Doanh nhân
Doanh nhân Phạm Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Mekong Travel: Làm du lịch để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn
Viễn Nguyệt - 24/10/2021 10:36
Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, từ nhỏ đã vất vả, doanh nhân Phạm Thị Ngọc Trinh xác định, làm du lịch để giúp những người gặp khó khăn là niềm hạnh phúc, là động lực phấn đấu.
Doanh nhân Phạm Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Mekong Travel

1.

Nổi bật giữa cù lao An Bình xinh đẹp được tạo thành bởi hai nhánh sông Cổ Chiên và sông Tiền là ngôi nhà được xây dựng theo lối cổ Nam bộ của gia đình chị Phạm Thị Ngọc Trinh (Út Trinh). Những năm gần đây, homestay Út Trinh trở thành điểm đến được nhiều du khách trong nước và quốc tế chọn lựa là nơi lưu trú, trải nghiệm trong hành trình khám phá Vĩnh Long và các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Trong không gian thoáng đãng của ngôi nhà cổ nối với khu nhà phía sau bằng chiếc cầu gỗ nhỏ bắc qua con kênh nhân tạo, nằm kế bên là khu vườn nhỏ xinh với hàng cau đều tăm tắp, tôn lên vẻ duyên dáng của khu sân vườn, tiểu cảnh hướng ra con sông Cổ Chiên thơ mộng, chị Phạm Thị Ngọc Trinh chia sẻ về chặng đường phát triển của Doanh nghiệp du lịch Mekong Travel, “đứa con tinh thần” đầy tâm huyết mà chị đã dày công gây dựng.

Năm 1995, tin cô bé Trinh thi đỗ Khoa tiếng Anh, Đại học Cần Thơ gây xôn xao cả một vùng quê. Thời điểm đó, đỗ đại học là chuyện hiếm, việc cô Út trong đại gia đình 10 anh chị em, bố mẹ là nông dân thi đỗ ngành tiếng Anh lại càng hiếm… Bốn năm sau, nhận tấm bằng cử nhân Anh văn, Út Trinh trở về quê tìm việc.

Đối với chị Út Trinh, hoạt động du lịch đã mở ra “nhịp cầu” kết nối các nhà hảo tâm từ nhiều quốc gia đến với những hoàn cảnh khó khăn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chị đã kết nối được nhiều đoàn khách hoạt động từ thiện, giúp sửa chữa trường học ở những vùng quê nghèo, xây nhà cho người có hoàn cảnh khó khăn (có giấy xác nhận của địa phương).

Khách vui vì tìm đúng địa chỉ, người được giúp đỡ cảm thấy hạnh phúc, bản thân chị cũng thấy tự hào đã làm được việc có ý nghĩa. Đến cuối năm 2020, đã có gần 100 căn nhà được sửa chữa hoặc xây mới, mỗi căn trị giá trên 40 triệu đồng.

Cho đến bây giờ, chị Út Trinh vẫn không hiểu nổi tại sao một ngành được coi là “hot” lại khó khăn trong tìm việc đến thế. Thậm chí, chị lặn lội qua tận Tiền Giang nhưng cũng chỉ nhận được những cái “lắc đầu”. Đến khi tới Vĩnh Long, chị được Công ty du lịch Cửu Long nhận vào làm hướng dẫn viên du lịch quốc tế…

Năm 2005, chị Út Trinh quyết định xin nghỉ việc để thành lập doanh nghiệp riêng. Doanh nghiệp du lịch Mekong Travel ra đời với tài sản ban đầu gồm 5 chiếc tàu vận chuyển khách du lịch - toàn bộ vốn liếng hai vợ chồng chị dành dụm được. Thời gian đầu, doanh nghiệp non trẻ gặp vô vàn khó khăn bởi thiếu kinh nghiệm quản lý, chưa có nhiều nguồn khách, cạnh tranh gay gắt với những đơn vị đã có chỗ đứng trên thương trường.

2.

Để tạo ra thị trường ngách, chị Út Trinh tìm cách liên kết với các nhà dân để làm homestay trên cù lao An Bình. Với nỗ lực không ngừng, Mekong Travel đã từng bước vượt qua khó khăn, trở thành doanh nghiệp lữ hành khá uy tín nhờ chất lượng dịch vụ, được nhiều đơn vị lữ hành biết tới.

Nhận thấy nhu cầu lưu trú của khách quốc tế rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng của các homestay còn hạn chế (như phòng ốc hoặc khu vực vệ sinh bất tiện, đặc biệt là vào mùa nước nổi, vấn đề ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa thực sự được chú ý, khâu chế biến món ăn khá đơn điệu…), chị Út Trinh quyết tâm phải làm homestay đạt tiêu chuẩn để phục vụ du khách tốt hơn.

Năm 2008, chị mua được 7.000 m2  đất và bắt đầu xây dựng homestay. Mua đất ở cù lao không khó, nhưng vận chuyển nguyên vật liệu làm nhà là cả một vấn đề lớn. Tất cả phải chuyển từ đất liền ra bằng tàu, phải thuê nhân công bốc vác, thuê thợ xây dựng rất tốn kém.

Ngôi nhà kiểu cổ Nam bộ đầu tiên được dựng hoàn toàn bằng gỗ, gồm 5 phòng, mỗi phòng tối đa ở được 4 người, được đặt tên là “nhà Út Trinh”. “Tất cả do chồng tôi tự thiết kế. Anh học đại học ngành kinh tế và du lịch, nhưng rất am hiểu về xây dựng, kiến trúc nhà cổ, đặc biệt là nhà cổ vùng sông nước”, chị chia sẻ.

Năm 2009, đội tàu của Mekong Travel phát triển lên 12 chiếc. Cùng thời gian này, chị Út Trinh tiếp tục xây dựng homestay thứ hai, rồi thứ ba… Riêng với ngôi nhà thứ ba, toàn bộ gạch được sưu tầm từ các nhà cổ trong khu vực (từ Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, đến Đồng Tháp, Cần Thơ) và chuyển về trong thời gian… 3 năm. Ngôi nhà được xây gạch không trát, mộc mạc nhưng độc đáo mà vẫn có vẻ đẹp riêng.

Một trong những nét khác biệt ở “Út Trinh Homestay” là vườn trái cây rất phong phú, tạo điều kiện cho du khách ngắm cảnh, thưởng thức quanh năm. “Tôi cố gắng trồng mỗi loại 10 gốc trở lên gồm mít, xoài, nhãn, chôm chôm, đu đủ, chuối, thanh long… để khách đến bất cứ thời điểm nào cũng có trái cây trong vườn”, chị cho hay.

Thông thường, khách đi tour sẽ đến Vĩnh Long, hoặc Cái Bè buổi xế trưa, sau đó đi tham quan bằng tàu tại các điểm làng nghề nổi tiếng như làng gốm, đan lục bình, làm kẹo dừa, làm bánh tráng. Xế chiều, khách về nhận phòng nghỉ tại Út Trinh Homestay và được hướng dẫn viên địa phương dẫn đi xe đạp quanh làng để trải nghiệm các hoạt động của người dân, ngắm cảnh, chụp ảnh. Buổi tối, khách có thể nấu ăn cùng với gia đình, đoàn đông sẽ tổ chức chương trình đờn ca tài tử để khách trải nghiệm văn hóa miền sông nước…

 3.

Để phục vụ du khách, chị Út Trinh sử dụng lao động là người địa phương, giúp họ có việc làm ổn định, thu nhập tốt. Đây là yếu tố quan trọng để Út Trinh Homestay đạt Giải ASEAN Standard năm 2018 (giải thưởng nhà có phòng cho khách du lịch đạt chuẩn, năm 2018 Việt Nam có 3 giải). Hiện đội ngũ nhân viên Mekong Travel và homestay trên 100 người, gồm thợ mộc, nợ nề, tài công, đầu bếp, thợ làm vườn…

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ đầu năm 2020, hoạt động đón khách quốc tế buộc phải dừng lại. Khó khăn chồng chất nhưng chị Út Trinh vẫn đảm bảo một phần thu nhập cho người lao động bằng việc khai thác các loại đặc sản cây trái tự trồng, bằng những món ăn mang đậm hương vị vùng sông nước…

“Đến giờ này, tôi thấy hài lòng nhất là từ hoạt động du lịch, giao lưu được rộng mở, kinh tế gia đình phát triển hơn, tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương. Hơn nữa, qua hoạt động du lịch, tôi đã kết nối những nhà hảo tâm nước ngoài với những nơi, những hoàn cảnh khó khăn”, chị Út Trinh bày tỏ.

Để homestay đạt chuẩn Việt Nam, cần ít nhất 7 loại giấy phép về an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng cháy chữa cháy; vệ sinh môi trường, buồng, bàn bếp… Theo đó, chị cùng chồng phải trực tiếp học, sau đó về dạy lại cho nhân viên. Hàng năm, chị còn cử nhân viên đi học các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ dành cho những hộ gia đình làm du lịch do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vĩnh Long tổ chức.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Lông, đội tàu của Út Trinh được đánh giá tốt và chuẩn nhất về chất lượng tàu, cũng như chất lượng dịch vụ. Đội tàu hiện có 32 chiếc từ 14 đến 49 ghế, tàu lớn trị giá khoảng 500 triệu đồng/chiếc, tàu nhỏ gần 100 triệu/chiếc.

Không giấu nổi niềm vui, chị kể, khách đến Vĩnh Long phải tới ở homestay Út Trinh mới chịu. Vì thế, mỗi khi có khách đến, chị đều thu xếp thời gian ra chào, dù chỉ là nói vài lời bông đùa, dăm câu chuyện giao lưu hoặc chúc nhau chén rượu, nhưng du khách cảm thấy thú vị vô cùng.

“Tôi hay nói vui ‘happy and busy, busy and happy’, bận nhưng vui, vì mình là phụ nữ, phải nuôi dạy các con nhỏ, vừa làm việc nhà, vừa điều hành công ty, làm công tác xã hội, quán xuyến mọi việc gia đình và doanh nghiệp”, chị Út Trinh nói.

Chia sẻ về dự định sau đại dịch Covid-19, chị Út Trinh cho hay, một homestay 12 phòng lưu trú đã hoàn thành tại quê nhà Bến Tre của chị, trên cù lao Tam Hiệp, sẵn sàng khi du lịch quốc tế mở cửa trở lại. “Sinh ra và lớn lên ở quê, từ nhỏ đã vất vả, nên tôi đồng cảm với những người dân nơi đây. Vì vậy, tôi xác định, giúp được những người khó khăn cũng là niềm hạnh phúc, là động lực để tôi tiếp tục làm việc tốt hơn”, chị Út Trinh tâm sự.

Tin liên quan
Tin khác