- RICOH chọn Hà Phan làm đối tác kinh doanh dự án
- Ricoh chọn Viscom là nhà phân phối máy in tại Việt Nam
- Doanh nhân Mạc Như Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vinhands: Đưa xơ mướp xuất ngoại
- Doanh nhân Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch HĐQT Chanh Việt: Biến đất phèn thành rừng chanh không hạt
- [Emagazine] CEO Lê Trung Thông: Hãy thưởng thức những khó khăn vì đó là món quà để thay đổi bản thân
Doanh nhân Ryota Yamamoto, giám đốc điều hành (CEO) Ricoh Việt Nam. |
Triết lý tình yêu
Ricoh đến với đại gia đình “Tổ Ong - Toong” Phan Bội Châu (Hà Nội) từ cuối tháng 4/2024. Trong không gian làm việc chung, văn phòng của Ricoh nhỏ xinh, chỉ khoảng 30 m2, nhưng chứa đựng sức khai phá mạnh mẽ tiềm năng từ mỗi cá nhân.
“Thông qua các giá trị nghệ thuật, các hoạt động phát triển văn hóa, giải trí… tại không gian này, chúng tôi cũng tạo dựng những giá trị mang tính cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển và thành công của nhân viên của Ricoh”, ông Ryota Yamamoto hồ hởi.
Giống như cách Toong nhìn thấy được những mặt hạn chế của môi trường làm việc truyền thống, nên đã kiến tạo một môi trường có thể khai phá tiềm năng của mỗi cá nhân trong không gian làm việc, với cá nhân ông Ryota Yamamoto, không gian này cũng thể hiện tư duy lãnh đạo trong quá trình “cầm lái” Ricoh Việt Nam, cùng triết lý của Ricoh toàn cầu.
- CEO Ryota Yamamoto
Ricoh là tên tuổi dẫn đầu thị trường máy in, máy photocopy từ năm 1936 ở thị trường Nhật Bản, với cái tên Riken Sensitized Paper (Riken Kankōshi), một doanh nghiệp “tài phiệt (zaibatsu) thuộc Viện nghiên cứu Riken. Từ khoảng cuối thập niên 1990 đến năm 2000, Công ty đã vươn lên trở thành nhà sản xuất máy in lớn nhất thế giới. Trong thời gian này, Ricoh mua lại một số công ty như Savin, Rex-Rotary, Lanier, Monroe, Nashuatec…
Tuy nhiên, sản phẩm đầu tiên của Ricoh không phải máy photocopy, mà là máy ảnh mang tên Ricohflex III. Hiện Ricoh là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ số.
Ricoh được nhà sáng lập Kiyoshi Ichimura tạo dựng dựa trên triết lý cốt lõi là tình yêu, bao hàm tình yêu láng giềng, tình yêu đất nước và tình yêu công việc của của mỗi cá nhân.
Về tình yêu láng giềng, nó vốn dĩ không giới hạn trong mối quan hệ giữa làng xóm, cộng đồng địa phương, mà biểu thị cho sự kết nối giữa con người với con người, với đồng nghiệp và quan trọng nhất là với những khách hàng trân quý của Công ty.
Với tình yêu đất nước, ban đầu, đó là tình yêu dành cho Nhật Bản - quê hương của Ricoh. Việc phát triển kinh doanh cũng là cách mỗi cá nhân góp phần vào sự phát triển của đất nước. Bây giờ, tình yêu đất nước trong triết lý của Ricoh còn là tình yêu dành cho tất cả những quốc gia mà tên tuổi này có mặt. Việt Nam là một trong số đó. Mỗi thành viên trong gia đình Ricoh khi đến Việt Nam làm việc đều nỗ lực trở thành một phần không thể thiếu trong sự tăng trưởng kinh tế của đất nước hình chữ S.
Tình yêu công việc được biểu hiện qua hai khía cạnh: các nhân viên của Ricoh đều yêu nơi mình làm việc, đồng thời cũng yêu khách hàng của mình. Khách hàng của Ricoh là các doanh nghiệp và những con người làm việc ở đó.
“Cả 3 thành tố này luôn song hành cùng nhau. Dựa trên triết lý cốt lõi là tình yêu, cùng với sự nỗ lực, liên tục đổi mới công nghệ và mở rộng kênh phân phối, Ricoh đã trở thành doanh nghiệp toàn cầu, có mặt tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới”, CEO Ryota Yamamoto tự hào chia sẻ.
Giọt nước trong biển cả
Năm 2021 - giữa lúc cao trào của đại dịch Covid-19, ông Ryota Yamamoto tạm biệt Nhật Bản để đến Việt Nam, đảm nhận vị trí CEO Ricoh Việt Nam. Trong hơn 3 năm qua, ông phải đối mặt với bộn bề khó khăn từ những ảnh hưởng chung của kinh tế toàn cầu.
Đến thời điểm này, ông cảm nhận được sự hồi phục, dù không phải trong tất cả các lĩnh vực.
“Đó là điểm sáng cho nền kinh tế hiện nay, đặc biệt là sự tăng trưởng tích cực của lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; sự trở lại của công nghiệp - xây dựng, sự hồi phục của ngành chế biến, chế tạo ở Việt Nam”, ông Ryota Yamamoto nhận định.
Khi đề cập những đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, CEO Ricoh Việt Nam khiêm tốn nói rằng, mình chỉ như một giọt nước trong biển cả rộng lớn. “Chúng tôi chỉ biết rằng, mình có thể làm tốt nhất trong khả năng, tập trung đóng góp bằng những giải pháp kỹ thuật số mà Ricoh triển khai, cam kết và thấu hiểu để đưa ra những giải pháp toàn diện cho khách hàng”, ông Ryota Yamamoto bộc bạch.
Ông chia sẻ, Ricoh luôn hành động từ quan điểm của khách hàng, với niềm đam mê tiếp cận mọi thứ một cách tích cực và có mục đích. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại Ricoh, có cụm từ “gemba” để chỉ văn phòng, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất… Nơi đây diễn ra quá trình làm việc, kinh doanh tạo ra giá trị từ thực tế.
ADN của Ricoh là sự đổi mới
Tiên phong trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ số, nên hoạt động kinh doanh của Ricoh luôn xoay quanh việc cung cấp giá trị cho khách hàng và làm sao để vượt quá sự kỳ vọng của họ. “Khi đó, chúng ta sẽ có được sự hài lòng và niềm tin của chính khách hàng”, CEO Ryota Yamamoto nhấn mạnh.
Muốn làm được như vậy, thì không thể không có sự lắng nghe chân thành, để học hỏi từ chính khách hàng, thấu hiểu những khó khăn mà họ gặp phải trong quy trình xử lý công việc, như tùy chỉnh hoạt động xuất nhập khẩu cho các công ty logistics, quản lý các nhà cung cấp đối với các công ty, nhà máy sản xuất… Quá trình này rất dễ sai sót khi làm thủ công và đó cũng là những điểm mà đội ngũ Ricoh luôn chú tâm để giải quyết.
Để tạo ra giá trị không giới hạn, cần có sự đổi mới mạnh mẽ. Theo đó, mỗi thành viên của Ricoh cần có tinh thần làm việc nhóm, dũng cảm đón nhận thử thách, năng động, sáng tạo, tôn trọng tất cả các bên liên quan và cùng nhau tạo ra giá trị. Đặc biệt, điều họ không thể thiếu là đạo đức và sự chính trực.
“ADN của Ricoh là sự đổi mới”, ông Ryota Yamamoto khẳng định.
Gần 90 năm tồn tại và phát triển, trải qua vô số thăng trầm, Ricoh tạo nên thương hiệu từ sự ổn định và giá trị của sản phẩm. Công ty rất chú trọng đầu tư cho hoạt động động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Cùng với sự phát triển của công nghệ, xu hướng văn phòng ít sử dụng giấy đã thúc đẩy các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành máy in, thiết bị văn phòng. Các hãng máy in, máy ảnh, thiết bị văn phòng Nhật Bản đang “đau đầu” khi nhu cầu giấy, văn phòng phẩm và thiết bị văn phòng ngày một giảm. Trước nguy cơ này, các hãng đã tái cấu trúc, hợp nhất mảng sản xuất máy in, máy photocopy và các thiết bị văn phòng khác. Có hãng nhanh chân bước vào lĩnh vực mới như dược phẩm, sản xuất chip… Ricoh cũng không ngoại lệ.
Thông tin từ Nikkei Asia, Japan Times cho hay, tháng 5/2023, Ricoh và Toshiba đã hợp nhất mảng sản xuất máy in, máy photocopy và các máy văn phòng khác. Ricoh nắm giữ phần lớn cổ phẩn của liên doanh. Theo Hãng nghiên cứu IDC (Mỹ), Ricoh nắm giữ 15,2% thị phần máy in đa chức năng laser A3 toàn cầu, còn Toshiba Tec chiếm 7,2% thị phần. Vì thế, liên doanh này đang đứng đầu thế giới về mảng máy in.
Ricoh đã và đang đầu tư vào các dịch vụ kỹ thuật số tại môi trường làm việc bằng cách phát triển cả về mặt cơ cấu tổ chức và thông qua các thương vụ M&A.
Ông Ryota Yamamoto cho biết, Ricoh tiếp tục mua lại và cộng tác với các công ty cần thiết để hỗ trợ trải nghiệm khách hàng của mình. Cụ thể, Ricoh cải tiến các thiết bị biên như MFP hoặc máy quét để thu thập dữ liệu từ tài liệu.
Tháng 7/2021, Ricoh tăng cường khả năng kiến tạo không gian làm việc số với việc mua lại nhà cung cấp phần mềm dịch vụ nội dung hàng đầu - DocuWare (có trụ sở chính tại Đức, Mỹ). DocuWare cung cấp phần mềm tự động hóa quy trình làm việc, quản lý tài liệu trên nền tảng đám mây và tại chỗ cho hơn 12.000 khách hàng tại hơn 90 quốc gia trên toàn cầu thông qua mạng lưới 600 đối tác.
Không dừng ở đó, Ricoh còn đầu tư vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng và công nghệ khác để chính mình và khách hàng có thể tận dụng dữ liệu thu được từ quy trình làm việc. “Đây là cách chúng tôi đang tiếp tục phát triển với tư cách là công ty dịch vụ số”, CEO Ryota Yamamoto khẳng định.
Trước khi đảm nhận vị trí CEO Ricoh Việt Nam, trong giai đoạn 2013 - 2017, ông Ryota Yamamoto là trợ lý của CEO và Chủ tịch Tập đoàn Ricoh. Ông ấn tượng sâu sắc về triết lý đến từ Nhà sáng lập Kiyoshi Ichimura và được Chủ tịch Tập đoàn Ricoh hiện nay theo đuổi: “Kinh doanh là tìm ra những lời phàn nàn và sự không hài lòng của khách hàng”.
Ông Ryota Yamamoto đã học hỏi được rất nhiều từ người Chủ tịch của mình. Điều ông muốn nhắn nhủ với thế hệ lao động trẻ hiện nay là cần có trải nghiệm trước, rồi học hỏi và phát triển sau. Bởi ông cho rằng, mỗi người sẽ tự rút ra được những bài học, đúc kết từ chính sai lầm của mình.
Bởi vậy, trong công việc, ông thường không trách móc nhân viên của mình vì những thất bại, bởi ai cũng có thể học hỏi từ những vấp ngã, và ai cũng cần tự phê bình từ trong chính trí tuệ, cảm xúc của mình. Đây là điều vô cùng quan trọng trong văn hóa của người Nhật Bản
“Hãy suy nghĩ, nhìn nhận mình đã làm sai điều gì? Công ty đã làm sai điều gì? Thấu hiểu bản thân là bước đi đầu tiên để mỗi người phát triển, từ đó giúp công ty phát triển”, ông nói.
Vị CEO chia sẻ, một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt là thị trường lao động thiếu hụt nhân sự giỏi, các doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt để giữ chân nhân tài.
Thừa nhận mức thu nhập tương xứng là điều quan trọng để “giữ chân” nhân sự, đặc biệt là nhân sự giỏi, nhưng CEO Ricoh Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, nếu doanh nghiệp tạo được môi trường làm việc tốt, mà ở đó, mỗi người đều có cơ hội nâng cao chuyên môn, phát huy kinh nghiệm, được mở rộng tư duy, được nhìn thấy bản thân phát triển mỗi ngày…, thì chắc chắn, họ sẽ gắn bó với công ty.