Doanh nghiệp
Doanh nhân Nguyễn Mộc Đức, sáng lập, Giám đốc Green Power: Thích xông vào những “ca” khó
Huy Vũ - 07/11/2020 10:28
Khởi nghiệp vì muốn cung cấp dịch vụ đúng chuẩn của mình, sau 14 năm, ông Nguyễn Mộc Đức đã xây dựng được một công ty chuyên xuất khẩu, lắp đặt trang thiết bị có tiếng ở Đông Nam Á.
Doanh nhân Nguyễn Mộc Đức.

Kế hoạch “tấn công” các thị trường phát triển

Năm 2020 đánh dấu cột mốc mới của ông Đức và đội ngũ Green Power sau 14 năm thành lập khi xuất khẩu thành công thùng cách âm cho máy phát điện sang thị trường Mỹ. Từ một đơn vị tư vấn dịch vụ lắp đặt hệ thống phát điện trong giai đoạn mới thành lập, sau thời gian phát triển, Green Power mở rộng hoạt động với mảng xuất khẩu phụ tùng cho máy phát điện và dịch vụ thi công điện.

Thùng cách âm này vốn là các thùng container loại 20 và 40 feet, được Green Power thiết kế lắp đặt tại công trường để đặt máy phát điện vào bên trong nhằm giảm tiếng ồn, nhưng vẫn đảm bảo nhiệt độ và công suất như trong điều kiện bình thường.

Ở các quốc gia phát triển như Mỹ, diện tích xây dựng rất hiếm và bị quản lý khá chặt, nên máy phát điện thường không đặt bên trong tòa nhà. Chủ đầu tư của các tòa nhà chọn nơi có diện tích đủ rộng để đặt các thùng cách âm chứa máy phát điện ở bên trong. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng phụ kiện này cũng khá cao, nhất là ở các công trình khai thác mỏ, công trình tạm.

Trước Mỹ, Green Power đã xuất khẩu thùng cách âm, ống giảm thanh máy phát điện sang  Myanmar, Bangladesh và Thái Lan. Mỗi năm, Green Power sản xuất hơn 20 thùng cách âm. Con số này có thể khá nhỏ với nhiều ngành nghề khác, nhưng với lĩnh vực ngách như phụ kiện máy phát điện, không nhiều công ty có được năng lực sản xuất như Green Power tại Việt Nam.

Ông Đức cho biết, công suất của Green Power sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới, nhờ những phản hồi tích cực từ đối tác ở Mỹ. Chưa dừng lại ở đó, Công ty đang lên kế hoạch “tấn công” thị trường Australia và Canada.

“Ở Đông Nam Á, kỹ thuật chế tạo là thế mạnh của Green Power, còn với các thị trường phát triển, thì lợi thế về giá thành sản xuất sẽ là yếu tố giúp Công ty chiếm ưu thế”, ông Đức tự tin.

Tại thị trường nội địa, Green Power đang đẩy mạnh mảng máy điện biogas dành cho các công ty chăn nuôi. Theo ông Đức, khoảng 3 - 4 năm trước, thị trường máy điện biogas rất sôi động, nhưng do các đơn vị không chú trọng đầu tư hệ thống lọc khí trước khi đưa vào phát điện, nên máy rất nhanh hỏng. Một chiếc máy phát điện 100 KW thường có giá hơn 800 triệu đồng. Đầu tư chi phí lớn, nhưng máy lại hư hỏng quá nhanh, làm nhiều chủ đầu tư “ngán ngẩm”.

Nhìn thấy rõ nguyên nhân khiến nhu cầu thị trường giảm mạnh, ông Đức cùng đội ngũ Green Power nghiên cứu hệ thống xử lý khí cho các trại chăn nuôi. Từ năm 2017, Green Power bắt đầu tư vấn cung cấp và lắp đặt hệ thống xử lý khí cùng máy phát điện cho một số đơn vị chăn nuôi lớn. Mỗi công ty chăn nuôi lớn thường có 50 - 70 chuồng trại, tùy quy mô, mỗi chuồng trại có thể sử dụng một hoặc 2 máy phát điện.

Giải pháp của Green Power đã mang lại hiệu quả cho khách hàng, nhiều khách hàng tiếp tục đặt mua sản phẩm, Green Power liên tục có thêm những khách hàng mới. Hiện nay, Công ty có đội ngũ nhân sự gồm 50 người và một nhà xưởng 1.000 m2 ở huyện Bình Chánh (TP.HCM).

Khi kỹ sư cơ khí làm kinh doanh

Ông Đức là doanh nhân thuộc thế hệ 7x. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa TP.HCM (chuyên ngành cơ khí), ông làm việc tại Công ty V-Trac, đại diện của Caterpillar - đơn vị chuyên kinh doanh máy phát điện, xe công trình của Mỹ lúc bấy giờ.

Đó là giai đoạn Việt Nam bắt đầu mở cửa, hội nhập. Các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư rất mạnh cho công tác đào tạo nhân sự tại chỗ. Hơn một năm, ông Đức được Công ty trả lương chỉ để đi học.

Cho đến bây giờ, ông Đức vẫn rất cảm kích V-Trac và Caterpillar vì các chương trình đào tạo bài bản về máy phát điện, giúp ông vững vàng về chuyên môn. Song, đây cũng chính là động lực thúc đẩy ông khởi nghiệp sau 8 năm gắn bó với V-Trac.

“Máy phát điện là thiết bị đắt tiền, nếu làm không đúng sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Nhưng thời điểm đó, không có nhà thầu nào đáp ứng được tiêu chuẩn mà tôi đặt ra, trong khi tôi lại không thể đào tạo họ”, ông Đức chia sẻ lý do quyết định “ra riêng” của mình.

Trước khi khởi nghiệp, ông Đức hiểu rất rõ thị trường máy phát điện có một số rào cản không thể xóa bỏ trong tương lai. Đó là, thị trường này sẽ ngày càng ổn định, nhu cầu sử dụng máy phát điện chỉ giảm, chứ không tăng; mỗi khách hàng có nhu cầu sử dụng thường chỉ mua máy phát điện một lần. Đặc biệt, vốn nhập khẩu máy phát điện rất cao, chính vì thế, khả năng mở rộng phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn của công ty, điều mà đơn vị khởi nghiệp nào cũng thiếu.

Biết vậy, nhưng với nguyên tắc “phải làm cho đúng quy chuẩn” của người kỹ sư cơ khí được đào tạo bài bản, ông Đức vẫn quyết định thành lập Green Power, bắt đầu con đường khởi nghiệp kinh doanh.

“Sau 3 năm rời V-Trac, thu nhập của tôi vẫn thấp hơn rất nhiều lần so với lúc làm công ăn lương”, Giám đốc Green Power nhớ lại những ngày gian khó.

Đối mặt không ít thách thức, nhưng nhờ được đào tạo bài bản, ông Đức biết được, lối ra cho Green Power là phải xuất khẩu phụ kiện cho máy phát điện. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành, để có được nguồn thu từ xuất khẩu ổn định, Green Power phải trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà thầu ở khu vực. Cùng với đội ngũ của mình, ông Đức nỗ lực gây dựng tên tuổi của Công ty.

Phải mất hơn 10 năm kể từ ngày thành lập, lô hàng đầu tiên của Green Power mới được “xuất ngoại”. Trong thời gian đó, Green Power luôn nhận thầu các dự án đòi hỏi khá cao về trình độ kỹ thuật. Nhiều trường hợp, máy phát điện do các doanh nghiệp khác trong ngành lắp đặt xảy ra sự cố, gây tiếng ồn quá lớn sau khi đưa vào vận hành, ông Đức cũng đứng ra xử lý.

“Những ca khó nhất, nhiều bên lắc đầu, thì chúng tôi lại xông vào. Thật ra, thực hiện những hợp đồng này không có nhiều lợi nhuận, nhưng thông qua đó, chúng tôi tạo được uy tín rất tốt với đối tác”, ông Đức chia sẻ.

Tiếng lành đồn xa, Green Power được chỉ định là đơn vị thi công hệ thống điện cho các nhà máy của Cargill, CP, Procter & Gamble ở Việt Nam, trở thành sự lựa chọn đáng tin cậy của  các công ty lớn trong lĩnh vực cung cấp thiết bị công trình ở Đông Nam Á.

Cánh cửa xuất khẩu phụ tùng cho máy phát điện của Green Power bắt đầu rộng mở từ các mối quan hệ như vậy. Thông qua hợp tác với Kohler, Green Power thâm nhập thị trường Thái Lan; nhờ Mitsubishi, Green Power đặt chân vào Myanmar và gần đây nhất, mối quan hệ hợp tác với nhà thầu trực thuộc Caterpillar giúp Green Power đưa sản phẩm tới Mỹ. Chỉ trong vòng 4 năm, doanh thu mảng xuất khẩu đã chiếm 50% tổng doanh thu của Công ty.

Có thể nói, chính sự kiên trì và tính cẩn thận, nguyên tắc của người kỹ sư cơ khí đã giúp ông Đức chèo lái “con thuyền” Green Power từng bước chinh phục thành công trong hơn một thập kỷ qua. Dẫu vậy, ông Đức cũng thừa nhận, cũng do sự cẩn thận, nên ông không mạo hiểm đầu tư mở rộng thị phần quá nhanh, lựa chọn hướng phát triển chậm mà chắc, nên có thể cũng bỏ qua những cơ hội tăng trưởng đột phá. Đây cũng là phong cách điều hành chung của các nhà lãnh đạo xuất thân là “dân” kỹ thuật.

Điều khá thú vị là, mặc dù rất thận trọng, thậm chí khá nhát với việc đầu tư mở rộng quy mô, nhưng ông Đức lại rất “máu” trong việc thử nghiệm các sản phẩm mới. Đơn cử, Green Power đang nghiên cứu lắp đặt nhà container để cung cấp cho những thị trường có chi phí xây dựng cao như Canada, Australia, Mỹ.

Tại thị trường trong nước, ông Đức cũng đang thử nghiệm hệ thống cảnh báo sự cố máy móc theo thời gian thực trên các dự án biogas. Hay một dịch vụ khác mà ông Đức sẽ triển khai trong thời gian tới là cung cấp nhà ở bằng container cho khu công nghiệp. Với mô hình này, doanh nghiệp có thể “co giãn” diện tích khu vực nhà ở cho công nhân nhanh chóng, mà không tốn quá nhiều chi phí xây dựng.

“Có thể thành công, có thể thất bại, nhưng nếu không thử, thì không bao giờ biết được mình có thể thành công hay không”, ông Đức chia sẻ. Giám đốc Green Power khẳng định, một trong những yếu tố quyết định mang lại thành công cho Công ty là nhờ đã xây dựng được đội ngũ cùng chí hướng.

Đi du lịch để… làm việc

Ngoài công việc kinh doanh, ông có sở thích gì?

Tôi thích đi du lịch các nước. Trước khi có Google Map, tôi thường đi xe lửa với tấm bản đồ. Giờ đây, với sự trợ giúp của công nghệ, việc đi du lịch thuận tiện hơn rất nhiều.

Những chuyến du lịch chắc hẳn mang lại cho ông sự thư thái khi tách rời công việc bận rộn?

Những lần đi du lịch nước ngoài, tôi luôn quan sát các thị trường xung quanh để tìm cách thâm nhập. Thật ra, tôi vừa đi du lịch vừa làm việc thì đúng hơn!

Nếu chọn một nơi để nghỉ dưỡng, ông sẽ chọn nơi nào?

Tôi sẽ chọn một nơi trên núi hoặc gần sông ở Việt Nam, Đà Lạt chẳng hạn.
Tin liên quan
Tin khác