Doanh nhân Nguyễn Văn Phát giới thiệu về hệ thống hun trùng liên tục CATTiS. |
Doanh nhân hướng nội
Khi chúng tôi hẹn trao đổi với doanh nhân Nguyễn Văn Phát, nhân viên Công ty Anh Phi đã dặn trước, anh là một người rất hướng nội. Báo Đầu tư là tờ báo đầu tiên anh đồng ý trò chuyện để chia sẻ sản phẩm của doanh nghiệp, cũng như giá trị sống của anh tới công chúng.
Trong quá trình trò chuyện, Nguyễn Văn Phát không nói nhiều về bản thân, nhưng khi giới thiệu về công nghệ của Công ty, đôi mắt anh ánh lên niềm tự hào, sự hưng phấn khi nói về những nỗ lực nghiên cứu của đội ngũ.
Các sản phẩm của Công ty Anh Phi tập trung vào khâu chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, giúp sản phẩm để được lâu hơn, tránh các loại côn trùng, mối, mọt… trong quá trình lưu kho và vận chuyển để xuất khẩu.
Nguyễn Văn Phát cho biết, anh tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện Đại học Bách khoa TP.HCM, là dân kỹ thuật chính gốc. Có lẽ vì vậy, nên khi trao đổi về công nghệ, kỹ thuật, mới có thể khơi gợi sự hào hứng từ anh.
Doanh nhân Nguyễn Văn Phát, Giám đốc Công ty Anh Phi
Nói về mối duyên của mình với nông nghiệp, Nguyễn Văn Phát cho hay, anh sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ đã trải qua nhiều cơ cực, chứng kiến cảnh “được mùa mất giá” với nhiều loại cây trồng khác nhau, nên anh thấu hiểu nỗi khổ của bà con nông dân.
Mặc dù đã cố gắng “ly nông” bằng việc thi đỗ vào đại học, nhưng vào năm 2006, cơ duyên khi anh được làm việc với một doanh nhân Hà Lan, người đã đem công nghệ xử lý nông sản không dùng hóa chất vào Việt Nam, mối duyên nợ của anh với nông nghiệp đã quay trở lại.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, chi phí công nghệ quá đắt đỏ nên chưa thể phổ biến tại Việt Nam, Nguyễn Văn Phát đã cùng các cộng sự bôn ba nhiều nước để lắp đặt công nghệ này tại các quốc gia khác nhau.
Nỗi trăn trở làm sao để có thể phổ biến công nghệ xử lý OxyLow tại Việt Nam đã thôi thúc anh thành lập Công ty Anh Phi vào năm 2014, tập trung nghiên cứu cải tiến giải pháp để hệ thống xử lý OxyLow theo hướng hiệu quả hơn, cả về kỹ thuật lẫn kinh tế, giúp nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng đầu tư, thay thế cho việc sử dụng hóa chất diệt mọt.
“Việt Nam là nước nông nghiệp lớn, nhưng ở nhiều công đoạn chế biến, sản xuất, bảo quản còn thô sơ. Với tư cách là một người trong giới công nghệ, kỹ thuật, tôi muốn làm điều gì đó cho nền nông nghiệp nước nhà ngày càng phát triển”, anh Phát bộc bạch.
Với anh, điều quan trọng nhất là tạo ra ngày càng nhiều giá trị cho sự phát triển của đất nước. Anh cho rằng, sinh mệnh của mỗi người là có hạn, song những giá trị mà người đó để lại sẽ còn mãi.
Doanh nhân Nguyễn Văn Phát giới thiệu về công nghệ bảo quản trái cây tươi mới nhất của Công ty Anh Phi. |
Làm công nghệ linh hoạt
Theo doanh nhân Nguyễn Văn Phát, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp công nghệ là làm thế nào để ứng dụng công nghệ mới của mình vào thực tiễn. Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, anh cho biết, Công ty Anh Phi đã khắc phục khó khăn này bằng cách linh hoạt các công nghệ của mình phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng, ngành hàng.
Trong đó, nổi bật có thể kể đến là công nghệ hun trùng hữu cơ OxyLow. Hệ thống hun trùng hữu cơ OxyLow không chỉ diệt được mọt, mà còn dẹp được cả ấu trùng trong các sản phẩm nông sản, không gây độc hại cho người vận hành, không gây ô nhiễm môi trường và quan trọng nhất là không để tồn dư lượng hóa chất trong sản phẩm phun trùng.
Công nghệ này dựa trên kỹ thuật kiểm soát không khí, là phương pháp rút oxy và tạo môi trường với nồng độ oxy rất thấp, gần như bằng không trong phòng kín để tiêu diệt động vật gặm nhấm, côn trùng và ấu trùng mọt bằng cách khống chế quá trình hô hấp và trao đổi chất.
Phương pháp này kiểm soát không khí hoàn toàn mà không sử dụng hóa chất, có thể tiêu diệt 100% côn trùng ở tất cả các giai đoạn phát triển, từ ấu trùng, nhộng, đến côn trùng trưởng thành.
Trong quá trình làm việc, doanh nhân Nguyễn Văn Phát nhanh chóng nhận ra điểm yếu của công nghệ này là yêu cầu một phòng kín đạt chuẩn, điều mà không phải doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực nông sản nào cũng có thể đáp ứng được.
Do đó, anh cùng đội ngũ của mình lại nghiên cứu để ghép nối công nghệ này vào những container đã được cải tiến cho đạt chuẩn kín khí. Bằng cách này, Công ty Anh Phi có thể cho các doanh nghiệp thuê dịch vụ hun trùng hữu cơ OxyLow một cách nhanh chóng, tiện lợi nhất.
“Vì được tích hợp trong các container, nên chúng tôi có thể dễ dàng vận chuyển phòng hun trùng di động này tới khách hàng có nhu cầu”, anh Phát cho biết.
Không chỉ thế, giải pháp này cũng giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được không ít chi phí kho bãi, thời gian xin giấy phép xây dựng…
Làm việc tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất với hoạt động sản xuất, kinh doanh gạo phát triển bậc nhất cả nước, Nguyễn Văn Phát rất nhanh phát hiện được vấn đề của công nghệ bảo quản này với ngành lúa gạo.
Anh cho biết, tại các vùng trồng lúa gạo, đất thường không đủ độ cứng để đặt các phòng hun trùng hữu cơ OxyLow. Đồng thời, các bao bì lúa gạo cũng có tải trọng, kích thước rất lớn. Nếu chỉ làm như những phương pháp vốn có thì không được.
Chính vì vậy, công nghệ này lại một lần nữa được Công ty Anh Phi cải tiến riêng cho ngành lúa gạo. Theo đó, với các doanh nghiệp lúa gạo, Công ty Anh Phi sẽ sử dụng những chiếc kén từ các lớp vải, dây zip kín khí để linh hoạt kích thước hàng hóa, đồng thời giảm tải trọng lên nền đất, không gây sụt lún mà vẫn đảm bảo được quá trình hun trùng hữu cơ.
Vì tính hiệu quả cao, hiện hệ thống OxyLow đã được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, ban đầu là các doanh nghiệp hạt điều, rồi đến gia vị và lúa gạo. Đồng thời, công nghệ được xuất khẩu ngược lại từ Việt Nam sang châu Âu và các nước khác trên thế giới như Hàn Quốc, Indonesia, Ai Cập…
Không ngừng cải tiến
Không chỉ linh hoạt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của ngành nông nghiệp, doanh nhân Nguyễn Văn Phát cùng đội ngũ của mình còn không ngừng nghiên cứu, sáng tạo thêm những công nghệ mới để nâng cao hiệu quả, năng suất trong sản xuất, chế biến nông sản.
Trong đó, tiêu biểu là hệ thống hun trùng liên tục CATTiS có thể tích hợp vào dây chuyền sản xuất khép kín của nhà máy. Hiện sản phẩm này đang được ứng dụng nhiều nhất trong quá trình chế biến hạt điều tại các doanh nghiệp xuất khẩu điều lớn. Đây cũng là công nghệ được cấp bằng sáng chế của doanh nhân Nguyễn Văn Phát, đánh dấu một bước ngoặt lớn của anh và Công ty Anh Phi trên con đường gắn bó với công nghệ xử lý sau thu hoạch.
Với công nghệ này, quá trình xử lý từ nguyên liệu là hạt điều thô, thông qua các bước như phân cỡ, sấy, bóc vỏ lụa, hun trùng… rút ngắn từ 6 ngày xuống chỉ còn khoảng 16 tiếng.
Từ đó, doanh nghiệp sản xuất có thể tiết kiệm được lên tới 5 lần vốn lưu động, giảm 75% diện tích nhà xưởng do tất cả quy trình đã được tích hợp vào một hệ thống duy nhất, tiết kiệm chi phí đào tạo nhân lực bởi Công ty Anh Phi sẽ hỗ trợ điều hành hệ thống từ xa cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, trải qua 5 phiên bản cải tiến, doanh nhân Nguyễn Văn Phát cho biết, CATTiS có thể ứng dụng được cho cả các mặt hàng nông sản tươi như rau, trái cây, hoa…
“Công nghệ này không chỉ giúp nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng được yêu cầu khắt khe về kiểm dịch thực vật từ các thị trường khó tính nhất, mà còn mang ý nghĩa xã hội to lớn khi giúp công nhân, người tiêu dùng hạn chế tiếp xúc với chất hóa học nhiều nhất có thể”, doanh nhân Nguyễn Văn Phát cho biết.
Hiện anh đang nghiên cứu về công nghệ bảo quản nông sản tươi như trái cây, rau, củ, quả… trong thời gian dài mà không cần bất kỳ chất hóa học, thuốc bảo quản nào. Công nghệ này của Công ty Anh Phi có thể bảo quản thành công trái vải tươi lên tới 6 tuần, khi lấy ra, trái vải còn mọng nước, cuống vải vẫn xanh tươi, chất lượng không thua kém so với trái vải tươi tại vườn.
Là một người khắt khe, theo doanh nhân Nguyễn Văn Phát, công nghệ sẽ còn cần thử nghiệm nghiên cứu thêm nữa mới có thể đưa ra thị trường. Đồng thời, phương pháp bảo quản của mỗi loại nông sản cũng không giống nhau, vậy nên, Công ty Anh Phi sẽ còn tiếp tục nghiên cứu với nhiều loại nông sản khác để kỹ thuật bảo quản ngày càng tối ưu.