Đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm tiêu thụ hàng Việt miễn phí thuê mặt bằng tại Hà Nội và tiến tới tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước là bước khởi đầu thực hiện khát vọng đưa du lịch Việt Nam cất cánh, góp phần xây dựng Việt Nam hùng cường của doanh nhân Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Hòa Bình Group.
Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường (bên phải) gặp gỡ Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel J. Kritenbrink. |
Kiên định mục tiêu lớn
Ý định xây dựng một hệ thống trung tâm thương mại miễn phí của ông Nguyễn Hữu Đường đã nhen nhóm từ những năm 2007 - 2008, khi ông chứng kiến làn sóng hàng ngoại tràn vào, đánh bạt hàng nội. Cùng với đó là sự xuất hiện ồ ạt của các “ông lớn” bán lẻ mua lại hệ thống trung tâm thương mại tại Việt Nam.
Tháng 4/2008, ông Đường gửi một bức tâm thư tới Bộ Chính trị đề xuất phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” để động viên, tuyên truyền, phát huy tinh thần “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Một năm sau, Bộ Chính trị có Thông báo số 264-TB/TW, ngày 31/7/2009 về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Hàng Việt được người dân rất ủng hộ, nhưng nhìn chung vẫn đang bị hàng ngoại lấn át. Nguyên nhân do trang thiết bị lạc hậu, giá thành sản xuất và chi phí bán hàng cao, chưa có kênh tiêu thụ hiệu quả...
Muốn “Người Việt dùng hàng Việt”, thì phải có hàng Việt do doanh nghiệp Việt sản xuất và đặc biệt, phải có nơi tiêu thụ hàng thì người dân mới dễ dàng mua hàng Việt. Để chứng minh đề xuất này hoàn toàn khả thi, năm 2014, ông Đường đã quyết định dành tặng miễn phí 25.000 m2 trung tâm thương mại trị giá 500 tỷ đồng cho các doanh nghiệp Việt Nam làm nơi trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm có giá cả cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.
Ông Đường luôn tâm niệm, “không thể để người tiêu dùng Việt Nam phải mua hàng hóa ngoại nhập với giá cao, không thể để hàng chục ngàn doanh nghiệp chết yểu khi cạnh tranh với hàng ngoại, không thể để nông dân sản xuất ra sản phẩm không có nơi bán hàng”.
Nói là làm, ông đã lên kế hoạch, lập Đề án Đầu tư, phát triển hệ thống trung tâm tiêu thụ sản phẩm hàng hóa quốc nội miễn phí thuê mặt bằng, xây dựng 63 trung tâm thương mại miễn phí thuê mặt bằng trên khắp cả nước nhằm thúc đẩy việc bán hàng hóa, sản phẩm và phát triển du lịch.
Suốt 5 năm qua, ông Đường đã gửi nhiều văn bản, có nhiều buổi làm việc với các tổ chức, cơ quan trung ương và địa phương để đề nghị được thuê đất xây dựng trung tâm thương mại theo cơ chế như các doanh nghiệp nước ngoài. Ý tưởng vừa khả thi, vừa hiệu quả cao, song đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Đơn vị nào cũng ủng hộ, nhưng khi triển khai thì lại… vướng.
Combo ẩm thực hấp dẫn với giá chỉ 35.000 đồng tại Trung tâm thương mại, Outlet V+ |
Từ đầu năm 2020 đến nay, chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp sản xuất đứt gãy chuỗi tiêu thụ, doanh nghiệp du lịch “chết lâm sàng”, ông Đường quyết định phải nhanh chóng giải cứu, giúp hồi sinh các doanh nghiệp đang bên bờ vực phá sản.
“Nếu không có giải pháp kịp thời trong kỷ nguyên Covid-19, năm 2021 - 2022, hàng loạt doanh nghiệp Việt sẽ phá sản, nền sản xuất của chúng ta sẽ bị san phẳng. Doanh nghiệp không đủ lực tái đầu tư vào du lịch để kéo khách trở lại…”, ông Đường lo lắng.
Tháng 9/2020, ông Đường đã gửi Dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, outlet, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội tại huyện Đông Anh (Hà Nội) có quy mô diện tích 80 ha tới chính quyền TP. Hà Nội. Trong đó, ông Đường dành tới 30 ha xây dựng Trung tâm thương mại, Outlet V+.
“Chúng tôi gửi văn bản xin được thực hiện Dự án theo hình thức thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Nếu sớm được phê duyệt trong tháng 10/2020, chỉ 15 - 18 tháng sau, trung tâm thương mại sẽ hoàn tất xây dựng, đi vào hoạt động, góp phần rất lớn phục hồi nền kinh tế”, ông Đường cho biết.
Hiệu ứng lan tỏa của dự án
Trung tâm thương mại, Outlet V+ khi hoàn thành sẽ có hơn 300.000 m2 sàn thương mại đáp ứng hơn 10.000 gian hàng; hơn 100.000 m2 diện tích hậu cần kho bãi; 2,5 ha dành riêng cho khu làng nghề; 1 ha dành cho khu vực lễ hội; 3,5 ha là khu các cảnh quan - di tích nổi tiếng thế giới dát vàng, cùng với nhiều tiện ích khác, có thể phục vụ khoảng 500.000 khách/ngày.
Đây sẽ là trung tâm bán buôn lớn nhất Việt Nam, giá rẻ nhất thế giới với các loại hàng hóa, mỹ phẩm, điện máy, điện tử, nội thất, gia dụng… của doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Khi đi vào hoạt động, dự kiến, Trung tâm thương mại, Outlet V+ sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng/ngày, tiền thuế mà Hà Nội thu được khoảng 50 tỷ đồng/ngày (18.250 tỷ đồng/năm), tạo ra khoảng 15.000 - 20.000 việc làm. Qua đó, sẽ hình thành một hệ sinh thái hàng trăm doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất phục vụ “siêu siêu thị” này hoạt động. Chưa kể, hàng chục ngàn thương hiệu, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ là đối tác cung cấp hàng tại đây.
Tác động và hiệu quả lớn nhất của Dự án, theo ông Đường, là thúc đẩy mạnh mẽ khách du lịch vào Việt Nam. Hàng hóa rẻ hơn các nơi khác 30 - 50% (do các thương hiệu được miễn phí thuê mặt bằng, chỉ phải trả chi phí điện nước, vận hành…), Trung tâm thương mại, Outlet V+ sẽ thu hút hàng triệu khách quốc tế vào Việt Nam du lịch, mua sắm, đồng thời sẽ có hàng trăm triệu người Việt đến Trung tâm thương mại, Outlet V+ mỗi năm.
“Thành phố sa mạc cát trắng thời tiết khắc nghiệt Dubai với dân số và diện tích chỉ bằng 1/3 Hà Nội, nhưng mỗi năm thu hút hơn 20 triệu khách du lịch vì họ miễn thuế, nhưng mỗi khách đến đây hàng ngày tiêu 500 - 600 USD. Cả Dubai là một “siêu thị khổng lồ” bán hàng miễn thuế. Singapore chỉ có diện tích bằng 2 quận của Hà Nội, nhưng mỗi năm mang về 20 tỷ USD từ du lịch. Theo thống kê, có tới hơn 80% khách đi du lịch là để mua sắm. Tôi tin rằng, Trung tâm thương mại, Outlet V+ sẽ là điểm thu hút khách du lịch lớn nhất của cả nước”, ông Đường chia sẻ.
Để làm rõ hơn điều này, ông Đường nêu ví dụ, Dubai không chỉ miễn thuế cho khách du lịch, mà còn quy định mức thuế, phí hàng hóa nhập khẩu rất thấp, nên hàng hóa ở đây đang rẻ nhất thế giới. Tuy nhiên, ở Dubai, các thương hiệu vẫn phải “gánh” tiền thuê mặt bằng, do vậy, giá hàng hóa sẽ cao hơn Trung tâm thương mại, Outlet V+.
“Một ví dụ thực tế, 2 em học sinh đi xe bus liên tuyến vé tháng, giá 3.500 đồng/lượt tới Trung tâm thương mại, Outlet V+ vào buổi sáng, tham quan khu làng nghề, các kỳ quan thế giới, chơi trò chơi…, sau đó dùng bữa trưa với suất ăn 1 chiếc bánh mỳ 200 gram, xúc xích 90 gram, hoặc thịt xá xíu 60 gram… và 1 cốc VCola (hoặc 1 cốc nước cam) 500 ml với giá 35.000 đồng/suất.
Đến chiều, các em bắt xe bus về. Vui chơi thỏa thích cả ngày chỉ hết 77.000 đồng”, ông Đường tính toán.
Muốn nhân rộng mô hình trên cả nước
Ngoài việc tạo ra một thủ phủ bán buôn, bán lẻ thúc đẩy tiêu thụ, sản xuất hàng hóa cho doanh nghiệp, ông Đường cho biết, Trung tâm thương mại, Outlet V+ được kỳ vọng sẽ tạo lực đẩy mới giúp các doanh nghiệp Việt có động lực cạnh tranh, giành lại thị phần từ các đối thủ nước ngoài; đồng thời, phá thế độc quyền, giành lại huyết mạch tiêu thụ hàng hóa trong tay các nhà bán lẻ đang khống chế thị trường.
Trung tâm thương mại, Outlet V+ là bước khởi đầu thực hiện khát vọng đưa du lịch Việt Nam cất cánh, góp phần xây dựng Việt Nam hùng cường mà ông Nguyễn Hữu Đường - người cựu chiến binh năm xưa và “chiến binh” trên thương trường hôm nay đang theo đuổi.
Kế hoạch của ông Đường là xây dựng hệ thống Trung tâm thương mại, Outlet V+ tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ông luôn tin rằng, nếu kế hoạch này được thực hiện, sẽ thúc đẩy việc bán hàng hóa, sản phẩm và phát triển du lịch mạnh mẽ. Việt Nam sẽ thu hút hàng trăm triệu du khách mỗi năm. Các doanh nghiệp Việt sẽ hưởng lợi từ việc bán hàng cho người dân và khách du lịch, còn khách du lịch có thể thỏa sức mua sắm tại các trung tâm thương mại với nhiều thương hiệu đẳng cấp. Làm được điều đó, kinh tế đất nước sẽ có bước phát triển đột phá, đến năm 2035 sẽ đứng trong nhóm các nước kinh tế phát triển và thu nhập cao, rút ngắn 10 năm so với mục tiêu đề ra.
“Tôi tin rằng, nếu đất nước có nhiều trung tâm thương mại như V+, thì các doanh nghiệp sẽ phát triển, đất nước sẽ vươn lên, con cháu chúng ta sẽ được sống trong ấm no và hạnh phúc”, ông Đường tâm sự.
“Cha đẻ” của các công trình kỳ vỹ
Cùng với mục tiêu xây dựng hệ thống Trung tâm thương mại, Outlet V+ trên khắp cả nước, ông Nguyễn Hữu Đường còn là “cha đẻ” của hàng loạt công trình kiến trúc kỳ vỹ, độc đáo dát vàng, đang trở thành biểu tượng du lịch mới tại Việt Nam như: Dự án Danang Golden Bay có bể bơi vô cực dát vàng, Hanoi Golden Lake - dự án duy nhất trên thế giới “dát vàng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài”, Dự án Hội An Golden Sea - căn hộ dát vàng dưới đáy biển…