Không thấy có sự xuất hiện của các ngân hàng, quỹ đầu tư danh tiếng; không có dự án tiền tỷ như những diễn đàn kinh doanh thường thấy, nhưng mọi kênh thông tin đã hướng về Diễn đàn, khi một xu hướng kinh doanh mới đậm chất nhân văn được các nữ doanh nhân thổi bùng lên, trước hết là trong Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN.
Đó là tận dụng cơ hội của một trong số khu vực kinh tế sôi động nhất thế giới là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vừa hình thành được hơn hai tháng để tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, nhất là phụ nữ, trẻ em và những khu vực yếu thế.
Đây là một tín hiệu mới, bởi tạo xu thế kinh doanh vốn được coi là sân chơi độc tôn của nam giới.
Rõ ràng, tầm ảnh hưởng của đội ngũ doanh nhân nữ đang khiến sự dịch chuyển về cấu trúc giới tính trong nền kinh tế diễn ra ngày càng rõ nét.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2016 vừa diễn ra, một nửa số ghế chủ tịch tại các hội thảo là phụ nữ, các diễn giả nữ trong Diễn đàn chiếm tới 27%. Thậm chí, vào lúc này, nhiều người đã nói đến sự xuất hiện của một nữ chủ tịch WEF, đặc biệt là nữ tổng thống đầu tiên ở Hoa Kỳ - những nơi đang năm trong tay quyền ảnh hưởng lớn nhất tới xu thế vận động của kinh tế thế giới.
Ở Việt Nam, sự chuyển dịch cũng đang theo xu thế. Cũng phải nói thêm, tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ vừa mới diễn ra trong tháng 2 vừa qua, lãnh đạo các Chính phủ đã nói nhiều về việc chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng phát triển các ngành sản xuất có hàm lượng khoa học công nghệ cao, phát huy tinh thần kinh doanh và sáng tạo sẽ là một hướng ưu tiên của các nước ASEAN.
Các doanh nhân nữ Việt Nam đã không bỏ lỡ cơ hội. Họ đã cùng bàn về cách tạo ra thuận lợi cho doanh nhân nữ, chia sẻ sáng kiến về trao quyền cho doanh nhân nữ, hỗ trợ doanh nhân nữ lớn mạnh … Ngay bên lề Diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN, các doanh nhân nữ Việt Nam trong Mạng lưới doanh nhân ASEAN mà chính họ đề xuất và Việt Nam đang ở năm cuối của vị trí Chủ tịch, đã đem đến những sản phẩm thổ cẩm, hóa mỹ phẩm được làm bởi những người phụ nữ thiệt thòi; những thực phẩm sạch từ rau củ quả đến các sản phẩm sữa đang được các doanh nhân nữ nhân rộng; những dự án hỗ trợ kỹ năng cho doanh nhân nữ ở nông thôn… Xu hướng nhân văn trong kinh doanh không chỉ ở trên bàn hội nghị.
Chúng ta nói nhiều đến vai trò của doanh nhân nữ như là cứu tinh của nền kinh tế thế giới, là nhân tố chèo lái con thuyền kinh tế vượt qua khủng hoảng và rất nhiều những mỹ từ khác dành cho nữ giới. Nhưng họ không thể gánh nhận những trách nhiệm nặng nề ấy một cách đơn độc được. Hiện tại ở Việt Nam, doanh nghiệp do doanh nhân nữ làm chủ hầu như chưa có một sự hậu thuẫn cụ thể nào từ chính sách và cả tư duy của những người điều hành các cấp.
Chính các doanh nhân nữ cũng đã phải lên tiếng đề nghị Chính phủ quan tâm, đưa ra những chính sách thiết thực nhằm tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy doanh nhân nữ phát triển và khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp. Yếu tố ưu tiên hàng đầu hiện nay mà các doanh nghiệp do nữ làm chủ đang cần là tạo cơ hội cho các doanh nhân nữ tiếp cận và nắm bắt thông tin nhanh chóng, giúp họ chủ động trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tư duy chính sách theo hướng ưu đãi phù hợp dành cho doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ, bên cạnh đối tượng doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ…
Đây chính là nền tảng quan trọng để các doanh nhân nữ đủ sức vươn tầm ra hội nhập, lan truyền dấu ấn nhân văn trong xu thế kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế hưng thịnh một cách bền vững.