20
Mục tiêu của Thế Giới Di Động là phải đứng vị trí “số 1” ở mọi ngành hàng bán lẻ đang tham gia, ở trong nước hay thị trường nước ngoài.
Doanh nhân Đoàn Văn Hiểu Em

Chuyện của CEO công ty tỷ đô trẻ nhất Việt Nam

Hai năm trước, với hơn 1.000 cửa hàng, Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh có khoảng 25% - 30% thị phần cho mảng điện máy và điện thoại. Khi đó, anh Đoàn Văn Hiểu Em được bổ nhiệm vị trí CEO của Công ty cổ phần Thế Giới Di Động.

Ở thời điểm này, một là, thị trường đã dần bão hòa và không còn dư địa để mở thêm, hai là, cái bóng của nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Đức Tài quá lớn khi luôn giữ mạch tăng trưởng của Thế Giới Di Động suốt 14 năm trước đó, với tình hình này thì khó mà có thể làm được gì thêm nữa. Thời ấy, CEO Đoàn Văn Hiểu Em đã từng suy nghĩ: “Mình sẽ làm được gì đây, hay cũng chỉ là “người giữ chùa”, tức là giữ được những thành tựu mà Thế Giới Di Động đang có được mà thôi”.

Sau 2 năm, với sức trẻ, sự quyết liệt và cả tham vọng trong kinh doanh, CEO Đoàn Văn Hiểu Em đã cho cả thị trường thấy một kết quả hoàn toàn khác biệt, đó là đưa Thế Giới Di Động từ 30% lên gần 50% thị phần.

Vị CEO chia sẻ: “Tôi nhớ, thời đểm năm 2018, thị phần điện máy của Công ty tầm 25%, điện thoại hơn 35%. Một nhà bán lẻ chiếm 25%, 35% thị phần thì không phải là nhỏ, nên khả năng nới rộng thêm chiếc áo là không hề dễ chút nào. Nhiều người lo cho tôi vì điều này. Nhưng tôi thì lại nghĩ khác, tại sao chỉ dừng lại ở con số 25%, 35% thị phần mà không phải 50% hay cao hơn nữa. Tại sao chưa làm đã bị đóng khung, tự giới hạn năng lực bản thân. Thế là, tôi quyết định xắn tay vào làm để tìm ra lời giải cho bài toán mà bản thân mình tự đặt ra”. Và kết quả, đến cuối năm 2020, Công ty đã có 50% thị phần điện thoại, 45% thị phần điện máy và tiếp tục đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 sẽ là 60%”.

Tròn 2 năm đứng mũi chịu sào, 2 chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh đã gặt hái được những thành công nhất định, vị CEO trẻ này hài hước chia sẻ: “Đúng, thời điểm cách đây 2 năm, tôi đã từng nghĩ Thế Giới Di Động chọn tôi để làm “người giữ chùa”, nhưng tôi đã biến ngôi chùa lá trở thành ngôi chùa vàng với nhiều hào quang rực rỡ hơn”.

Thế Giới Di Động dưới sự điều hành của CEO Đoàn Văn Hiểu Em đã vượt qua những giới hạn và  khuôn khổ trước đây. Thậm chí, CEO trẻ này còn có thể gia tăng số lượng cửa hàng lên gấp đôi, từ hơn 1.000 cửa hàng lên trên 2.300 cửa hàng chỉ sau 2 năm, trong khi các nhà bán lẻ khác chật vật sống sót hoặc co cụm lại. Cùng với đó, Công ty tập trung nâng cấp về chất cho các cửa hàng hiện hữu, cụ thể là thay đổi toàn bộ layout, quầy kệ theo mô hình nhà kho để gia tăng số lượng hàng hóa trưng bày gấp đôi, gấp ba, từ đó gia tăng sự lựa chọn dành cho khách hàng.

Ngoài ra, Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh đưa thêm các sản phẩm khác như đồng hồ, laptop vào kinh doanh để gia tăng doanh thu cho mỗi cửa hàng theo mô hình shop in shop. Thời điểm đầu năm 2019, chỉ có 200 điểm bán laptop, thì hiện tại đã có hơn 1.000 cửa hàng, mang về doanh số hơn 3.500 tỷ đồng trong năm 2020 (tăng trưởng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019). Hơn 1,2 triệu chiếc đồng hồ được bán ra trong năm 2020, thu về hơn 1.400 tỷ đồng (gấp 2,2 lần so với năm 2019).

Đây là cách mà 2 chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh tăng doanh thu gần như gấp đôi so với thời điểm 2 năm trước. Đặc biệt, trong suốt thời gian qua, CEO trẻ tuổi này đã không ngần ngại thử nghiệm các mô hình mà khi chưa làm CEO, chúng chỉ nằm trên giấy. Tất nhiên, đã có những thử nghiệm phải đóng lại như Chuỗi Điện thoại Siêu Rẻ, nhưng lại có nhiều bài học mới được mở ra. Điển hình trong số đó phải kể đến chuỗi Điện máy Xanh Super mini với dự án mang tên 300/6 (mở 300 cửa hàng Điện máy Xanh Super mini chỉ trong vòng 6 tháng). Đây là một thành tích đáng nể trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và thị trường nói chung có chiều hướng đi xuống trong năm 2020. Thế nhưng, Thế Giới Di Động vẫn tìm thấy những cơ hội, “khi người khác không làm gì, bạn phải làm nhiều hơn. Khi người khác đứng lại, bạn phải chạy thật nhanh”.

CEO Đoàn Văn Hiểu Em cho biết, các cửa hàng Điện máy Xanh Super mini vươn tới tận các thôn bản vùng cao, hay các xã miền sông nước, là một mô hình tinh gọn, tiết kiệm chi phí, bán các sản phẩm cơ bản, thiết yếu cho nhu cầu của người dân nông thôn, thế nhưng, đóng góp của chuỗi này không hề nhỏ, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt 1 - 1,2 tỷ đồng/tháng. Chưa dừng lại, chuỗi Điện máy Xanh Super mini trong năm 2021 sẽ tiếp tục tăng số lượng lên 1.000 cửa hàng, dự kiến doanh thu của chuỗi này mang về từ 8.000 - 10.000 tỷ đồng. Mô hình này sẽ giúp Điện máy Xanh khai thác thêm phân khúc khách hàng mới để gia tăng lên 60% thị phần điện máy vào cuối năm 2022.

“Trong ngành bán lẻ là vậy, bạn phải liên tục làm, làm và làm. Chỉ có bắt tay vào làm, bạn mới tạo ra kết quả”, CEO Hiểu Em chia sẻ.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài: “Nếu còn ở vị trí này, có lẽ anh đã không làm được những việc mà Hiểu Em và đội ngũ đã làm được trong 2 năm qua”

Năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn đối với nền kinh tế do ảnh hưởng từ đại dịch toàn cầu, trong đó, ngành bán lẻ chịu những tác động bất lợi chưa từng có. Điều này dẫn tới nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sụt giảm hoặc thậm chí phải ngừng cuộc chơi. Trong bối cảnh đó, mặc dù không thể so sánh với mức tăng trưởng cao và liên tục như những năm trước đây, trong năm 2020, Công ty vẫn tiếp tục đạt được kết quả tăng trưởng dương cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế so với năm 2019. Điều này theo Chủ tịch Nguyễn Đức Tài là “thần kỳ”, là “rất xuất sắc”.

“Để chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh mà Hiểu Em đang phụ trách sẽ phải tiếp tục tăng trưởng, đóng góp 75% tổng doanh thu của cả Tập đoàn là 125.000 tỷ đồng trong năm 2021, thì khối lượng công việc và áp lực vô cùng lớn, chúng tôi sẽ phải nỗ lực và sáng tạo ra nhiều cái mới nữa để hoàn thành được mục tiêu trên. Nhưng tôi cảm thấy được khích lệ lớn từ câu nói của anh Nguyễn Đức Tài: “Nếu còn ở vị trí này, có lẽ Anh đã không làm được những việc mà Hiểu Em và đội ngũ đã làm được trong 2 năm qua, sức trẻ có khác”. Câu nói này của Anh như tiếp thêm nguồn năng lượng để những người trẻ chúng tôi sẵn sàng cháy hết mình”, CEO Hiểu em bày tỏ.

Chỉ vỏn vẹn 2 năm đảm nhận vị trí, chính Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cũng phải thừa nhận khả năng “học việc” siêu nhanh và sẵn sàng đảm đương mọi công việc của CEO 8X này.

Thị trường luôn đánh giá cao văn hóa Thế Giới Di Động khi tạo được sự đồng bộ từ trên xuống dưới, từ lời nói đến hành động, từ Chủ tịch đến người bảo vệ. Văn hoá “Khách hàng là trọng tâm” có thể do những người sáng lập xây dựng, nhưng các thế hệ điều hành, các cấp lãnh đạo phải thật sự sống, thực thi và lan tỏa trong cả đội ngũ. Đặc biệt, với một nền văn hóa đặc trưng và một hệ thống “giao việc là trao quyền” rất rõ ràng, ai đi chệch đường ray, sẽ cảm thấy mình như bị lạc nhịp, là kỳ cục, người mới ở bên ngoài vào cũng khá khó để “cảm” được. Đó cũng là lý do vì sao, trước đây, Thế Giới Di Động có vài trường hợp tuyển dụng người bên ngoài vào để đảm nhận các vị trí cao, nhưng không gắn kết được lâu dài. Việc bổ nhiệm CEO Hiểu Em đã cho thấy sự đúng đắn của văn hóa “bổ nhiệm từ bên trong” của Thế Giới Di Động.

Ở Thế Giới Di Động, như vị CEO trẻ tuổi chia sẻ, không có khái niệm nhiệm kỳ, thế nên có thể thấy được những áp lực mà CEO 8X phải đối mặt, nhất là áp lực vượt qua “cái bóng” của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, áp lực để duy trì "lời thề" tăng trưởng liên tục của Công ty. Thế nhưng, với bản tính xông xáo, quyết liệt và sức trẻ, CEO Hiểu Em chia sẻ, còn có quá nhiều cơ hội ở phía trước.

“Tôi nhìn thấy có quá nhiều việc có thể làm cho 2 chuỗi mà mình chịu trách nhiệm để tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021-2022. Ở thị trường trong nước, không chấp nhận thị phần của 2 chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh dưới 50%, thậm chí là dưới 60%. Ở thị trường nước ngoài, chuỗi điện thoại BigPhone đã đổi tên thành chuỗi Bluetronics bán điện máy và phát triển "thần tốc", vừa đạt cột mốc 50/6 (mở 50 cửa hàng Bluetronics tại Campuchia trong 6 tháng cuối năm 2020). Có thể nói, với số lượng này, Bluetronics là nhà bán lẻ có số lượng cửa hàng nhiều nhất và thị phần lớn nhất so với tất cả các nhà bán lẻ khác cộng lại. Kế hoạch năm 2021, sẽ còn mở thêm khoảng 30 cửa hàng, phủ sóng 25/25 tỉnh, thành phố của Vương quốc Campuchia. Và còn nhiều thị trường khác có độ lớn, tiềm năng không thua gì thị trường Việt Nam cũng đang được thăm dò và lên kế hoạch chinh phục như Indonesia, Thái Lan, Myanmar…”, CEO Đoàn Văn Hiểu Em chia sẻ.

Mục tiêu phải đứng vị trí số 1 tiếp tục được đặt ra, ở mọi ngành hàng bán lẻ mà Thế Giới Di Động tham gia, dù là thị trường trong nước hay nước ngoài. “Có thể cho đó là tham vọng, nhưng đó sẽ là động lực để chúng tôi luôn phải sáng tạo và nỗ lực không ngừng nghỉ. Ngày nào chúng tôi đứng lại đồng nghĩa chúng tôi sẽ bị đẩy lùi và những nhân tố khác có đủ tài đức sẽ thay thế để tiếp tục chèo lái con thuyền này về phía trước, nên sẽ không có khái niệm nhiệm kỳ nào ở đây cả”, CEO Đoàn Văn Hiểu Em hào hứng trải lòng.

Trò chuyện với CEO Đoàn Văn Hiểu Em

Nói về nhiệm kỳ 2 năm vừa qua, anh muốn chia sẻ điều gì?

Người giỏi ngoài thị trường rất nhiều, có thể Hiểu Em chẳng so được, nhưng họ không có đồng đội tốt như tôi. Dù tôi có ý tưởng hay, nhưng nếu làm một mình, thì không thể tạo nên thành quả lớn. Lãnh đạo không phải là người giỏi nhất ở mọi lĩnh vực, mà là người biết cách tập hợp đội ngũ, những người có tính cách và năng lực khác nhau cùng làm việc.

Chuyện giao việc, trao quyền ở Thế Giới Di Động là như thế nào?

Về chiến lược lớn, HĐQT, Ban Giám đốc cùng nhau thảo luận, nhưng khi đã quyết định, thì không can thiệp vào phần thực thi. Tôi đã giao việc, thì sẽ trao toàn bộ niềm tin vào quyết định của họ. Quyết định ấy có thể sai, nhưng nó được đưa ra dựa trên mục tiêu đã định sẵn, chứ không phải vì lợi ích cá nhân.

Đoàn Văn Hiểu Em học được đức tính nào của thế hệ lãnh đạo đi trước?

Tôi học được rất nhiều, trong đó có 2 người thầy lớn. Ở Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài, tôi học được sự chia sẻ của một người làm chủ cho đồng đội của mình. Tôi nghĩ, không có nhiều nhà lãnh đạo thấy hoặc làm được điều này. Tạo ra 1 đồng, anh Tài sẵn sàng chia sẻ phân nửa cho đồng đội của mình. Nhân viên cảm được sự chia sẻ đó và tự buộc bản thân phải nỗ lực nhiều hơn. Còn Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động Trần Kinh Doanh là con người của sự chi tiết, không nửa vời, luôn xoáy sâu vào mọi ngõ ngách để ra được công thức rồi mới nhân rộng thần tốc.

Với cá nhân Đoàn Văn Hiểu Em thì sao?

 37 là tuổi vàng, tôi đang trong giai đoạn chín muồi nhất để phát triển sự nghiệp. Ngoài tinh thần máu lửa, sự quyết liệt, sức trẻ giúp tôi đủ sức khỏe để chinh chiến, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao.

Những việc làm xuất phát từ trái tim

 Trải qua một năm đặc biệt khó khăn, bản thân cũng phải cắt giảm nhiều chi phí, nhưng Thế Giới Di Động vẫn đầu tư nhiều ngân sách hơn cho hoạt động cộng đồng, giúp đỡ người dân tại những địa phương khó khăn. CEO Đoàn Văn Hiểu Em không gọi đó là đầu tư, mà là sự chia sẻ.

Thế Giới Di Động đã kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ trong 16 năm và đạt được những kết quả nhất định. Vì lẽ đó, trong 2 năm gần đây, ngoài kinh doanh đơn thuần, Công ty nghĩ nhiều hơn đến việc sẻ chia những gì mình có được với cộng đồng theo cách thiết thực nhất.

Cuối năm 2019, Thế Giới Di Động tặng 10.000 nồi cơm điện trong chiến dịch “Cơm dẻo bếp ấm” tại hàng trăm địa điểm. Năm 2020, Công ty kết hợp với LG cùng Quỹ Operation Smile, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tổ chức chương trình phẫu thuật nụ cười cho các em nhỏ bị hở hàm ếch.

Hay vừa rồi, ở 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng bởi bão lũ, Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh triển khai chương trình giảm giá đặc biệt, bán hàng không lợi nhuận trong 15 ngày để bà con mua sắm các sản phẩm, đồ dùng thiết yếu. Và ngay trong mùa bán hàng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, được sự đồng hành và hỗ trợ từ các hãng, Công ty sẽ trích 5.000 - 10.000 đồng trên mỗi đơn hàng bán ra để quy đổi thành 1.000 tấn gạo trao tặng những người dân có hoàn cảnh khó khăn khắp Việt Nam.

“Rất khó để nói chính xác cơ duyên nào đưa Thế Giới Di Động đến với các hoạt động cộng đồng nhiều hơn trước đây. Tôi cho rằng, đơn giản, những việc làm đó đều xuất phát từ trái tim, tinh thần sẻ chia của Thế Giới Di Động. Ngày nào, chúng tôi còn tăng trưởng, kinh doanh còn hiệu quả, thì không có lý gì ngân sách dành cho các hoạt động thiện nguyện này sẽ không tiếp tục tăng lên theo thời gian”, vị CEO trẻ tuổi chia sẻ.

Trong tầm nhìn đến năm 2030, Thế Giới Di Động vẫn là tập đoàn bán lẻ, thương mại điện tử - dịch vụ liên quan số một Đông Nam Á, được tin yêu bởi sự phục vụ tận tâm, cũng như sản phẩm, dịch vụ vượt trội, mang lại cho nhân viên sự tử tế, niềm vui, sung túc và niềm tự hào, đóng góp to lớn vào trách nhiệm xã hội. Đó là minh chứng cho sự vận hành minh bạch và nhân văn tại bất kỳ nơi nào Thế Giới Di Động hiện diện.

Tin liên quan
Tin khác