Doanh nhân
Doanh nhân Nguyễn Hoàng: Niềm tin với công nghiệp hỗ trợ
Khánh An - 23/10/2014 10:43
Dường như đối với ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển N&G (N&G Corp.), chủ đầu tư Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip), mọi con đường đều dẫn tới… công nghiệp hỗ trợ.
TIN LIÊN QUAN

Chiến lược đi cùng người khổng lồ

Phải thẳng thắn, trước khi Hanssip khởi công cách đây gần 2 năm, vào tháng 12/2012, ông Hoàng không nổi danh như bây giờ, ít nhất là trên các phương tiện truyền thông.

   
  Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển N&G (N&G Corp.)  

Khi đó, tên tuổi của Chủ tịch Nguyễn Hoàng và N&G Corp. thường ẩn bên cạnh những tên tuổi lớn - Chủ tịch Tập đoàn Doji Đỗ Minh Phú và Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty Hanel Nguyễn Quốc Bình - những đối tác chiến lược của N&G Corp trong Dự án đầu tư xây dựng Hanssip trị giá 1 tỷ USD trở thành cái nôi chuyên biệt đầu tiên của ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội và Việt Nam.

Thậm chí, trao đổi với báo giới trong ngày Hanssip khởi công, ông Hoàng không ngần ngại chia sẻ câu chuyện “cùng bắt tay với những người anh lớn - Hanel - anh cả trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp công nghệ cao và Doji - thương hiệu nổi đình đám với thương vụ mua lại TPBank để tạo nên nền tảng vững cho Hanssip - dự án bất động sản khu công nghiệp đầu tiên của N&G Corp., sau hàng loạt dự án bất động sản đô thị”…

Hiện giờ, mọi việc đã chuyển biến khá nhiều. Nguyễn Hoàng và công nghiệp hỗ trợ được nhắc đến với tần suất lớn, nhất là sau những chuyến con thoi giữa ông và các doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản. Cứ vài tháng, thông tin về việc chủ đầu tư Hanssip có mặt tại Nhật Bản để làm việc với các nhà đầu tư Nhật Bản lại được cập nhật trên trang thông tin của Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, từ việc lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn đầu tư… đến việc tiếp cận từng doanh nghiệp lớn của các ngành, lĩnh vực…

Mới đây nhất, ông Hoàng khiến các doanh nghiệp trong ngành cơ khí xôn xao khi ký giao kết giữa N&G Corp. và Tập đoàn General Production tại Osaka - Nhật Bản trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng giới chức Nhật Bản.

Phải nói rõ, General Production là đại diện cho nhóm 150 công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực dập đúc lớn nhất của Nhật Bản. Sản phẩm của nhóm này cung cấp cho các thương hiệu lớn nhất của Nhật Bản và thế giới, tạo ra các sản phẩm máy bay, ô tô, máy công nghiệp, máy xây dựng… Nếu tổ hợp này được hình thành, đây sẽ là đầu kéo cho các doanh nghiệp - thầu phụ của Việt Nam trong lĩnh vực này - gắn kết vào chuỗi giao thương của thế giới.

Thông tin về những giao kết lớn hơn nữa cũng đang manh nha...

Có vẻ chiến lược chơi với người khổng lồ lại được Chủ tịch N&G Corp. Nguyễn Hoàng áp dụng. Chỉ có khác, lần này là những tên tuổi đến từ Nhật Bản.

“Tại sao là với các nhà đầu tư Nhật Bản ư? Thử nhìn quanh, chỉ có Nhật Bản có thể cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam cả kinh nghiệm, nguồn vốn và đặc biệt là công nghệ lõi trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Đúng là ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hầu như chưa có gì, nhưng chúng ta có thể đi tắt đón đầu cơ hội bằng việc bắt tay với những người giỏi nhất trong lĩnh vực này”, ông Hoàng thẳng thắn xoa dịu lo ngại về sự chênh lệch khá lớn giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Thậm chí, trong bối cảnh tình hình chính trị trên thế giới có những diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, theo ông Hoàng, chơi với những người khổng lồ là một biện pháp tự phòng vệ để phát triển hữu hiệu nhất của những doanh nghiệp nhỏ Việt Nam nói riêng…

Hào hứng, song ông Chủ tịch Nguyễn Hoàng khá thận trọng với các bước đi.

“Chúng tôi dành hơn 100 ha trong giai đoạn 2 cho tổ hợp này vào năm 2015. Phần diện tích này được xác định theo đúng quy chuẩn của các doanh nghiệp dập đúc Nhật Bản, cách xa khu dân cư 500 m, cách doanh nghiệp khác tối thiểu 100 m. Việc thiết kế nhà xưởng cũng đang được bàn thảo với doanh nghiệp chuyên thiết kế của Nhật Bản để đảm bảo đúng tiêu chuẩn Nhật Bản. Cơ chế chính sách cho các dự án này cũng đang được hai bên cùng bàn bạc để trình các cơ quan có thẩm quyền của hai nước, đảm bảo thông đồng bén giọt. Còn giai đoạn 1 của Hanssip sẽ chính thức khởi động bằng các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Hoàng cho biết.

Quân cờ doanh nghiệp khởi tạo và ván bài công nghệ

Ngoài Hanel là tên tuổi lớn đương nhiên sẽ xuất hiện trong giai đoạn 1 của Hanssip, khi cách đây 2 năm, cũng trong ngày khởi công Hanssip, Hanel cũng đã khởi công Tổ hợp công nghiệp hỗ trợ của mình tại đây, các doanh nghiệp có mặt đầu tiên tại Hanssip đa phần là các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi tạo - thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội do ông Nguyễn Hoàng là Chủ tịch.

Không chỉ trẻ về tuổi doanh nghiệp, chủ các doanh nghiệp này đa phần là những người trẻ, khoảng 28-30 tuổi, là những người mới trong ngành. Đây là cách đi hoàn toàn ngược với chiến lược đi cùng người khổng lồ mà người ta thấy lâu nay ở N&G và đích thân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoàng.

“Doanh nghiệp khởi tạo yếu hơn ư, có thể ở góc độ nào đó, nhưng nếu đến và thấy họ làm, tôi nghĩ họ mới thực sự là những người nắm trong tay tương lai”, ông Hoàng đặt vấn đề khi nhận được câu hỏi sao lại chơi với doanh nghiệp “yếu ớt” vậy.

Không hiểu có nhiều người nhiệt huyết đến vậy khi nói về đối tác không, nhưng nghe ông Hoàng kể, niềm tin về những điều lớn lao mà doanh nghiệp khởi tạo có thể làm rõ dần lên.

“Giám đốc là những người trẻ tuổi, được đào tạo ở nước ngoài. Nhiều người đã có thời gian làm việc trong các doanh nghiệp Nhật Bản. Họ có tư duy hội nhập, có năng lực thực sự trong tiếp nhận công nghệ. Và quan trọng họ là những người muốn làm việc, muốn thay đổi hình ảnh về doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Điểm yếu nhất của họ là vốn, đối tác, cơ sở hạ tầng nhà xưởng…, nhưng đây là những điểm chúng tôi có thể hỗ trợ được”, ông Hoàng chia sẻ về những đối tác trẻ của Hanssip.

Ông Hoàng nhắc tới hơn 30 năm trước, thời điểm những con rồng châu Á bắt đầu vào bệ phóng. Khi đó, theo ông, họ không đủ điều kiện tốt như mình bây giờ. “Có hai điểm mấu chốt để doanh nhân Việt Nam tự tin vào cuộc chơi mới, đó là xu thế liên kết mới của thế giới và sự phát triển của khoa học - công nghệ. Vai của người khổng lồ bây giờ chính là những yếu tố này”, ông Hoàng theo dòng câu chuyện.

Có cảm giác như một vòng xoáy phát triển với những bậc thang cao hơn đang được tạo dựng. N&G Corp. đang góp vốn bằng mặt bằng, nhà xưởng vào những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trẻ tuổi nhưng định hướng công nghệ rõ ràng.

Có lẽ ông Hoàng đúng khi cho rằng, các doanh nghiệp khởi tạo này đang nắm trong tay tương lai. Đi cùng với các doanh nghiệp này là cơ hội đấu nối vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp hỗ trợ Nhật Bản qua bàn tay kết nối của N&G Corp. và những người bạn. Hình ảnh N&G Corp. đang gắn trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất thay vì đứng riêng là nhà đầu tư hạ tầng…

“Tôi có hai niềm tin để không mệt mỏi giữa chừng. Một là chỉ có công nghiệp hỗ trợ với công nghệ cao mới có thể đưa nền kinh tế của Việt Nam bứt phá. Hai là thị trường của công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam gần như đang ở điểm xuất phát, có nghĩa là lợi nhuận lớn đang ở phía trước, dù chưa nhanh được”, ông Hoàng tâm sự.

Tụ họp để chọn điểm rơi chính sách

Giờ thì ông Hoàng đang căng mình với các chuyến đi con thoi giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Ông chọn ngày để khánh thành giai đoạn I Hanssip. Nhưng đó mới chỉ là điểm bắt đầu của chiến lược tạo hình hài cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Với các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, thời gian để hoàn vốn chắc phải 10-12 năm, trong khi đó, thị trường biến động phức tạp, nhiều doanh nghiệp không đủ sức để tồn tại, chứ chưa nói đến đầu tư công nghệ hay tìm kiếm thị trường mới… Nếu không có sự hậu thuẫn của chính sách, của môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp sẽ rất khó đi hết con đường của mình.

“Tôi đã nói với các nhà đầu tư Nhật Bản là, tôi có hạ tầng công nghiệp chuyên sâu theo đúng tiêu chuẩn Nhật Bản. Doanh nghiệp của chúng tôi có năng lực, khả năng tiếp nhận công nghệ. Môi trường kinh doanh có thể nói đang vào điểm rơi của công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp Nhật Bản đang cần địa điểm an toàn, chi phí hợp lý. Vấn đề là kết nối và bài toán win - win. Nhưng họ vẫn cần nhìn thấy những chính sách cụ thể. Mà chúng tôi cũng vậy”, ông Hoàng nói.

Cũng khó cho các doanh nghiệp ngành hỗ trợ Việt Nam khi nhiều năm nay, hệ thống chính sách dành cho khu vực này vẫn đang trong giai đoạn nỗ lực hoàn thiện. Cái khó là xác định được đối tượng ưu đãi và cơ chế phù hợp. Hệ quả là, cho đến thời điểm này, không nhiều doanh nghiệp nhận được lợi thế từ những tuyên bố của Chính phủ về việc thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Thậm chí, tư duy dàn đều trong phát triển cũng đang khiến doanh nghiệp bối rối. “Chúng tôi cùng doanh nghiệp Nhật Bản đi đến đâu cũng thấy giới thiệu về công nghiệp hóa, đến đâu cũng thấy công nghệ cao, trong khi doanh nghiệp cần nhìn thấy quy hoạch tổng thể của cả ngành, cả vùng với từng thế mạnh, không đối kháng cạnh tranh mà bổ trợ nhau…”, ông Hoàng trăn trở.

Đặt câu hỏi có phải đây là lý do ông chọn tính chuyên biệt cho Hanssip - một cách chọn thị trường khôn khéo, ông nói không hẳn vậy. Doanh nghiệp Việt Nam sau một thời gian dài bươn trải phát hiện rằng, cuộc chơi bề nổi sẽ chóng chìm, chơi một mình sẽ lẻ bóng…

Nghe ông kể mất mát thì mới thấu hiểu bài học cơ bản là tỉnh táo để biết mình, biết người, để biết chơi với ai và chơi thế nào thực sự quý báu. Có thể một doanh nghiệp đơn lẻ không đủ sức để gánh trách nhiệm và nhận ưu đãi, thì nhóm doanh nghiệp cùng chung tay sẽ giải quyết được.

“Chúng tôi đã kết nối với nhau, với doanh nghiệp Nhật Bản cùng ngành nghề để tạo nên chuỗi giá trị. Cách đi này sẽ tạo nên thế cộng dồn lợi ích, thay vì đối đầu trực tiếp khi cùng lao vào thị trường bất động sản trước đây”, ông tâm sự.

Được biết, những cuộc làm việc theo kiểu cùng nhau xây dựng mô hình, phân chia công việc và thế mạnh để cùng làm đang được các doanh nghiệp trong nhóm thực hiện.

Tuy vậy, như ông Hoàng phân tích, việc cộng dồn lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị vẫn không dễ dàng. “Chúng tôi mới nghĩ được cách này, đang quyết tâm làm, nhưng chuỗi này cần sự hậu thuẫn của chính sách, vì dẫu sao, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn đang nhập cuộc với thế yếu hơn”, ông Hoàng nói.

TIN LIÊN QUAN
Đặng Lê Nguyên Vũ: Từ vô danh tới anh hùng
Vũ Văn Tiền: Đại gia không siêu xe, hàng hiệu
Điểm mặt những gia tộc kinh doanh nổi tiếng Việt Nam
"Làm giàu rất khó!"
Chỉ hai chữ Việt Nam đã làm tôi sung sướng!

Tin liên quan
Tin khác