Cộng đồng chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin thừa nhận ông Lâm Quốc Vũ là lãnh đạo sắc bén, có chiến lược kinh doanh hiệu quả và kiến thức sâu rộng. |
Lợi ích chia đều khi gọi vốn
Vị thuyền thưởng, sáng lập và Giám đốc điều hành KMS Technology Lâm Quốc Vũ có gần 30 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ thông tin ở Mỹ và các thị trường châu Á, châu Âu. Cộng đồng chuyên gia trong ngành thừa nhận ông là lãnh đạo sắc bén, có chiến lược kinh doanh hiệu quả và kiến thức ngành sâu rộng. Ông cũng là người giàu kinh nghiệm trong việc gọi vốn đầu tư cho các sản phẩm công nghệ.
QASymphony được xem là một phi vụ điển hình cho việc gọi vốn thành công. Đây là sản phẩm phần mềm “Made in Vietnam” mà ông Vũ vô cùng tâm đắc, là thành tựu trong suốt hành trình hơn 20 năm trong ngành. “Có nhiều bí quyết để chốt thương vụ, nhưng điểm mấu chốt để thương vụ diễn ra nhanh là cân bằng được lợi ích đôi bên. Khi đó, thương vụ thỏa hiệp được những gì mình muốn và các nhà đầu tư muốn”, ông nói.
Tuy nhiên, từng trường hợp sẽ có những hướng đi khác nhau, như khi tìm và chọn quỹ đầu tư quá sớm sẽ làm mất đi giá trị mà mình mong muốn. Do đó, ông Vũ cho rằng, cân nhắc kỹ tình trạng sản phẩm khi kêu gọi quỹ là điều vô cùng cần thiết.
Trái ngọt QASymphony đã giúp ông Vũ tự tin phát triển thêm 2 sản phẩm kiểm thử Katalon và Kobiton. Trong đó, Kobiton, với hơn 350 khách hàng, đã nhận được khoản đầu tư 3 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Kinetic (Mỹ). Với khoản đầu tư này, Kobiton sẽ tập trung phần lớn vào hoạt động kinh doanh và tiếp thị, nhằm quảng bá và nâng tầm sản phẩm công nghệ Việt tới thị trường ứng dụng di động tại Mỹ có giá trị ước khoảng 50 tỷ USD. Trong khi đó, Katalon có gần 35.000 khách hàng doanh nghiệp toàn cầu và 180.000 tài khoản sử dụng.
Do ở nước ngoài từ nhỏ, nên “đầu óc” của vị CEO 6x này rất “Tây” và cởi mở, nhưng cũng cực kỳ kỹ tính. Mỗi lần gặp ông là thêm một lần nảy ra ý tưởng mới, với nhiều tham vọng hơn dựa trên những phân tích số liệu sắc sảo. Điều đó khiến các nhân viên thấy có trách nhiệm vươn lên đáp ứng kỳ vọng, đồng thời gắn bó với công ty hơn vì thấy được tầm nhìn của vị thuyền thưởng. Không một ai thấy áp lực và từ chối nể phục ông.
Những gì ông đang nung nấu hứa hẹn sẽ tạo ra những sản phẩm công nghệ mang dấu ấn Việt đầy tiềm năng cho thị trường toàn cầu, trong đó không loại trừ một vài phi vụ M&A rất hời trong tương lai gần.
Trở về “vùng lõi” Việt Nam
Vị thế của KMS Technology trong lĩnh vực gia công phần mềm trong làng công nghệ thế giới rất hoành tráng, nhưng công ty này cũng nổi tiếng về độ kín tiếng. Chỉ cách đây 2 năm, giới ngoại đạo mới nghe nhiều đến tên tuổi này, khi Công ty khai trương văn phòng thứ 4 tại Việt Nam tại đường Tản Viên, quận Tân Bình, TP.HCM. Văn phòng mới có tổng diện tích 3.000 m2, đáp ứng 650 chỗ ngồi làm việc, với số tiền đầu tư lên đến hơn 30 tỷ đồng.
Đặc biệt, đầu năm 2019, nhân dịp một thập kỷ có mặt trên thị trường, “dàn đầu não” của Công ty lộ diện trước gần 1.000 nhân viên, với tuyên bố chiến lược: mở rộng kinh doanh đến thị trường châu Á, trong đó Việt Nam là trọng tâm.
Ông Lâm Quốc Vũ về Việt Nam dưới vai trò là nhà đầu tư Mỹ, thành lập Paragon Solutions Vietnam năm 1995, công ty tư vấn công nghệ có trụ sở tại Mỹ. Năm 2003, Paragon Solutions được chuyển nhượng cho First Consulting Group (FCG).
Ông Vũ sau đó tiếp tục lãnh đạo FCG với vai trò cố vấn trong việc phát triển các dịch vụ phần mềm, giám sát các trung tâm phát triển tại Ấn Độ, Việt Nam và các nhóm phát triển tại Mỹ, châu Á, châu Âu và Trung Đông. Tuy nhiên, vì muốn thực hiện hoài bão của mình, ông cùng 3 cộng sự khác thành lập KMS Technology vào năm 2009, công ty tiên phong về lĩnh vực gia công phần mềm, với đội ngũ 1.000 nhân viên tại Việt Nam và Mỹ.
Với tầm nhìn chiến lược xa, ngay từ năm thứ 3 hoạt động, ông Vũ đã bắt đầu xây dựng sản phẩm công nghệ với QASymphony - nền tảng quản lý chất lượng phần mềm. Sau 8 năm phát triển, start-up này đã có hơn 700 khách hàng doanh nghiệp trên toàn cầu, nhận được khoản đầu tư 40 triệu USD từ Quỹ Insight Venture Partners, đưa quy mô giá trị công ty lên 100 triệu USD năm 2017. Sau thương vụ M&A với Công ty Tricentis (Áo), QASymphony là mảnh ghép hoàn hảo đưa Tricentis trở thành start-up kỳ lân (Unicorn) của châu Âu năm 2018.
Trải qua những thăng trầm trong ngành, KMS Technology đã thành công và đứng vững trên thị trường công nghệ Việt Nam. Trong một thập kỷ qua, KMS Technology tập trung vào mảng gia công và phát triển sản phẩm phần mềm cho thị trường Mỹ với bảng thành tích dày đặc. Dư địa trong vòng 4 năm tới cho mục tiêu tăng trưởng trung bình hơn 20% của KMS Technology là tập trung vào thế mạnh gia công phần mềm, mở rộng đội ngũ kinh doanh tại Australia.
Tại thị trường châu Á, với điểm khởi đầu là Việt Nam, KMS Technology sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn và giải pháp về công nghệ (phân tích dữ liệu, chuỗi cung ứng, quản lý chất lượng phần mềm) nhắm đến thị trường khách hàng tầm trung. Ngoài ra, một sản phẩm phục vụ quản lý nhân sự cũng sẽ được ra mắt trong năm 2019, nhằm hỗ trợ phát triển văn hoá doanh nghiệp, tăng sự gắn kết và đo lường mức độ hài lòng của nhân viên.
Mục tiêu hướng đến của KMS Technology là giải quyết thực trạng thiếu hụt hạ tầng ngành, thiếu kiến thức và các công cụ quản lý nhân sự tốt, cũng như sự cạnh tranh, thiếu nhân lực cao cấp tại thị trường châu Á, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines. Thị trường này có giá trị ước tính lên đến 30 triệu USD vào năm 2025 trên toàn cầu (theo khảo sát Grand View Research, Mỹ)
“Chúng tôi tin tưởng sẽ đem đến các sản phẩm công nghệ tân tiến, cung cấp giải pháp kinh doanh hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước và khu vực tăng trưởng nhanh, cũng như tăng tính cạnh tranh trong thời đại kỹ thuật số hiện nay”, ông Vũ khẳng định trước những lo ngại rằng, KMS Technology sẽ vấp phải các đối thủ sừng sỏ ở Việt Nam như FPT, CMC, Google, Microsoft.
Dấu ấn về nhân sự
Với 1.000 nhân viên chỉ sau 10 năm thành lập từ một nhóm các chuyên gia tiên phong trong lĩnh vực gia công phần mềm cho thị trường Mỹ, KMS Technology đang sở hữu tổng cộng 4 văn phòng, 3 cơ sở tại Việt Nam và 1 tại Atlanta (Mỹ). Phần lớn kỹ sư phát triển phần mềm, sản phẩm công nghệ làm việc tại đây là người Việt. Đây là điều gây ngạc nhiên, bởi để có được các kỹ sư giỏi trong lĩnh vực này, các doanh nghiệp phải cạnh tranh rất khó khăn và khá sòng phẳng.
Có rất nhiều kỹ sư công nghệ giỏi của Việt Nam làm cho các công ty của Mỹ, Nhật Bản. Đó là những “ông lớn” đi đầu trong ngành công nghệ, với chiến lược phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là nhu cầu về nguồn kỹ sư công nghệ giỏi. Chính sách chiêu mộ và đãi ngộ nhân tài của các ông lớn này cũng được vạch ra và ngày càng nâng cấp để có thể thu hút được nhiều cá nhân tiềm năng.
Ngoài lương thưởng cao và những phúc lợi hấp dẫn, kỹ sư người Việt luôn có cơ hội trải nghiệm môi trường quốc tế, tiếp cận công nghệ mới và học hỏi nâng cao trình độ công nghệ thông tin từ những doanh nghiệp hàng đầu.
“Nhưng đây là cơ hội tốt để chúng tôi buộc phải nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo nguồn nhân lực cao cấp. KMS Technology tỏ rõ lợi thế trong cuộc chơi này, vì cố gắng phát triển nhân tài Việt. Tôi muốn đem đến cơ hội cho các cá nhân xuất sắc trong công việc, giúp họ có thể phát huy tối đa giá trị bản thân”, ông Lâm Quốc Vũ chia sẻ.
KMS Technology ra đời từ sự trăn trở về thực trạng tiềm năng người Việt không được đánh giá cao trên bức tranh công nghệ thế giới. Lâm Quốc Vũ đã tận dụng kinh nghiệm làm việc tại Mỹ, Ấn Độ quay trở lại quê hương khởi nghiệp với lòng tự tin vào trình độ chuyên môn của người Việt.
Ông là một trong những nhân tố góp phần xây dựng lứa kỹ sư phần mềm đầu tiên và được xem là người tiên phong trong ngành công nghiệp IT của Việt Nam. Sau hơn 20 năm phát triển tại Việt Nam, giờ đây, đội ngũ kỹ thuật của KMS Technology đã đủ sức cạnh tranh. Đó là đòn bẩy tạo ra các giải pháp công nghê thuần Việt mới mang tầm vóc quốc tế.
“Trong cuộc đời tôi, chuyện đào tạo ra lứa kỹ sư đó có ý nghĩa rất lớn. Nó khiến tôi cảm thấy rất may mắn bởi có cơ hội đến Mỹ và được đào tạo tốt về nghề, rồi tạo ra cơ hội mới cho nhiều người khác đi theo ngành, trong khi mình vẫn đạt được những ước muốn về công việc”, ông Vũ chia sẻ.
Đôi nét về ông Lâm Quốc Vũ
Hoàn thành chương trình Cử nhân Khoa học của Đại học Illinois và chương trình Thạc sĩ Khoa học Kỹ thuật Điện tại Đại học Purdue - Bang Indiana (Mỹ).
Được Bell Labs nhận vào làm năm 1989 và học thạc sĩ chuyên ngành điện tại Đại học Purdue.
Năm 1995, ông rời Bell Labs và cùng nhóm bạn thành lập Paragon Solutions.
Kể từ lúc có thể điều hành công ty ở bất cứ đâu, ông quyết định chuyển gia đình đến Dublin, California, một vùng ngoại ô của khu vực Livermore (Mỹ). Thỉnh thoảng ông về TP.HCM làm việc và Nha Trang thăm người thân.