Doanh nhân
Doanh nhân Lê Đặng Trung, Tổng giám đốc Công ty Real-Time Analytics: Giải ẩn số cho khách hàng toàn cầu
Anh Hoa - 26/06/2021 08:18
Việc tìm ra đáp án khó cho những khách hàng giúp doanh nhân Lê Đặng Trung, Tổng giám đốc Công ty Real-Time Analytics ngày càng nâng cao năng lực và chất lượng sản phẩm để đánh bại mọi đối thủ.
Doanh nhân Lê Đặng Trung, Tổng giám đốc Công ty Real-Time Analytics.

“Trạm dừng” cuối của các thương vụ từng đổ bể

Nền tảng thực hiện khảo sát thu thập và phân tích dữ liệu theo thời gian thực rtSurvey của Công ty Real-Time Analytics (RTA) đã lọt vào mắt xanh của các khách hàng khó tính trên toàn cầu. Đó là Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), các trường đại học như Tufts University (Mỹ), Copenhagen (Đan Mạch).

Các dự án nghiên cứu của những tên tuổi đó luôn đòi hỏi nhiều tính năng kỹ thuật đặc biệt như: bảng hỏi có tới 3.500 câu hỏi, khảo sát thực hiện trên cả 3 nền tảng iOS, Android và Web; làm sạch dữ liệu và xuất báo cáo theo các định dạng chuyên ngành như Stata, R, Shiny, SPSS cho đến việc quản lý nhân viên điều tra khảo sát. Những yêu cầu khó đáp ứng này mang lại sự khác biệt giữa nền tảng công nghệ của RTA và các nền tảng khác. RTA giúp khách hàng giải quyết vấn đề, tiết kiệm thời gian và chi phí.

“Thật khó để tìm ra các yêu cầu về khảo sát và phân tích dữ liệu theo thời gian thực mà rtSurvey không thể đáp ứng. Dự án đã thật may mắn khi hợp tác với RTA”, bà LinChiat, Trưởng dự án nghiên cứu về thuốc tránh thai cho nam giới ở 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam cho hay. Dự án này do Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation tài trợ, dự kiến sẽ được thực thi vào cuối năm nay.

Một khách hàng được xem là khó tính khi họ đưa ra những đề bài mà việc tìm được “đáp số” rất khó khăn. “Chúng tôi đặc biệt trân trọng những khách hàng này, khi có thể làm hài lòng họ, giá trị RTA mang lại không cần phải bàn cãi thêm”, Lê Đặng Trung cho biết.

Trong hơn 8 năm hoạt động, RTA đã nhiều lần là “trạm dừng” cuối khi khách đã thử với nhiều đối thủ khác, nhưng bất thành. Thế mạnh nghiên cứu kinh tế hành vi và am hiểu công nghệ ứng dụng đến việc luôn lắng nghe và đặt mình vào bối cảnh của khách hàng đã giúp RTA trở thành đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ và cố vấn cho họ.

Chuyển đổi số chỉ với một chiếc smartphone

Mới đây, sau quá trình đấu thầu cạnh tranh với nhiều tên tuổi lớn, RTA đã được World Bank lựa chọn để bắt tay hỗ trợ quá trình chuyển đổi số cho khoảng 600 doanh nghiệp nhỏ và vừa  (SME) ở Việt Nam.

Điều này cho thấy, RTA đang tập trung vào thị trường chuyển đổi số ở Việt Nam. SME là thị trường khổng lồ cho RTA.  Hơn 600.000 SME ở Việt Nam và hầu hết vẫn chưa ứng dụng giải pháp công nghệ để vận hành quản trị, trong khi năng suất lao động thuộc mức thấp trong khu vực. Họ vẫn đang tìm kiếm nền tảng công nghệ  để áp dụng chuyển đổi số.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của SME Việt Nam vẫn thấp hơn 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Trung Quốc, 2 lần so với Philippines, 3 lần so với Thái Lan.

Vậy nhưng, còn quá ít SME ứng dụng số hóa vì hiện chưa có nền tảng công nghệ phù hợp. Đối tượng này cần nền tảng công nghệ phải giải quyết được bài toán vận hành và quản trị không giấy tờ, mà lại tiết kiệm và dễ sử dụng. Với nhu cầu như vậy, thì rõ ràng, hiện chưa có nền tảng công nghệ nào đáp ứng. “Chúng tôi sẽ giúp họ tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, thời gian và gia tăng lợi nhuận”, ông Trung cho biết.

Mặc dù vậy, để biến tiềm năng thành những con số nhảy theo cấp số nhân, RTA phải xác định nền tảng vững chắc nhất để mang lại thành công cho chính mình là tạo ra giá trị cho khách hàng. RTA tập trung nghiên cứu và  phát triển nền tảng công nghệ rtWork tất cả trong một cho SME vận hành không giấy và tự động hóa quản trị ở mọi ngành nghề và quy mô.

Chẳng hạn, nền tảng có tính năng của hệ thống tổng đài Call Center hiện đại như của các ngân hàng, công ty chứng khoán mà các công ty chỉ tốn 125.000 đồng/tháng; hay phần tự động tính công, tính lương, bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cá nhân, nghỉ phép, bán hàng, chăm sóc khách hàng, quản lý tồn kho, lắp đặt, bảo hành, sửa chữa; quản lý tiến trình sản xuất từ đơn hàng - đầu vào - sản xuất - giao hàng cho khách…

Tất cả những khả năng đó, doanh nghiệp có thể ứng dụng chuyển đổi số chỉ với một chiếc smartphone mà nhân viên đang sử dụng. Tức là doanh nghiệp không cần phải đầu tư gì khác ngoài hạ tầng hiện hữu.

Thực tế, giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp cũng lên kế hoạch chuyển đổi số, nhưng thách thức của chuyển đổi số đến từ hai yếu tố: con người và tài chính. Con người ở đây gồm nhà quản trị và nhân viên thực thi. Nếu nhà quản trị chỉ nghĩ là cần chuyển đổi số mà không đổi mới tư duy, không nắm bắt đúng thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, của nhân viên, thì sẽ chọn sai điểm chạm. Nhân viên thì không thấy hữu ích, chỉ tốn thời gian, từ đó triệt tiêu động lực chuyển đổi số.

Về tài chính, nghĩ đến chuyển đổi số là phải đầu tư hạ tầng công nghệ, con người, tốn tiền trăm triệu, tiền tỷ. Doanh nghiệp đã bị Covid -19 làm kiệt quệ tài chính, họ có xu hướng chỉ nhìn thấy chi phí, mà không nhận ra giá trị.

Sẽ là đầu tư đúng khi chi phí phải bỏ ra nhỏ hơn nhiều lần giá trị mang lại. Theo ông Trung, nền tảng công nghệ hiện nay đã có nhiều lựa chọn giúp doanh nghiệp chuyển đổi số mà không cần nâng cấp hạ tầng, con người, chi phí có thể chỉ mấy trăm ngàn đồng.

Chuyển đổi số phải nên bắt đầu từ vận hành, như vậy mới đi từ gốc rễ vấn đề. Phần lớn giải pháp trên thị trường hiện nay tập trung các vấn đề quản trị, đây là phần ngọn. “Một giải pháp công nghệ được lựa chọn phải dễ dùng, tạo động lực cho nhân viên, giúp họ cảm thấy được trợ giúp, thay vì bị quản lý. Và một giải pháp lý tưởng phải là hệ sinh thái giải quyết được toàn bộ vấn đề vận hành, quản trị của doanh nghiệp”, ông Trung cho biết.

Quản trị kiểu tự phục vụ

Hoạt động thị trường toàn cầu, nhưng đội ngũ nhân sự của công ty khá ít. Điều này có vẻ trái ngược, bởi theo lối quản trị thông thường, doanh nghiệp có nhiều việc, bộ máy phình to. “Việc tự động hóa vận hành và quản trị chính là bí quyết của chúng tôi”, ông Trung nói.

Đứng trước khối lượng công việc khổng lồ mỗi ngày, đội ngũ RTA tư duy bóc tách công việc theo hướng ứng dụng chuyển đổi số, tự động hóa, giải phóng việc lặp đi, lặp lại.

Với RTA, kết quả và cách thức thực hiện quan trọng như nhau. Một phương pháp đúng sẽ mang lại một kết quả vượt bậc với thời gian, nhân lực thậm chí ít hơn bình thường.

Nhờ khai thác triệt để ứng dụng công nghệ, cùng lối tư duy quản trị “tự phục vụ”, RTA tạo ra công cụ, để sử dụng hiệu quả thời gian, năng lực của nhân sự và chứng kiến nhân viên tự bứt phá giới hạn của chính mình.

Cuối năm 2020, ông Trung bắt tay với Trường đại học trực tuyến FUNiX do cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam sáng lập để triển khai chương trình đào tạo nhằm tạo ra lứa nhân lực công nghệ cao. Đây là mối lương duyên rất tự nhiên của hai người. FUNiX là khách hàng của RTA khi chọn rtWork cho bộ phận chăm sóc khách hàng và sinh viên. Trong khi  đó, RTA đồng cảm với triết lý đào tạo của FUNiX.

“Chúng tôi tuyển dụng nhân viên mà không cần quan tâm đến bằng cấp của ứng viên. Miễn là ứng viên có kỹ năng phù hợp, chúng tôi sẽ trao cơ hội cho họ. FUNiX đã tạo ra một phương thức đào tạo mà ai cũng có thể học ở bất cứ đâu”, ông Trung chia sẻ.

Các tỷ phú trên thế giới, cũng như một số tỷ phú Việt Nam cho rằng, họ kiếm tiền nhiều không phải để trở nên giàu có, mà để thay đổi thế giới, thay đổi xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Với cá nhân ông Trung, từng là một nhà nghiên cứu kinh tế phát triển, thì luôn phải đối mặt với các câu hỏi kiểu như: mức năng suất, hiệu quả của các SME hiện nay là bao nhiêu, so với các nước ở mức nào.

Các nhà kinh tế thường đặt các câu hỏi cái gì (what)? Khi nói chuyện trực tiếp với doanh nghiệp, ông Trung nhận thấy, doanh nghiệp cần câu trả lời cho câu hỏi làm như thế nào (how) hơn. Ông chuyển hướng từ nghiên cứu thuần túy sang làm doanh nghiệp, sáng tạo sản phẩm để tìm câu trả lời cho các câu hỏi how này.

Trước khi RTA ra đời, ông Trung trải qua những ngày lăn lộn trải nghiệm với hàng chục ngàn người nông dân, SME từ Việt Nam, Indonesia, Philippines đến Cameroon, Gambia, Senegal, Congo, Đan Mạch, Argentina, Mỹ. Hành trình khắc khổ đó giúp ông “bỏ túi” nhiều vốn sống, nhìn thấy sự khác biệt của môi trường toàn cầu đa văn hoá.

“Tôi đã tìm ra các bài toán cần lời giải ở phạm vi toàn cầu. Trải nghiệm này cũng giúp chúng tôi nhìn thấy được nhiều lợi thế để khởi nghiệp ở Việt Nam. Việt Nam có nguồn nhân lực có kỹ năng không thua kém gì các nước như Mỹ, Đan Mạch, nhưng chi phí còn thấp hơn nhiều lần, trong khi quy mô thị trường cũng đủ lớn để phát triển”, ông nói.

Tuy nhiên, để thắng lớn, ông Trung cần chọn chiến lược phát triển sản phẩm ở Việt Nam, bán sản phẩm ra thị trường quốc tế cho các tổ chức toàn cầu (World Bank, ADB, UNDP) và quay lại phục vụ thị trường Việt Nam khi đã có tên tuổi và sự khẳng định từ các khách hàng này.

Ông Trung năm nay 42 tuổi, thích cuộc sống tự do, độc lập và trải nghiệm những điều mới mẻ, thú vị. Tuổi trẻ của ông là những chuyến đi xa, khám phá mọi thứ kỳ lạ xung quanh. Đúng như những gì người khác nhận xét, ông thuộc típ người tận tâm, không ngừng học hỏi để tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích. Dù là người có nhiều ước mơ, hoài bão, nhưng có vẻ ông khá thờ ơ với tham vọng quyền lực trong xã hội. “Tôi thích làm những điều mình thích, mang lại lợi ích cho cộng đồng, người thân xung quanh”, ông nói.

Người lạc quan, yêu đời như ông có vẻ an nhàn. Vẻ bề ngoài của ông vẫn bị nhiều người cho rằng hợp với “dân amateur” hơn. Thực tế, ông thường xuyên nghe những lời phàn nàn về việc không chịu khoác lên mình những bộ vest chỉn chu. Nhưng ông chẳng bận tâm, vì ăn vận đẹp không nói lên độ máu lửa trong tinh thần. Đó là việc ngày đêm cùng các cộng sự cày cục tìm giải pháp giúp người nông dân, SME thoát khỏi áp lực với việc kiểm soát được mọi việc qua smartphone. Điều đó giúp ông tự tin hơn khi quyết định từ bỏ nghiệp nghiên cứu bàn giấy để bước vào đời kinh doanh.

Ông Lê Đặng Trung có bằng Tiến sĩ Kinh tế Phát triển tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch). Ông từng thỉnh giảng tại Đại học California (Berkeley, Mỹ) vào năm 2010 - 2011. Trước đó, ông nhận bằng Thạc sĩ về kinh tế phát triển thuộc Chương trình Thạc sĩ Kinh tế Phát triển hợp tác giữa Việt Nam - Hà Lan.

Ông là thành viên nhiều dự án nghiên cứu do đối tác nghiên cứu về phát triển ở quốc tế và Chính phủ Việt Nam tài trợ, như Báo cáo Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ Việt Nam 2010, Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2007.

Các lĩnh vực nghiên cứu của ông Trung bao gồm các vấn đề về đói nghèo, biến đổi khí hậu, lao động và doanh nghiệp… Ông có nhiều bài viết trên các tạp chí quốc tế, như Journal of Agricultural Economics, Oxford Development Studies, World Development và Asia and the Pacific Policy Studies.

Hiện ông sống ở TP.HCM cùng vợ và con gái.
Tin liên quan
Tin khác