Khi những container đầu tiên chở ván sàn gạch nhựa SPC mang thương hiệu Hoàng Gia Pha Lê rời cảng những ngày cuối tháng 6/2020 đến Mỹ, kế hoạch trở thành một phần thị trường Mỹ của ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê đã bắt đầu.
Doanh nhân Mai Thanh Phương, Chủ tịch Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê. |
Tìm đúng giá trị cho đá
Niềm đam mê với những tài sản vô giá nằm trong lòng đất chảy trong huyết quản đã đưa anh kỹ sư mỏ địa chất trẻ Mai Thanh Phương đến với các khu mỏ, tạo nên những thành công của doanh nhân Mai Thanh Phương, cả danh tiếng trong kinh doanh và số lượng tài sản.
Hơn 5 năm trước, ông Phương quyết định gắn bó với phi kim bằng cách mua lại mỏ đá CaCO3 trữ lượng hơn 5 triệu tấn tại Nghệ An. Mỏ đá có độ trắng, sáng hiếm có của vùng đất Nghệ An đã hút hồn ông, kéo ông vào cuộc kiếm tìm và khẳng định giá trị thực sự cho khoáng sản Việt Nam.
Mất 3 năm vất vả giữa rừng, cắt từng vỉa tầng, san ủi để tạo nên một khu khai thác mỏ hiện đại, Khoáng sản Pha Lê (tiền thân của Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê hiện nay) đã xuất ra thị trường những sản phẩm đầu tiên, chủ yếu là đá CaCO3 ở dạng nguyên liệu khai thác trực tiếp từ mỏ đá.
Năm 2014, Pha Lê tiến thêm một bước bằng việc đầu tư dây chuyền sản xuất hạt phụ gia CaCO3 (Filler Masterbatch). Đá được nghiền thành bột, ép thành hạt, phục vụ cho ngành sản xuất bao bì và ép khuôn. Công ty trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất hạt phụ gia Filler Masterbatch lớn tại Việt Nam, xuất khẩu sang 39 nước.
Biên lợi nhuận hạt phụ gia thời kỳ đầu tương đối lớn, tuy nhiên, điều kiện gia nhập thị trường đơn giản, dẫn tới cạnh tranh ngày càng gay gắt. Đáng nói là, sự dễ dãi trong xuất khẩu và đàm phán giá khiến doanh nghiệp Việt thường xuyên bị đối tác nước ngoài ép giá... Kết quả là, giá sản phẩm cứ ngày càng hạ, trong khi các chi phí vẫn giữ nguyên, bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
“Khoáng sản Việt Nam phần lớn bị bán với giá rẻ mạt. Tôi thực sự ám ảnh về điều đó”, ông Phương thừa nhận.
Đây là lý do ông đứng ngoài mọi cuộc chạy đua về giá theo kiểu “cùng xuống hố”. Với lợi thế quy mô sản xuất lớn, tính chất đồng đều về sản phẩm, ông Phương chủ trương bán hàng rất khác. Khách nào mua nhiều, mua lớn, phải trả giá cao.
Dù vậy, hạt nhựa và sợi bao bì không phải là đích đến cuối cùng của ông Phương và các cộng sự. Là dân mỏ địa chất, ông biết rõ, CaCO3 là nguyên liệu cơ bản của nhiều sản phẩm cuối. Giấc mơ về những sản phẩm công nghiệp được sử dụng trực tiếp bởi người tiêu dùng, tạo ra giá trị thặng dư cho khoáng sản Việt Nam luôn khiến ông trăn trở.
Hơn 2 năm trước, Pha Lê quyết định dành 3% doanh thu hàng năm đầu tư cho R&D, đổi tên công ty thành Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê. Cái tên hàm ý doanh nghiệp sẽ tập trung mạnh cho công nghệ nhựa, chứ không phải một công ty khai thác khoáng sản đơn thuần.
Tham vọng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu
Một buổi sáng mùa thu năm 2019, trong cuộc trò chuyện điện thoại của 2 người bạn lâu ngày không gặp, giữa ông Phương và ông Đinh Việt Anh, Chủ tịch Công ty cổ phần Sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia, nhà sản xuất gạch lát sàn có thị phần thứ hai Việt Nam, cái tên gạch SPC lần đầu tiên được nhắc đến.
“Tôi có cảm giác về một vùng ánh sáng lóe lên trong đêm tối. Chúng tôi đã say sưa nói về SPC”, ông Phương kể.
Gạch nhựa hèm khóa SPC (Stone Plastics Composite) là vật liệu xây dựng mới xuất hiện trên thị trường thế giới trong khoảng 2 năm gần đây. Với những đặc tính như khả năng chống nước, không co ngót vật liệu khi thay đổi nhiệt độ, mối mọt, duy trì độ ổn định của bề mặt sàn…, SPC đang trở thành xu hướng trong xây dựng. Tại Mỹ, loại vật liệu này đã chiếm tới 50% thị phần ván sàn, đạt tốc độ tăng trưởng vượt ngoài mọi dự kiến của các nhà phân phối vật liệu.
Ngay sau cuộc điện thoại đó, Pha Lê và Hoàng Gia nên duyên. Hoàng Gia Pha Lê, doanh nghiệp sản xuất gạch nhựa SPC quy mô lớn tại Việt Nam đã ra đời. Không quá khi nói rằng, Hoàng Gia Pha Lê sinh ra đã “ngậm thìa vàng”, đó là lợi thế sức mạnh của 2 doanh nghiệp đình đám trong ngành vật liệu.
Pha Lê đang sở hữu mỏ đá CaCO3 tại Nghệ An với trữ lượng hơn 5 triệu m3, với tính chất trắng sáng thuộc nhóm chất lượng hàng đầu. Trong khi đó, 75% nguyên liệu sản phẩm SPC là bột đá CaCO3.
Pha Lê cũng đang sở hữu công thức phối trộn CaCO3 với các chất phụ gia để làm chủ được công nghệ ứng dụng trong quá trình tạo ra lớp cốt của gạch SPC. Công thức này do các nhà khoa học hợp tác với Pha Lê gồm các giáo sư, tiến sỹ của Trung tâm nghiên cứu vật liệu Polyme - Đại học Bách khoa… đã đưa ra vào nửa đầu năm 2019.
Còn Hoàng Gia là tập đoàn vật liệu có 20 năm kinh nghiệm, đã xây dựng được hệ thống phân phối lên tới gần 300 đại lý và hơn 3.000 cửa hàng bán lẻ khắp toàn quốc.
Bên cạnh đó, Hoàng Gia có thế mạnh trong xuất khẩu gạch bông sang Mỹ, châu Âu và Đông Bắc Á, chiếm tỷ trọng tới 70% cơ cấu sản lượng.
Hoàng Gia cũng sở hữu đội ngũ các nhà thiết kế liên tục bắt kịp và đi đầu trong tạo ra xu hướng thẩm mỹ sản phẩm.
Cộng tất cả các lợi thế trên, bài toán thị trường với “đứa con chung” SPC gần như đã có lời giải.
Nhưng cả ông Việt Anh và ông Phương tham vọng hơn thế. Đó là đưa sản phẩm thương hiệu Việt, chất xám Việt, làm ra từ nguồn khoáng sản Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hoàng Gia Pha Lê sẽ tổ chức thị trường và thương hiệu ở quy mô lớn, thâm nhập khu vực kinh tế tập trung lớn nhất thế giới là thị trường Mỹ, với dự kiến xuất khẩu tới 90% sản phẩm.
Ông Phương kể, tham vọng này buộc Hoàng Gia Pha Lê quyết định chơi lớn.
Bước 1 là mua bản quyền công nghệ hèm khóa của Hãng Unilin thuộc Tập đoàn Mohawk (Mỹ), một trong những nhà sản xuất vật liệu xây dựng lớn nhất Mỹ. Công nghệ này cho phép việc thi công sàn trở lên đơn giản và dễ dàng, lắp ráp và tháo dỡ bằng tay, không tốn chi phí thi công như các loại vật liệu lát sàn khác. Đây cũng là đặc điểm giúp gạch SPC trở thành hiện tượng tại thị trường Mỹ, nơi có chi phí nhân công xây lắp cao nhất thế giới và tư duy tiêu dùng liên tục thay đổi nội thất mỗi khi thay đổi khách thuê nhà cũng như văn hóa tự tay làm mới ngôi nhà mình ở.
Sau gần 9 tháng triển khai, nhà máy gạch SPC đầu tiên tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai) nằm bên cạnh thủ phủ sản xuất của Hoàng Gia đã chính thức vận hành với 10 dây chuyền đồng bộ có chi phí đầu tư 200 tỷ đồng tính riêng cho phần máy móc, công suất 8,7 triệu m2/năm.
Bước 2, song song với việc hoàn thiện nhà máy, Hoàng Gia Pha Lê đã gấp rút triển khai việc lấy các chứng nhận GreenGuard Gold (sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường), để đủ điều kiện xuất khẩu vào Mỹ.
doanh nhân Mai Thanh Phương
Đặc biệt, ông Phương và người đồng nhiệm đã thực hiện mua bán, sáp nhập (M&A) 2 doanh nghiệp phân phối vật liệu tại Mỹ để sẵn sàng cho việc thành lập các cứ điểm bán hàng tại đây. Bên cạnh đó, hệ thống phát triển thị trường được tổ chức thành từng nhóm, được đặt tên là các “biệt đội”, đang tính cực tuyển người, đào tạo. Đội ngũ này luôn được đặt trong thế sẵn sàng, chờ tình hình Covid-19 dịu xuống là sẽ lập tức tỏa đi các nơi, liên tục tấn công từ thị trường liên bang đến tiểu bang, từ hệ thống bán buôn đến bản lẻ với mục đích tạo độ phủ thị trường trong thời gian ngắn nhất. Đây là bước 3 và là bước đi táo bạo nhất của hai doanh nhân trong cuộc chơi mà các ông gọi là “pressing” trên đất Mỹ.
Vẫn còn những bước đi tiếp. Ông Phương chia sẻ, trong kế hoạch đã đặt ra, Hoàng Gia Pha Lê sẽ M&A thêm 2 công ty phân phối nữa của Mỹ. Ngay khi nhà máy số 1 đi vào vận hành tối đa công suất, nhà máy số 2 tại Hải Phòng với 15 dây chuyền, công suất lớn hơn sẽ được khởi công (hơn 3,2 ha đất sạch tại Khu công nghiệp Minh Phương - Hải Phòng đã sẵn sàng).
“Xuất hàng sang Mỹ, doanh nghiệp Việt phải đảm bảo khả năng cung ứng hàng ổn định, ở quy mô lớn. Ngay trong giai đoạn thăm dò thị trường hiện nay, một nhà phân phối đã yêu cầu Hoàng Gia Pha Lê phải đạt 50 container/tháng”, ông Phương cho biết.
Với chuỗi sản xuất khép kín đầu cuối gạch SPC, bột đá CaCO3 đạt giá trị gấp nhiều lần. Hiện giá mỗi tấn filler (sản phẩm chủ lực của Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê) xuất bán trên thị trường dao động 280 - 350 USD. Với mức giá SPC trên thế giới hiện nay khoảng 7,8 - 12 USD/m2, doanh thu bán 1 tấn filler khi sử dụng cùng lượng nguyên liệu CaCO3 để sản xuất sàn SPC có thể gấp 5 lần.
Cuộc chơi lớn nào mà không có chông gai, ông Phương và đối tác cảm nhận rất rõ sức nóng cạnh tranh hầm hập từ các đối thủ, nhất là từ Trung Quốc, khi 10 nhà xuất khẩu gạch SPC lớn nhất thế giới hiện nay đều đến từ quốc gia này.
Nhưng họ hoàn toàn tự tin, sức sáng tạo, chất xám của người Việt sẽ tiếp tục viết nên những câu chuyện thành công trên thị trường thế giới. Lô hàng đầu tiên sang Mỹ cập cảng vào đầu tháng 8 tới sẽ đặt những nền tảng đầu tiên...