Bài 3: Xây dựng hệ tuần hoàn vừa có lợi ích kinh tế, vừa có lợi cho môi trường
Trong nhiều lần trò chuyện, ông liên tục nhấn mạnh, sử dụng công nghệ và dịch vụ của Tín Thành sẽ góp phần giảm phát khí thải CO2. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
Hiện nay, 1 gallon diesel phát thải ra môi trường 10,1 kg CO2. Do đó, khi bơm Nitơ thay không khí thông thường vào lốp xe và sử dụng nhớt có phụ gia Graphene sẽ tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải rất lớn.
Sản xuất một chiếc lốp mới 17,5 inch sẽ phát thải 86,9 kg khí CO2, trong khi sản xuất một chiếc lốp đắp tương đương chỉ phát thải 60,5 kg khí CO2, giảm phát được 26,4 kg, nghĩa là giảm 30% lượng khí thải. Như vậy, có thể thấy, việc đắp lốp để tái chế và tái sử dụng lốp bị mòn gai sẽ giúp giảm phát thải lớn so với phải thay thế bằng lốp mới.
Ngoài ra, nếu sử dụng công nghệ của Tín Thành, sẽ giảm được 50 tấn CO2/xe/năm ra môi trường. Khi Tín Thành đạt đến mục tiêu vận hành 1 triệu xe tại Mỹ, thì mỗi năm sẽ giảm được 50 triệu tấn CO2 phát thải ra môi trường, đồng thời 50 triệu tấn CO2 này có thể bán lại cho bên thứ 3, nguồn thu rất lớn, vì 1 tấn CO2 hiện có giá 5 - 10 USD.
Ông Trần Đình Quyền (thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Thống đốc bang Nam Carolina, các bộ trưởng, nghị sỹ Mỹ tại Lễ động thổ Nhà máy của Tín Thành Group tại tiểu bang Nam Carolina (Mỹ). |
Vậy phế thải như lốp xe, dầu nhớt khi không thể tái chế nữa, Tín Thành sẽ làm gì?
Lốp xe sau khi được đắp lại tối đa 3 lần, chúng tôi sẽ thu hồi và tái chế, thu hồi tanh thép, cao su vụn và chuyển sang một số nước, tiếp tục nhiệt phân, chưng cất nhằm thu hồi dầu DO-R để phát điện và than đen để tái sử dụng, thay vì đốt (nếu đốt, sẽ gây phát thải 110 kg CO2 cho mỗi lốp xe).
Như tôi đã nhiều lần chia sẻ, với 1 kg lốp xe phế thải, chúng tôi có thể làm ra 3 kWh điện, 1 lít nhớt làm ra 6 kWh điện. Với những công nghệ này, chúng tôi có thể mang đến các nước đang bị thiếu điện như Cuba, Ấn Độ, Campuchia, Mexico, một số nước ở châu Mỹ và châu Phi… để phát điện.
Đối với nhớt đã qua sử dụng, Tín Thành sẽ thu gom, xử lý và thu hồi dầu gốc để phối chế với một số phụ gia và Graphene nhằm sản xuất nhớt mới. Quá trình này sẽ giảm phát thải do không sử dụng dầu gốc từ dầu khoáng hay đốt hoặc phát tán ra môi trường. Trong trường hợp không tái chế được, sẽ tái sử dụng làm nhiên liệu đốt công nghệp.
-Doanh nhân Trần Đình Quyền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tín Thành Group
Được dùng cho động cơ và hộp số, nên dầu nhớt đã qua sử dụng chứa nhiều chất gây ô nhiễm nguy hiểm như chì, cadmium, crom, asen, dioxin, benzen và chất thơm đa vòng. Nếu dầu động cơ đã qua sử dụng và các chất gây ô nhiễm chứa trong đó không được xử lý đúng cách và thải ra môi trường, chúng có thể gây hại cho con người, thực vật, động vật, cá và động vật có vỏ…
Nói như vậy để thấy, Dự án Nhà máy Đắp lốp, tái chế lốp xe và sản xuất dầu nhớt tại tiểu bang Nam Carolina có thể giúp nước Mỹ giảm được lo lắng về sự tồn đọng của nhiều phế phẩm theo thói quen sử dụng, đồng thời, các nước khác cũng được hưởng lợi. Đó là sự tuần hoàn vừa có lợi ích kinh tế, vừa có lợi cho môi trường.
Ông kỳ vọng gì sau khi Dự án Dịch vụ vận hành trọn gói các loại xe vận tải ở Mỹ đi vào hoạt động?
Sau khi Dự án đi vào hoạt động, Tín Thành sẽ tạo ra một hệ sinh thái cung cấp dịch vụ, tạo ra hàng ngàn việc làm. Trong 5 năm tới, chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt được 1 triệu xe với doanh số rất lớn. Khi đó, chúng tôi sẽ mang về cho Việt Nam hàng tỷ USD, phần còn lại dùng để tiếp tục tái đầu tư.
Thông qua dự án này, tôi cũng mong muốn sẽ xây dựng chuỗi dịch vụ tuần hoàn, từ dịch vụ chăm sóc tài xế (như cung cấp thực phẩm, cà phê, nước khoáng, đồ ăn nhẹ, khăn lau mặt…), đến các loại hàng hóa phục vụ vận hành xe (như sử dụng lốp xe mới và lốp đắp của DRC)… Ngoài cà phê King Coffee, trong chuỗi dịch vụ này, chúng tôi còn sử dụng nhiều sản phẩm khác hoàn toàn là thương hiệu Việt.
Mặt khác, như tôi đã đề cập, ngành vận tải của Mỹ đang thiếu hụt hơn 200.000 lao động kỹ thuật. Với Dự án Dịch vụ vận hành trọn gói các loại xe vận tải, chúng tôi có thể cung cấp lực lượng lao động kỹ thuật lên đến 70.000 người, bổ sung nhân lực cho ngành vận tải của Mỹ.
Được biết, ngoài Dự án Nhà máy Đắp lốp, tái chế lốp xe và sản xuất dầu nhớt, Tín Thành còn có Dự án Sản xuất hydro xanh ở Mỹ. Dự án này được triển khai như thế nào, thưa ông?
Tại tiểu bang Nam Carolina, ngoài Dự án Dịch vụ vận hành trọn gói các loại xe tải, Tín Thành Group còn có Dự án Sản xuất hydro xanh, công suất 150.000 tấn/năm, sử dụng nguyên liệu biomass sẵn có tại địa phương. Dự án đã được chấp thuận và được ưu đãi đầu tư 350 triệu USD trong 20 năm.
Mục tiêu của Tín Thành là sản xuất và cung cấp loại hydro xanh cho xe ô tô sử dụng. Đây là chiến lược dài hơi của chúng tôi. Tín Thành Group và một tập đoàn lớn của thế giới sẽ hợp tác chiến lược với những hãng xe lớn trên thế giới để cung cấp nhiên liệu hydro cho các xe mà họ sản xuất ra, được bán và vận hành trên khắp nước Mỹ.
Chính vì những tiềm năng to lớn như đã nêu, chúng tôi đã có kế hoạch đưa hai dự án này trở thành dự án trọng điểm của hai quốc gia, nhằm thắt chặt hơn nữa mối giao thương và sớm góp phần cân bằng mậu dịch. Đề xuất này đã được nhiều lãnh đạo của cả hai nước rất đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ.
Hơn nữa, Tín Thành Group đã đàm phán và được tiểu bang Nam Carolina chấp thuận sẽ đảm bảo phát hành trái phiếu có bảo lãnh từ ngân sách cho cả hai dự án.
Mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp Việt đang hướng tới. Tuy nhiên, hành trình “mang chuông đi đánh xứ người” chắc chắn sẽ có rất nhiều chông gai. Tín Thành đang phải đối diện với những khó khăn nào? Điều gì khiến ông tự tin sẽ thành công trên đất Mỹ?
Dự án của Tín Thành thuộc lĩnh vực quá lớn với nhiều ngành nghề liên quan khác nhau. Trong đó, các “ông lớn” như Bridgestone, Michelin, Goodyear, Yokohama, Shell, ACDelco, Mitsuboshi… đã khẳng định thương hiệu và nắm giữ đa số thị phần. Trong khi đó, Tín Thành là doanh nghiệp nhỏ, thiếu kinh nghiệm, chưa được nhiều đối tác trong ngành logistics biết đến. Đây là thách thức mà chúng tôi phải đối mặt khi gia nhập thị trường xe vận tải lớn nhất thế giới.
Chính vì những khó khăn, thách thức này, mà Tín Thành đã dày công nghiên cứu hơn 15 năm qua. Gần 50 nhà khoa học trong các ngành nghề khác nhau đã nghiên cứu và cho ra 20 bằng phát minh đã được Việt Nam và Mỹ cấp bằng độc quyền sáng chế, để đạt được mục tiêu mà Tín Thành đề ra, đó là “lợi ích - tiện ích - hữu ích” cho người đang vận hành và cả những người không liên quan. 20 bằng phát minh này như cuộc cách mạng trong ngành logistics, mà nước giàu cũng như nước nghèo đều được hưởng lợi.
Qua công việc này, chúng tôi muốn quốc gia lớn như Mỹ sẽ hiểu sâu hơn về Việt Nam và cách làm của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, Tín Thành có những lợi thế riêng mà ít đối thủ nào có được. Viên gạch đầu tiên - Nhà máy Sản xuất lốp xe thương hiệu DRC - như cánh chim đầu đàn, cùng với King Coffee - một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong ngành thực phẩm - sẽ tạo tiền đề để các nhà máy tiếp theo đồng hành phát triển cùng Tín Thành. Song song đó, nhà máy tại Nam Carolina sẽ là nơi “lót ổ” cho nhiều ngành nghề, thương hiệu khác nhau của Việt Nam bắt tay cùng hợp tác.
Với những dịch vụ và công nghệ sẵn có, chúng tôi tự tin có thể cạnh tranh và phát triển theo đúng lộ trình đã đặt ra.
***
Trong không gian phòng làm việc của mình, doanh nhân Trần Đình Quyền trưng bày rất nhiều bằng phát minh mà Tín Thành đã cùng các nhà khoa học dày công nghiên cứu thành công. Bên cạnh đó, có khá nhiều bức hình về những lần ông tiếp đón các lãnh đạo cấp cao trong và ngoài nước.
“Cả hai đời Tổng thống Mỹ là Barack Obama và Donald Trump sang thăm Việt Nam, tôi đều có cơ hội tham dự yến tiệc. Đó không chỉ là vinh dự, mà là những kỷ niệm không phải ai cũng có được”, ông Quyền tự hào nói.
Ông khẳng định, những gì mình có được hôm nay thể hiện quan điểm và mục tiêu nhất quán mà ông luôn theo đuổi, đó là: “Nói thật, làm thật theo tiêu chí xây dựng hệ tuần hoàn vừa có lợi ích kinh tế, vừa có lợi cho môi trường”.
Quả thực, nhìn vào danh mục kinh doanh của Tín Thành Group và các công ty trước đó của ông Quyền, có thể thấy, phần lớn đều tập trung vào những lĩnh vực có liên quan đến môi trường. Theo chia sẻ của ông, nỗi khổ lớn nhất của con người là bệnh tật ngày càng nghiêm trọng do không khí, nguồn đất, nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề.
Đó cũng là lý do doanh nhân Trần Đình Quyền dồn hết tâm huyết, sức lực, trí tuệ và tiền bạc để biến ý tưởng thành thực tế, theo đúng slogan gắn liền với cả cuộc đời và sự nghiệp của mình: “Hãy cùng chúng tôi tiết kiệm năng lượng, giảm phát khí thải toàn cầu”.