Doanh nhân Trần Văn Hiếu |
Lời giải cho bài toán xử lý rác thải công nghiệp
Cuối tháng 12/2023, giải pháp bê tông nhựa xanh do Công ty cổ phần Lagom Việt Nam và đối tác phát triển được vinh danh trong top 6 của cuộc thi Sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa, do Đoàn Thanh niên Bộ Tài Nguyên và Môi trường phối hợp cùng Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tổ chức.
Đây là giải pháp tiên phong về giảm thiểu phát thải CO2 trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Bằng cách tái sinh mặt đường bê tông nhựa cũ và phối trộn cùng các vật liệu mới theo tỷ lệ 50/50, sản phẩm bê tông nhựa xanh của Lagom Việt Nam giúp giảm một nửa vật liệu đầu vào, giảm 25% năng lượng, giảm 27% lượng phát thải CO2 so với việc sử dụng bê tông nhựa truyền thống từ đá, cát, nhựa đường.
Xuất thân từ ngành xây dựng, ông Hiếu hiểu rõ rằng, để đầu tư xây dựng, hình thành hệ thống đường giao thông bắt kịp tốc độ phát triển, Việt Nam sẽ phải tiêu tốn nguồn tài nguyên khổng lồ. Ước tính, trong vòng 5 năm tới, Việt Nam cần khoảng 5 triệu tấn nhựa đường và 100 triệu tấn đá để đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống đường bộ quốc gia.
Hoạt động khai thác đá để làm đường sẽ làm biến mất hàng trăm ngọn núi, còn việc sử dụng nhựa đường sẽ để lại những tác động xấu đến môi trường. Sau một thời gian sử dụng, mặt đường bê tông nhựa cũ bị hư hỏng sẽ trở thành rác thải công nghiệp, đòi hỏi quy trình xử lý phức tạp và tốn kém.
“Các quốc gia đi trước đã đối mặt với bài toàn này. Ở Việt Nam, 5 - 10 năm tới, chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy rất rõ”, vị doanh nhân 8x chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề, Lagom cùng đối tác đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các giải pháp trên thế giới và điều chỉnh phù hợp với tình hình Việt Nam. Giải pháp bê tông nhựa xanh hướng đến tính tuần hoàn của vật liệu. Cụ thể, khi mặt đường cũ bị lão hóa, hư hỏng, sẽ được cào bóc, đưa về trạm trộn để tái sinh thành bê tông nhựa xanh, với tính năng kỹ thuật hoàn toàn không thua kém mặt đường bê tông nhựa mới.
Giải pháp bê tông nhựa xanh với tỷ lệ tái sinh 50% của Lagom Việt Nam đã được Bộ Giao thông - Vận tải đồng ý cho thí điểm tại một số công trình và đang có kế hoạch đưa vào sử dụng chính thức. Doanh nghiệp và các đối tác vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để nâng tỷ lệ tái sinh của sản phẩm, có thể lên tới 75%.
“Bê tông nhựa xanh là xu hướng tất yếu đã được thế giới lựa chọn. Không có lý do gì Việt Nam nằm ngoài xu thế này”, ông Hiếu khẳng định.
Từ vỏ hộp sữa, Lagom Việt Nam phối hợp thêm rác thải nhựa và phụ gia để chế tạo các sản phẩm bàn, ghế phục vụ cộng đồng |
Phát triển mô hình kinh doanh tuần hoàn
Bên cạnh bê tông nhựa xanh, Lagom Việt Nam còn nghiên cứu thu gom và tái chế các loại vỏ bao bì như vỏ hộp sữa, vỏ lon nhôm, vỏ chai nhựa, rác nhựa hỗn hợp giá trị thấp...
Được thành lập từ năm 2019, Lagom Việt Nam xây dựng mô hình doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Tên gọi Lagom xuất phát từ triết lý sống của người Thụy Điển, có nghĩa là không quá nhiều, không quá ít, chỉ vừa đủ.
- Doanh nhân Trần Văn Hiếu
“Lối sống biết đủ giúp chúng ta có được cuộc sống cân bằng và hạnh phúc. Bằng cách giảm đến mức tối thiểu các nhu cầu không cần thiết, chúng ta cũng giảm được đáng kể lượng rác thải phát sinh ra môi trường”, ông Hiếu chia sẻ về lý tưởng hoạt động của Lagom Việt Nam.
Rút kinh nghiệm từ sự thất bại của các dự án thu gom rác thải trước đây do không đồng bộ và thường bị đứt gãy trong quá trình hoạt động, ông cùng đội ngũ Lagom Việt Nam đã phát triển mô hình kinh doanh tuần hoàn với 5 hợp phần, gồm: giáo dục, truyền thông, chính sách - phân loại tại nguồn - thu gom, vận chuyển hiệu quả - tái chế, xử lý đúng cách và ứng dụng, tiêu thụ sản phẩm tái chế.
Dự án Phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại 1.000 trường học trên địa bàn TP. Hà Nội - dự án khởi đầu của Lagom đã ngay lập tức lan tỏa tác động rộng rãi trong xã hội.
Dưới sự tuyên truyền, hướng dẫn của Lagom và các giáo viên, các em học sinh sau khi sử dụng sữa tươi sẽ làm xẹp vỏ hộp, xếp gọn gàng vào túi thu gom. Định kỳ 2 tuần/lần, Lagom đến các trường thu gom rồi chuyển về tổng kho để xử lý, ép kiện và chuyển đến nhà máy tái chế. Tại đây, vỏ hộp sữa được tách thành bột giấy và hỗn hợp nhôm nhựa. Bột giấy được làm thành giấy, còn hỗn hợp nhôm nhựa được tái chế thành các sản phẩm nội, ngoại thất như thùng rác, bàn, ghế, gạch, ngói...
“Rác thải không hẳn là tài nguyên. Chỉ khi được phân loại tài nguồn và được tái chế đúng cách, thì rác thải mới trở thành tài nguyên, còn không, rác thải là một vấn nạn của xã hội”, ông Hiếu chia sẻ quan điểm.
Sau hơn 4 năm triển khai Dự án Phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa, Lagom đã tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường, hình thành thói quen phân loại rác cho hơn 1 triệu học sinh của 2.000 trường học trên khắp cả nước. Từ thành công này, doanh nghiệp mở rộng hoạt động ra nhiều cộng đồng dân cư, siêu thị, văn phòng, khu công nghiệp… thông qua việc kết hợp với các tập đoàn lớn như Tetra Pak, Nestle, TH, AEON…
Đến nay, Lagom Việt Nam đã có 2 trung tâm phân loại rác tại Hà Nội và TP.HCM, cùng hệ thống máy móc, thiết bị, xe vận chuyển và đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản. Toàn bộ số liệu thu gom được thống kê, đồng bộ và quản lý trên ứng dụng Platform Lagom Collect do đơn vị tự phát triển, nhằm đảm bảo tính chính xác, rõ ràng, minh bạch, đồng thời giúp giảm chi phí quản lý, giảm sử dụng giấy cho việc ghi chép, in ấn, báo cáo.
Rác thải được xử lý và chế tạo thành các sản phẩm mới, sau đó được Lagom và các đối tác trao tặng lại cho các trường học, cộng đồng dân cư, không gian công cộng.
Năm 2022, Lagom Việt Nam mở rộng danh mục sản xuất với sản phẩm móc treo quần áo Ecohanger đầu tiên trên thế giới làm từ vỏ hộp sữa tái chế. Nổi bật bởi vẻ ngoài sang trọng, độ bền cao, sản phẩm móc treo của Lagom được trao Giải thưởng sáng tạo tại Đức và đã được một số thương hiệu thời trang Việt Nam đưa vào sử dụng.
Cần lực đẩy từ chính sách
Việt Nam đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, với những ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí và hỗ trợ đất đai. Tuy nhiên, theo đại diện Lagom Việt Nam, chừng ấy là chưa đủ để hoạt động tái chế, xử lý rác thải phát huy hết tính hiệu quả. Đơn cử, trong mô hình 5 hợp phần của Lagom, chỉ có hợp phần thứ 5 (ứng dụng, tiêu thụ sản phẩm tái chế) mang lại doanh thu, còn các hợp phần khác đều đòi hỏi doanh nghiệp bỏ chi phí.
Ngoài ra, từ thực tế triển khai dự án, ông Hiếu nhận thấy, không ít người Việt vẫn lo ngại về tính an toàn của sản phẩm tái chế, nên họ không muốn sử dụng. Bởi vậy, ông Hiếu mong muốn Chính phủ có chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm tái chế ở nơi công cộng, ví dụ, đặt các bộ bàn ghế, thùng rác làm từ vật liệu tái chế tại công viên, trường học; dùng gạch tái chế để lát vỉa hè…
Giải pháp bê tông nhựa xanh của Lagom Việt Nam được nhiều nhà đầu tư hạ tầng giao thông, nhà đầu tư bất động sản quan tâm vì phù hợp với chiến lược phát triển xanh, song để được ứng dụng rộng rãi, rất cần chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và cụ thể của Chính phủ, như khuyến khích các công trình giao thông sử dụng vật liệu tái chế với tỷ lệ nhất định; ưu đãi về vốn vay, thủ tục đầu tư cho các đơn vị sản xuất bê tông nhựa xanh; ưu đãi về thuế với nhóm nhà đầu tư đi theo hướng phát triển xanh, sẵn sàng sử dụng sản phẩm tái chế...
Chỉ khi chính sách thuận lợi và lực cầu đủ lớn, Lagom Việt Nam cũng như các doanh nghiệp lựa chọn giải pháp sản xuất xanh mới mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Đối tác của chúng tôi đã tích lũy đủ tư liệu sản xuất dòng bê tông nhựa xanh cho 20 - 30 năm tới. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang rất quan tâm đến giải pháp này. Doanh nghiệp đang rất cần lực đẩy về chính sách”, ông Hiếu bày tỏ.