Doanh nhân Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Vinasamex |
Hết lòng với người lao động
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và Huyền bắt đầu ngay sau khi cô vừa kết thúc một hành trình bay khá dài - chuyến bay khởi đầu năm mới để kết nối công việc kinh doanh, hứa hẹn một năm bận rộn và hiệu quả. Huyền hồ hởi khoe: “Vinasamex có rất nhiều kế hoạch lớn trong năm 2022”.
Chia sẻ về hoạt động kinh doanh, Huyền kể, dù đại dịch bùng phát mạnh, nhưng Vinasamex may mắn không bị ảnh hưởng nhiều như các ngành dịch vụ, du lịch. Kết thúc năm 2021, Công ty vẫn cán đích mục tiêu đề ra, doanh thu tăng gần 60% so với năm 2020.
“Sản phẩm quế, hồi có lợi thế trong đại dịch, vì giúp tạo ra hệ miễn dịch tốt hơn cho con người, nên đối tác nhập khẩu bán được nhiều và tăng mua hàng của Vinasamex. Nhờ đó, doanh nghiệp vẫn trụ vững sau 2 năm đại dịch bủa vây”, Huyền tâm sự.
Quả thực, trong 2 năm qua, Vinasamex không những không phải để cho bất cứ nhân viên nào của mình phải nghỉ việc, mà ngược lại, còn tạo thêm hàng trăm việc làm mới cho người dân địa phương chịu cảnh mất việc ở các ngành nghề khác.
Trong bối cảnh đại dịch với nhiều sức ép bủa vây, có khi nào Huyền thấy hụt hơi?
Thời điểm này, chúng ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức sau 2 năm chịu tác động chưa từng có của đại dịch Covid-19, tôi nghĩ, các doanh nghiệp đều thấm mệt. Nhưng mệt không có nghĩa là dừng lại, mà hãy coi đó là khoảng lặng để tiếp tục sáng tạo.
Đó là lý do Vinasamex vẫn bền bỉ vươn lên trong “bão”?
Thực ra, Vinasamex không nằm ngoài ảnh hưởng chung. May mắn là lĩnh vực kinh doanh của chúng tôi vẫn duy trì được đơn hàng, doanh số, nhưng những người chèo lái phải cân não nhiều hơn trong nhiều thời điểm và có lúc phải chấp nhận thiệt, chịu lùi một chút để có đường tiến lên.
Tạo nhiều dấu ấn và mang lại giá trị bền vững trong chuỗi sản xuất, Vinasamex đã nhìn thấy vạch đích sau 10 năm hoạt động?
Doanh nghiệp đã trưởng thành rất nhiều sau 10 năm hoạt động, đã tạo được dấu ấn trên “bản đồ” xuất khẩu gia vị
Việt Nam ra thế giới, chinh phục được khách hàng khó tính với sản phẩm hữu cơ, nhưng tôi nghĩ, con đường chúng tôi phải đi còn rất dài.
Tôi muốn chuỗi sản xuất mà Vinasamex xây dựng sẽ tiếp tục tạo ra sinh kế bền vững cho người dân ở các vùng trồng, những công nhân tham gia sản xuất trong các nhà máy của chúng tôi đều phải được thụ hưởng thành quả của phát triển.
Huyền kể, phần lớn lao động thu mua quế, hồi tại các vùng trồng của Vinasamex đều là nữ, lại ở các vùng núi phía Bắc, điều kiện sống còn khó khăn, nên những chính sách đưa ra để cổ vũ họ trong giai đoạn này rất được doanh nghiệp chú trọng.
“Khi doanh nghiệp hết lòng với người lao động, các chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp đến được với người lao động, tác động hiệu quả tới đời sống, thu nhập, thì họ cũng sẽ hết lòng với doanh nghiệp và đồng hành với mình trong giai đoạn khó khăn nhất”, Huyền bộc bạch.
Với quan điểm như vậy, ngay trong tháng 3 này, Vinasamex sẽ tổ chức loạt sự kiện dành cho lao động nữ. Không chỉ tổ chức các chương trình tôn vinh họ trong ngày 8/3, Huyền còn thực hiện Dự án Thúc đẩy bình đẳng giới với nhiều hoạt động để giúp chị em phụ nữ tự tin hơn, có được tiếng nói trong gia đình, nâng cao kỹ năng, được học cách tiếp cận với các nguồn tài chính để hỗ trợ tăng sinh kế…
“Cùng là phụ nữ, nên tôi hiểu và chia sẻ gánh nặng mà các nhân viên của mình và những lao động nữ phải gánh vác, nhất là phụ nữ ở nông thôn”, Huyền nói.
Tự tin chinh phục khách hàng
Bước sang năm thứ ba phải “sống chung” với đại dịch, khó khăn, thử thách cho những người đứng đầu doanh nghiệp vẫn còn rất lớn, nhưng Huyền tin vào những “hạt mầm” mà mình đã gieo ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp. Lựa chọn sản xuất, kinh doanh xuất khẩu quế, hồi, Vinasamex đã nhanh chóng đầu tư vùng sản xuất hữu cơ (organic), được sự công nhận của các tổ chức quốc tế và nhận được các “giấy thông hành” từ sớm. Điều này giúp doanh nghiệp của Huyền luôn trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các nhà nhập khẩu.
Vinasamex là một trong số ít doanh nghiệp quế hồi có chứng chỉ Fairtrade (chứng nhận quốc tế về thương mại công bằng); chứng nhận hữu cơ về sản phẩm organic EU; chứng nhận Forlife (bảo vệ con người, môi trường, trách nhiệm xã hội…). Tất cả các khâu của quá trình sản xuất của Vinasamex, từ chọn giống, đất trồng, chăm sóc, thu hái, đến chế biến, đóng gói… đều được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn.
Để đi được đường dài, chinh phục được các khách hàng khó tính, ngoài việc kiên định với quy trình sản xuất, chế biến, việc đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu, gia tăng sản lượng đã được Vinasamex khởi động, kể cả trong thời điểm dịch Covid-19 ở trong nước còn khá căng thẳng. Bên cạnh kế hoạch về những chuyến đi ra khỏi biên giới, Huyền không quên kể về các dự án đầu tư vùng nguyên liệu đang được triển khai ở nhiều địa phương.
Cuối năm 2021, Vinasamex đã ký Biên bản ghi nhớ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quế, nghệ, gừng và tiêu hữu cơ với huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Theo đó, địa phương này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang phát triển vùng trồng nguyên liệu hữu cơ có giá trị kinh tế cao, mục tiêu đạt 19.000 - 20.000 ha quế hữu cơ, nghệ, gừng, tiêu hữu cơ vào năm 2025.
Huyền bảo, với các dự án đang triển khai, mục tiêu của Vinasamex là vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành gia vị, đặc biệt là quế, hồi xuất khẩu, khẳng định thương hiệu quế hồi organic Việt Nam trên thị trường thế giới.
Trên cơ sở nghiên cứu và phân tích hành vi mua hàng của các đối tác tại nhiều thị trường, doanh nghiệp của Huyền chia khách hàng ra từng nhóm riêng biệt, như nhóm mua hàng làm gia vị; nhóm mua quế hồi làm thực phẩm, đồ uống, sản xuất trà thảo mộc, làm rượu thảo mộc để tăng miễn dịch; nhóm sản xuất dược phẩm (chiết ra những sản phẩm như thuốc tamiflu, thuốc kháng viêm, thuốc chống đột quỵ...).
Với lợi thế sở hữu vùng nguyên liệu quế, hồi organic khá lớn tại phía Bắc, Vinasamex có nhiều cơ hội phát triển các dòng sản phẩm organic, được thị trường quốc tế rất ưa chuộng,
Bên cạnh đó, đón lõng nhu cầu thị trường, năm 2022, Huyền tiếp tục dồn lực đầu tư phát triển thêm các dòng sản phẩm giá trị cao, hướng tới phân khúc cao cấp, tiến tới cung cấp cho các hãng dược phẩm để sản xuất sản phẩm chăm sóc sắc đẹp.
“Tôi sẽ đi sâu vào dòng tinh dầu quế, hồi cao cấp; chiết ra các loại tinh dầu chất lượng vượt trội để bán cho các hãng dược mỹ phẩm. Về nguyên phụ liệu, chúng tôi có đủ cho những dự định kinh doanh...”, Huyền tự tin nói.
Nhạy bén trong các quyết sách
Điều hành doanh nghiệp có hoạt động giao thương quốc tế, Huyền không chỉ sở hữu tố chất nhạy bén trong kinh doanh, mà còn có năng lực đưa ra các quyết sách phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, cô thừa nhận, trong giai đoạn đại dịch, những quyết sách của người đứng đầu không thể đơn thuần như giai đoạn trước, bởi tình hình thế giới và trong nước đã thay đổi rất nhiều.
Hơn hai năm qua, dù Vinasamex không bị sụt giảm đơn hàng, nhưng do tác động của đại dịch, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, việc thuê tàu biển và vỏ container đóng hàng gặp nhiều khó khăn…, là người điều hành doanh nghiệp, Huyền cũng đứng trước những “bài toán” cân não về hiệu quả và lợi nhuận.
Nhưng, cô luôn nghĩ rằng, khi đã là đơn vị xuất khẩu chuyên nghiệp, có đơn hàng đều đặn, thì phải giải quyết được những vấn đề khó khăn này. Từ đó, Huyền tập trung điều hành đội ngũ, tối ưu chi phí, tiếp tục giữ vững chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín thương hiệu…
Đại dịch ập đến khiến Vinasamex không thể tham gia các hội chợ quốc tế, nhưng qua các nền tảng công nghệ, Huyền vẫn kết nối thường xuyên được với khách hàng ở khắp nơi trên thế giới, xử lý đơn hàng khẩn cấp.
Năm 2022, trong giai đoạn “bình thường mới”, CEO Vinasamex sẽ có nhiều chuyến bay hơn để gặp gỡ khách hàng, tìm kiếm thị trường mới, tìm hiểu về những cơ hội mới của ngành sản xuất, chế biến quế, hồi. Cô tiết lộ, mình sẽ thực hiện một hành trình dài tới châu Âu, nơi có nhiều khách hàng lớn, lâu năm của Vinasamex; còn tại thị trường châu Á, cô sẽ quay lại Hàn Quốc để củng cố thêm “chân rết” tại đây.
Điểm thuận lợi cho Vinasamex là EU, Hàn Quốc và nhiều thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp này tại châu Á đều là đối tác trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia. “Các ưu đãi về thuế quan, thuận lợi hóa thương mại sẽ hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp nếu biết tận dụng tốt cơ hội”, Huyền hào hứng nói.