Doanh nhân
Doanh nhân Nguyễn Văn Phước: Muốn khơi dậy, lan tỏa tinh thần quốc đạo của người Việt
Ý Nhi - 04/05/2016 11:09
Tự nhận là người lãng tử, thích sống tự do, sáng tạo, kiếm tiền không phải là mục tiêu chính. Thoạt nghe có vẻ khá mâu thuẫn với một người có thâm niên 22 năm gắn với nghiệp "kinh doanh chữ nghĩa", nhưng ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News, khẳng định: "Kiếm tiền là việc phải làm nhưng không... sướng bằng được làm điều mình thích. Và để làm đượ

Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty First News - Trí Việt

Vậy kinh doanh, sáng tạo sách là điều ông thích hay để kiếm tiền?

Nếu làm sách để kiếm tiền thì tôi không làm được lâu như vậy. Có thể thấy 22 năm, một chặng đường đủ dài và đủ chán cho bất cứ những ai chỉ coi đây là công việc kiếm tiền. Còn tôi vẫn luôn sống với những dòng chảy ý tưởng và năng lượng mới.

Vốn thích khám phá, mạo hiểm và muốn thử sức mình nên mặc dù sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Học viện Kỹ thuật Châu Á AIT, được Viện Nghiên cứu tính toán mã số RISC (Áo) cấp học bổng để làm luận án tiến sĩ ở Vienna, nhưng tôi không theo học mà quyết định chọn nghề làm sách chỉ vì đam mê sáng tạo sách, vì sách mang lại niềm vui cho mọi người, là cầu nối phát triển những ý tưởng, nơi tôi có thể chia sẻ, góp tâm huyết của mình cho bạn đọc Việt Nam và từng bước ra thế giới.

Suốt 22 năm qua, tôi đã cùng các bạn ở First News làm ra hơn 1.700 cuốn sách, cung cấp cho Việt Nam hàng chục triệu bản in và qua những cuốn sách có giá trị, tôi đã góp phần gieo cho bạn đọc niềm tin và sức mạnh, tạo ra nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ trẻ Việt Nam.

Nhưng gắn bó suốt 22 năm với nghề sách, liệu "lửa đam mê” của ông có còn như những năm đầu?

Nếu chỉ đam mê mà đi suốt 22 năm quả không dễ, thực ra tôi đã viết báo, làm sách trước khi lập First News nhiều năm, từ hồi còn đi học, đi dạy đại học. Vì vậy, để giữ lửa thì phải luôn tạo ra cái mới và làm sao để luôn cảm thấy thú vị trong công việc. Một khi mình sáng tạo ra điều gì đó mới mẻ, dù vất vả, trăn trở nhưng năng lượng của niềm vui "tạo nên cái mới đó” mang đến cho tôi sức mạnh lớn.

Đó cũng là lý do tôi chọn làm sách. Bạn tin không? Ngày nào mà không nghĩ ra cái gì đó mới, dù nhỏ, không sáng tạo ra cái gì mới cho sách, tôi cảm thấy chưa xong nhiệm vụ. Vì vậy, ngày không nghĩ được thì đêm về phải thao thức nghĩ cách làm sao để First News có thêm sách hay, chương trình mới.

Còn nhớ, trước khi quyết định từ chối làm việc ở các công ty nước ngoài, tôi đã so sánh: Nếu đi làm thuê thì chỉ là một đổi một, nghĩa là bỏ sức lao động và lấy lại thù lao.

Nhưng nếu làm sách hay và đưa được đến tay nhiều bạn đọc thì có nhiều lợi ích trong một, nghĩa là vẫn có thù lao và lại có giá trị thay đổi được nhận thức, thay đổi được ít nhất một con người và khi người đó nhận thức ra điều mới, thay đổi tốt hơn thì họ lại giúp cho những người khác thay đổi tốt hơn. Cứ như thế, giá trị vô hình của sách được tăng lên và tôi thấy thật sự có niềm vui sâu sắc khi nhận ra điều vô hình rất ý nghĩa và nhân văn đó.

So với nhiều nghề khác, nghề làm sách xem ra khá nhàn?

In sách thì dễ nhưng làm sách, sáng tạo sách đúng nghĩa thì hoàn toàn không dễ chút nào mà ngược lại, đó là một trong những nghề khó nhất, lao tâm khổ tứ và đa đoan nhất. Vì để làm sách không chỉ cần hiểu một nghề mà phải hiểu rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Sách đụng đến rất nhiều điều của nhân loại và va chạm vào nhiều không gian khác nhau.

Hơn nữa, sách không chỉ là cầu nối giữa nhân vật, tác giả với bạn đọc, mà còn là cầu nối với thực tế, kiến thức, tri thức của thế giới bên ngoài, nên muốn một cuốn sách hay được nhiều người đọc và có sức lan tỏa thì người làm sách phải tạo được cái mới, sinh khí mới.

Làm sách "tốt" và làm sách có đẳng cấp "xuất sắc" là hai khái niệm khác nhau hoàn toàn...

Tôi từng mua bản quyền một số bản thảo và thương lượng với đối tác cho phép tôi biên tập lại theo cách của mình, thậm chí thay đổi đến 70%. Đơn cử, hai cuốn Bí mật hạnh phúc và Bí quyết thành công đã được tôi biên tập sáng tạo theo cách của Công ty và sách đã bán rất chạy, thậm chí trở thành hiện tượng của... giới in sách lậu.

Hay cuốn Phạm Xuân Ẩn X6 - Điệp viên hoàn hảo, từ một bản dịch cũ, có nhà xuất bản đã in, nhưng khi đến tay First News thì bạn đọc không chỉ hiểu thêm về Phạm Xuân Ẩn, mà còn hiểu về tâm nguyện của tác giả Larry Berman cũng như những người thân trong gia đình và đồng đội của Thiếu tướng tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn. Và quan trọng nhất là Larry Berman đã tiết lộ những thông tin mà ông đã hứa với Phạm Xuân Ẩn là chỉ công bố sau khi Phạm Xuân Ẩn qua đời.

Để làm được như vậy, ông đã tạo năng lượng bằng cách nào?

Tôi làm việc 16 tiếng/ngày, đọc nhiều sách mình thích và lắng nghe mọi thứ xung quanh, tìm hiểu những cái mình quan tâm. Tuy làm sách nhưng tôi không chỉ đam mê sách mà còn yêu thích âm nhạc, nghệ thuật. Chính điều này đã tạo cho tôi năng lượng cực mạnh để làm sách và có lẽ đó cũng là một trong những lý do 22 năm qua năng lượng trong tôi không hề suy giảm.

Nói đến First News không thể không nhắc đến "Tủ sách nhân vật", "Bí quyết thành công - Khởi nghiệp" và "Hạt giống tâm hồn", ba tủ sách này có thể xem là thành công của First News và niềm tự hào của ông?

Hạt giống tâm hồn được thực hiện năm 2002 và trở thành biểu tượng tinh thần tích cực đối với nhiều thế hệ bạn đọc với hàng trăm blog, website, Facebook, đồng thời là một trong những từ khóa phổ biến nhất về giáo dục tại Việt Nam với trên 1 triệu kết quả hiển thị chỉ trong vòng 0,36 giây.

Đặc biệt, có mặt ở nhiều chương trình như chương trình "Gieo niềm tin cuộc sống", nói chuyện với các phạm nhân trong các trại giam; chương trình "Sống cho điều ý nghĩa hơn", "Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng" của chàng trai không tay không chân Nick Vujicic; chương trình "Gieo mầm ước mơ”, đạp xe xuyên miền Tây; có mặt trong hành trang của những người lính và các gia đình liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì biển đảo Gạc Ma của Việt Nam...

Riêng tủ sách Bí quyết thành công - Khởi nghiệp, hiện First News có 160 tựa sách, trong đó có trên 60 đầu sách rèn luyện kỹ năng khởi nghiệp thực tế và tôi muốn truyền tinh thần, sự thành công, thất bại của doanh nhân đến cho giới trẻ bằng những câu chuyện thực của họ, không giáo điều.

Tôi thích làm sách nhưng rất ghét sự giáo điều, định kiến. Quan điểm của tôi: "Sách không phải là những trang giấy xếp vào nhau và giữa sách và thực tế không bao giờ có khoảng cách. Từ thực tế làm nên sách và từ sách làm sống động thực tế”. Vì vậy, những nhân vật bước ra từ trang sách của tôi đã được hiện thực hóa qua rất nhiều chương trình thực tế, trong đó có chương trình mời Nick Vujicic đến Việt Nam nói chuyện với các bạn trẻ.

Mới đây, tại đường sách Nguyễn Văn Bình, tôi đã tặng cuốn Bánh răng khởi nghiệp của ba tác giả Lena Ramfelt, Jonas Kjellberg, Tom Kosnik cho các bạn sinh viên để truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cũng như cung cấp kỹ năng, kiến thức cho họ. Và điều ý nghĩa nhất là chương trình đã được Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng quan tâm, đến tham dự và đánh giá cao.

Những điều Bí Thư quan tâm và đã làm cho người dân Thành phố tôi mong không chỉ là những cơn mưa mùa hạn hán mà là hành trình thực sự của sự đổi mới. Tôi đoan chắc cũng có rất nhiều người tin vào điều đó như tôi, bởi những việc làm của Bí thư Đinh La Thăng gần đây đều đang tạo ra sự dân chủ cho người dân, nhất là tinh thần "Những việc cần làm ngay" - rất lâu rồi mới thấy lại - đang lan tỏa rất tích cực. Tinh thần này, việc làm này của Bí thư đang tạo niềm tin cho người dân về sự đổi mới.

Nhiều doanh nhân cho rằng họ đã thành công nhờ học từ sách và cũng trưởng thành từ sách, nhưng sao ông lại không cùng quan điểm?

Theo tôi, con người học được nhiều từ sách vở thì có nhưng không thể trưởng thành từ sách vở mà thiếu trải nghiệm thực tế. Sách giúp mở rộng kiến thức, sự hiểu biết và cho tôi cảm nhận về cuộc sống cùng hàng ngàn điều bổ ích, nhưng muốn trưởng thành phải biết thoát khỏi những khuôn khổ và lối mòn, biến kiến thức thành cái của mình, phải "lăn" vào thực tế, cọ xát, va vấp. Và tôi chỉ thật sự trưởng thành một khi va chạm và chiêm nghiệm thực tế.

Cũng có người hỏi tôi: "Đọc nhiều, học nhiều, làm nhiều điều thành công, ông có nghĩ mình là người hoàn thiện?". Câu trả lời của tôi là "Không". Nhất là trong công việc tôi đang làm, nó giống như một hành trình leo núi không ngừng nghỉ, hết ngọn núi này đến ngọn núi khác và luôn phải tìm cái mới.

Mới hôm qua đắm mình vào một cuốn sách để hoàn thành nó, khi cuốn sách ra đời, vui lắm nhưng ngay sau đó phải quên đi để tiếp tục khám phá, sáng tạo cái khác mới mẻ hơn. Vì vậy, dù gắn với nghề làm sách và đọc khá nhiều sách nhưng tôi chưa bao giờ thấy mình hoàn thiện.

Với xu hướng phát triển của công nghệ thông tin, theo ông, liệu sách điện tử có lấn át sách in. Ông có nghĩ đến việc First News phải đổi mới hình thức kinh doanh?

Ở Việt Nam, người ta thích đọc tin tức trên mạng và vẫn thích đọc sách in. First News từng thực hiện một số cuộc khảo sát và thấy, sách in cho người đọc một không gian rộng và khơi gợi trí tưởng tượng nhiều hơn so với sách điện tử, mang đến cho người đọc sự cảm thụ, suy ngẫm sâu sắc hơn. Thế nên vẫn có rất nhiều người thích đọc sách in và First News vẫn còn nhiều năm để tiếp tục sự nghiệp đang làm. Tất nhiên chúng tôi cũng vẫn triển khai ebook và sách nói.

Ông nói: "Đọc sách, ngoài việc bổ sung, khám phá kiến thức, cảm thụ cái đẹp còn cho người đọc sự chiêm nghiệm thực tế”, vậy ông đã chiêm nghiệm được điều gì từ thực tế? Chẳng hạn, chứng minh một câu danh ngôn nổi tiếng nào đó không hoàn thiện?

Tôi đọc nhiều thể loại sách và thích danh ngôn. Trước 30 tuổi, tôi có cả một cuốn sổ ghi lại những câu danh ngôn để suy ngẫm, nhưng sau 30 tuổi, tôi bắt đầu hoài nghi và phải chứng minh lại từng câu mà tôi từng nằm lòng đó và phát hiện ra rất nhiều nghịch lý, không hoàn thiện.

Ví dụ, có câu danh ngôn rất nổi tiếng: "Mất tiền là không mất gì, mất sức khỏe là mất nhiều, mất danh dự là mất tất cả”. Tôi phát hiện qua chiêm nghiệm từ thực tiễn cuộc sống: Là con người, ai không có lúc phạm sai lầm, tôi cũng như nhiều người từng có lúc làm sai, nếu vậy, nói như câu danh ngôn đó nghĩa là "đã mất hết", con người sẽ tự triệt tiêu ý chí của mình và đi vào trạng thái tuyệt vọng, cùng đường...

Tôi có thể khẳng định: Mất danh dự vẫn có thể làm lại được. Con người chỉ mất hết khi mất niềm tin vào bản thân mình, nhưng cái "mất hết" đó cũng chỉ tạm thời. Con người sẽ có thể làm lại khi họ tìm lại được niềm tin vào chính mình.

Tôi thích câu nói của Oscar Wilde từ thế kỷ XVIII: "Trong mỗi vị thánh đều có một quá khứ. Trong mỗi tội đồ đều có một tương lai". Tôi vô cùng xúc động và đã đọc nhiều lần lá thư anh Nguyễn Văn Khôi viết từ trại giam A2 Đồng Găng sau khi đọc một cuốn sách trong tủ sách "Hạt giống tâm hồn". Anh ấy đã chứng minh không bao giờ là mất tất cả!

Ông từng chia sẻ, nỗi lo nhất của ông là một số người Việt Nam hiện nay đang tỏ ra bàng quan với đất nước, nhưng gần đây góc nhìn của ông đã thay đổi?

Einstein có câu: "Thế giới không bị hủy diệt bởi những kẻ làm điều ác mà sẽ bị tàn phá bởi những kẻ thấy điều ác mà dửng dưng không làm gì” và hiện nay, một bộ phận người Việt Nam đang như vậy. Đó là nỗi lo thực sự, không chỉ của mình tôi.

Song, gần đây, qua sự kiện biển đảo, giàn khoan, hay những chuyện bất công trong xã hội đang được đấu tranh, được lên tiếng, được chia sẻ..., tôi đã cảm nhận dù mới khởi đầu nhưng mẫu số chung ẩn chứa trong lòng mỗi người dân Việt là tinh thần yêu nước, muốn gìn giữ hình ảnh Việt Nam, tất cả người dân đều muốn ủng hộ cái đúng, cái tốt đẹp thắng cái sai, cái ác...

Nếu tinh thần tốt đẹp này được phát huy, khơi dậy, được lan tỏa, thì tinh thần quốc đạo của người Việt Nam cũng sẽ như người Nhật và nhiều quốc gia khác, được nâng cao hơn và trở về với những giá trị tinh hoa đích thực nhất.

Khi một đất nước có nhiều người dân thực sự ước mong những điều tốt đẹp kết nối với nhau, sẽ là một lực hấp dẫn thúc đẩy những điều tốt đẹp đến nhanh hơn.

Tâm huyết tổ chức đại lễ tưởng niệm, cầu siêu cho các liệt sĩ Gạc Ma và đấu giá bức tranh "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" tại chùa Vĩnh Nghiêm, tại sao ông lại tha thiết được thực hiện chương trình này, phải chăng có người thân, bạn bè của ông trong số 64 liệt sĩ này?

Tôi làm chương trình này vì hai điều: Đầu tiên, đó là điều tôi thích làm vì lẽ phải và sự công bằng; thứ hai, đó cũng là mong ước cuối đời của cha tôi. Khi xem đoạn clip Trung Quốc thảm sát dã man 64 chiến sĩ Gạc Ma trên YouTube, cha tôi bàng hoàng, xúc động, ông nói: "Sao chiến sĩ mình lại bị giết thê thảm vậy? Con làm được gì thì hãy làm cho các liệt sĩ ấy". Từ đó, ý tưởng tổ chức vẽ và đấu giá bức tranh "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" để giúp 64 gia đình liệt sĩ Gạc Ma và những người lính bị Trung Quốc bắt ngày 14/3/1988 hình thành trong tôi.

Ngày đấu giá và tổ chức đại lễ tưởng niệm, cầu siêu cho các liệt sĩ Gạc Ma thành công, tôi chạy như bay vào phòng hồi sức bệnh viện, mở đoạn clip tường thuật đại lễ của VTV cho cha nghe, dù đang thở máy, không nói được, nhưng gương mặt cha tôi giãn ra, nhẹ nhàng hẳn và biểu lộ một niềm vui.

Bàn tay ông siết chặt tay tôi, nước mắt ứa ra trên đôi mắt già nua, heo hắt trên giường bệnh phút lâm chung. Và đó cũng là món quà sau cuối tôi kịp tặng cha. Sự kiện này được truyền thông Việt Nam đánh giá như một Hội nghị Diên Hồng, đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều tầng lớp xã hội, cộng đồng, làm lan tỏa tinh thần yêu nước, yêu biển đảo, dân tộc, quê hương và yêu thương người lính, làm thổn thức và xúc động hàng triệu trái tim người Việt Nam trong và ngoài nước.

Tin liên quan
Tin khác