Doanh nhân Trần Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Colusa - Miliket |
Tích cực ứng dụng công nghệ mới
Tính đến cuối năm 2022, Colusa - Miliket chỉ chiếm 2% thị phần nội địa, sản lượng đạt 15.400 tấn, nhưng được xem là năm đạt doanh số cao nhất của doanh nghiệp trong vài năm trở lại đây. Ông Trần Hoàng Ngân nhận thấy, dù thị phần có sự sụt giảm, nhưng thương hiệu Miliket đã đi vào ký ức của người tiêu dùng và thuận lợi này sẽ tạo đà cho hành trình phát triển và định vị lại Colusa - Miliket trên thị trường.
Vì vậy, ngay sau khi được HĐQT bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa - Miliket, ông Ngân đã cho rà soát lại tất cả các máy móc, thiết bị và giao đội ngũ kỹ thuật nghiên cứu để nâng cấp, cải tiến hệ thống sản xuất và thay thế những bộ phận lỗi thời. Ông liên tục có những cải tổ tích cực như ứng dụng công nghệ plasma độc quyền trong ngành chế biến mì, sợi; đưa thương hiệu mì hai tôm đến với người tiêu dùng bằng sản phẩm mới, bao bì mới; đẩy mạnh sản xuất xanh và tăng cường xuất khẩu…
Ông cũng quyết định đầu tư chuyển đổi số với mức chi phí trên 250.000 USD, nhằm giúp Colusa - Miliket chuyển đổi số, tăng hiệu quả làm việc. “Sau khi triển khai phần mềm, nhiều người đánh giá, doanh nghiệp phải mất hai năm để chuyển đổi, tức là đến năm 2025 mới có thể thành công. Tuy nhiên, chưa đến một năm, doanh nghiệp đã áp dụng thành công”, Tổng giám đốc Colusa - Miliket tâm đắc.
Về thị trường nội địa, Colusa - Miliket mở thêm tệp khách hàng mới, đó là kênh Horeca, “đánh” trực tiếp vào dòng khách hàng cao cấp. Ở thị trường xuất khẩu, ông Ngân định hướng, sẽ khai thác mạnh thị trường châu Âu và đi theo con đường sản xuất xanh, nhờ đó lượng khách hàng châu Âu hiện rất ổn định. Ngoài ra, Colusa - Miliket còn xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ Anh, New Zealand, Singapore, Nam Mỹ, Đảo quốc Thái Bình Dương...
Hiệu ứng sau những thay đổi kịp thời là các đối tác nước ngoài đã gia tăng đơn đặt hàng, nhưng Colusa - Miliket chỉ có thể ký hợp đồng với một vài đơn vị, vì khả năng sản xuất chưa đủ đáp ứng. Ông Trần Hoàng Ngân ngay lập tức lên kế hoạch đầu tư thêm nhà máy mới công suất tăng lên gấp đôi hiện tại.
Đồng thời, Colusa - Miliket tập trung định vị lại gần 200 dòng sản phẩm, mỗi loại sẽ hướng đến một phân khúc khách hàng nhất định. Sản phẩm cũng có nhiều thay đổi, bên cạnh mì ăn liền truyền thống, các sản phẩm chế biến khác như phở, cháo ăn liền… và các mặt hàng gia vị như nước tương, tương ớt, nước chấm thực vật… cũng được phát triển thêm.
Chỉ tính trong năm đầu tiên tiến hành đổi mới, sản lượng của doanh nghiệp tăng lên 18.000 tấn, ghi nhận mức tăng trưởng hơn 10% ở thị trường nội địa và 67% ở thị trường xuất khẩu.
Đầu tư chuyển đổi xanh
Việc xuất khẩu thành công và tăng sản lượng vào nhiều thị trường khó tính đã minh chứng cho hướng đi đúng đắn của những doanh nghiệp bền bỉ thực hiện chiến lược sản xuất xanh. Từ đây, chuyển đổi xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, thương mại xanh… trở thành một xu thế phát triển tất yếu của nhiều doanh nghiệp, trong đó có Colusa - Miliket.
Hiện nay, các thị trường trên thế giới đặt ra những yêu cầu cao hơn về sản xuất xanh. Cụ thể, tháng 4/2023, Nghị viện châu Âu thông qua dự luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản như cà phê, ca cao, gỗ và cao su… có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng. Hay từ ngày 1/10/2023, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) bắt đầu đi vào hoạt động…
Ông Trần Hoàng Ngân cho biết, việc đầu tư sản xuất xanh tại Colusa - Miliket đã được triển khai thực hiện từ năm 2009 với mục đích tiết kiệm năng lượng là chủ yếu. Không ngờ, những bước đi cơ bản này đã giúp doanh nghiệp đẩy nhanh hoạt động phát triển xanh trên định hướng của chính mình.
Cụ thể, Colusa - Miliket mạnh dạn đổi mới công nghệ và trang thiết bị trong tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải ra môi trường từ gói chi phí thấp đến chi phí cao, như sử dụng đèn tiết kiệm, lắp đặt đồng hồ kiểm soát điện năng, bẫy hơi thế hệ mới Streamgard, đầu tư lò hơi tầng sôi công nghệ mới Biomax…
Đặc biệt, ngoài sản phẩm mì hai tôm rất quen thuộc và thân thiện môi trường thông qua bao bì giấy, gần đây nhất, Colusa - Miliket là một trong những đơn vị đầu tiên ứng dụng công nghệ plasma vào quy trình sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm khi giúp giảm mùi chua trong sợi phở, hủ tiếu; tăng độ khử khuẩn trong sản phẩm rau củ quả sấy…
Qua ứng dụng công nghệ plasma, Colusa - Miliket đã xây dựng kế hoạch liên kết với vùng nguyên liệu trồng lúa plasma - gạo plasma - sản xuất chế biến sản phẩm sau gạo để thành chuỗi giá trị hàng xuất đảm bảo tiêu chí giảm phát thải. Ngoài cánh đồng lúa, trong năm 2024, Công ty tiếp tục mở rộng sang các vùng trồng liên quan đến gia vị của sản phẩm như hành lá, rau củ… tại Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng và nhân ra các tỉnh khác để nông sản luôn đảm bảo xanh, sạch.
Theo ông Trần Hoàng Ngân, từ đầu năm 2023 đến nay, nguồn vốn mà doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất xanh chiếm khoảng 50% vốn điều lệ. Trong đó, Colusa - Miliket đã cải thiện lò hơi, sử dụng trấu thay cho than đá, đầu tư công nghệ plasma, bao bì giấy… Định hướng phát triển bền vững với mô hình sản xuất xanh, thân thiện môi trường là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp có “tấm vé thông hành” xuất khẩu.
“Ngoài chinh phục thị trường ngoại, nỗ lực vượt qua những ‘hàng rào xanh’ chính là điểm cộng thu hút người tiêu dùng - vốn ngày càng quan tâm và khắt khe hơn với các tiêu chuẩn sản phẩm thân thiện môi trường. Vì vậy, không chỉ đầu tư cho sản xuất xanh, Colusa - Miliket còn lựa chọn các đối tác, người đồng hành có cùng mục tiêu, tư duy”, vị doanh nhân 8X chia sẻ.
Định vị lại thương hiệu
Colusa - Miliket tiền thân là Xí nghiệp Lương thực thực phẩm Colusa và Xí nghiệp Lương thực thực phẩm Miliket. Năm 2004, Tổng công ty Lương thực miền Nam quyết định hợp nhất 2 xí nghiệp trên và đến năm 2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Là một trong những thương hiệu xuất hiện sớm nhất tại Việt Nam, mì hai tôm Miliket được coi là “huyền thoại một thời” của thị trường mì ăn liền. Hình ảnh hai con tôm chụm đầu vào nhau được in trên bao bì sản phẩm là ký ức khó quên của rất nhiều người. Những năm thập niên 1980, mì Miliket có giá 500 đồng/gói - mức được coi là khá đắt đỏ tại thời điểm bấy giờ. Đến những năm thập niên 1990, mì Miliket trở nên phổ biến với mỗi gia đình, thậm chí từng có giai đoạn chiếm tới 90% thị phần mì ăn liền trong nước.
Sau năm 2000, sự gia nhập của nhiều hãng mì ăn liền trong và ngoài nước đã khiến vị thế của Miliket dần mất đi. Tuy nhiên, theo ông Trần Hoàng Ngân, Colusa - Miliket có lợi thế mà không phải “ông lớn” ngành mì nào cũng có được, đó là sức mạnh của thói quen, hoài niệm, ký ức từ người tiêu dùng; sức mạnh từ sản phẩm từng trở thành một phần của nền văn hóa tiêu dùng người Việt…
Từ nền tảng vững chắc đó, ông Ngân cho biết, Colusa - Miliket sẽ khéo léo đưa hương vị truyền thống thân thuộc, bao bì đặc trưng… để tiếp cận lại khách hàng cũ, nhưng với cách làm mới sao cho xứng đáng với sự mong chờ của người tiêu dùng và đối tác. Ngoài ra, Miliket sẽ dành 5 năm vừa nghiên cứu, vừa phát triển các dòng sản phẩm mới lạ, có chất riêng cho người tiêu dùng trẻ như mì vị phô mai, bò nướng, vị Thái Lan, Nhật Bản, Đông Âu…, với bao bì tạo hình theo hướng hiện đại.
Với những giải pháp toàn diện, Colusa - Miliket được kỳ vọng sẽ “thay áo mới” trong tương lai.
Được biết, công nghệ đã giúp Colusa - Miliket nâng thời hạn sử dụng của sản phẩm, thưa ông?
Hiện doanh nghiệp gặp một số khó khăn về thời hạn sử dụng khi xuất khẩu sang các thị trường xa. Do đó, việc áp dụng công nghệ, nâng thời hạn sử dụng lên 8 tháng là giải pháp Colusa - Miliket hướng đến. Đó cũng là lý do Colusa - Miliket ứng dụng công nghệ plasma vào sản xuất các sản phẩm phở từ đầu năm 2023 và các sản phẩm mì từ tháng 11/2023.
Mong muốn lớn nhất của ông khi nhận trách nhiệm chèo lái con thuyền Colusa - Miliket là gì?
Sản phẩm Miliket đã đi vào tiềm thức của thế hệ 5X-7X, nhưng doanh nghiệp không có điểm nhấn đặc biệt để đến với thế hệ tiếp nối. Nếu hài lòng với hiện tại, Miliket sẽ bị lãng quên trong tương lai. Vì vậy, khi về với Colusa - Miliket, mong muốn lớn nhất của tôi là hồi sinh thương hiệu cho thế hệ trẻ biết đến ký ức xưa. Hiện cũng là lúc các sản phẩm ở giai đoạn chất lượng cao nhất để doanh nghiệp có thể tự tin tiếp cận khách hàng mới.