Doanh nghiệp
Doanh nhân Trịnh Thành Nhơn, nhà sáng lập kem đánh răng Dạ Lan: “Tôi muốn nói về sự hồi sinh”
Hồng Phúc - 13/03/2020 10:10
Ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm quốc tế (ICC) đã từng nói, ông thật may mắn vì có cơ hội “tái sinh Dạ Lan” một lần nữa. Và giờ, ông chỉ muốn nói về sự hồi sinh của Dạ Lan và có thể của chính ông cũng như từng thành viên trong gia đình.
Doanh nhân Trịnh Thành Nhơn, nhà sáng lập kem đánh răng Dạ Lan.

Nghề của cuộc đời

Nhiều người đang rất muốn biết nhiều hơn về những năm tháng vàng son của Dạ Lan; hay nói đúng là tò mò về giá trị hàng triệu USD thương vụ liên doanh giữa thương hiệu này với Colgate vào năm 1995, rồi bán hẳn cho Colgate vào năm 1998, dù ông Nhơn buộc phải gọi đó là “bài học xương máu” khi để mất thương hiệu Dạ Lan.

Nhưng, ông gạt đi hết, bởi “các câu chuyện ấy đã kể hoài mấy chục năm nay, không mang lại giá trị gì cho độc giả”. Bản thân ông cũng không muốn mô tả về một bóng ma hay kể về sự hồi sinh chung chung của một thương hiệu.

Điều ông muốn nói nhiều hơn lúc này là về gia đình mình, về người vợ chưa một lần kêu khó, kêu khổ, về những người con đang cùng ông hồi sinh và viết tiếp câu chuyện dài của Dạ Lan.

“Nếu không có gia đình, không thể có thành công của Dạ Lan thời vàng son, cũng không thể có Dạ Lan bây giờ”, ông Nhơn nói.

Đầu năm 2009, hơn 10 năm sau khi các giao kết giữa ông và Colgate hết hiệu lực, ông quyết định thành lập ICC để làm lại kem đánh răng Dạ Lan. Đúng lúc này, hồ sơ xin định cư Canada của gia đình ông được chấp thuận.

“Thời ấy, hai vợ chồng phải thay nhau qua lại hai nơi để quản lý nhà máy và trông coi 3 đứa con. Chúng tôi nộp hồ sơ định cư chỉ vì muốn con cái có điều kiện học hành hơn, chứ không phải để chọn cuộc sống an nhàn, không phải để bỏ nghề của cuộc đời là sản xuất”, ông Nhơn tâm sự.

Cách đây 4 năm, khi con cái tốt nghiệp đại học, hai vợ chồng ông quyết định ở lại Việt Nam...

Đây là lần đầu tiên, ông chia sẻ về những điều riêng tư, về cả quyết định không theo đuổi các điều kiện để trở thành công dân Canada mà nhiều người nói ông dại. Thậm chí, vợ ông cũng từng khuyên ông trở lại Canada, vì thấy ông vất vả quá.

“Ở Việt Nam, tôi mới có thể làm được nghề của đời tôi là sản xuất. Ở Việt Nam, tôi mới vực dậy được sản phẩm từng được rất nhiều người dùng thương này cho thế hệ sau. Ở đây, tôi mới không cảm thấy phụ lòng thế hệ khách hàng từng mang đến nguồn sống cho Dạ Lan hơn 30 năm trước”, ông kể.

Mặc dù không muốn nhắc nhiều, nhưng ông Nhơn không quên chuỗi những tháng ngày những năm 1988, hai vợ chồng ông chở nhau trên chiếc Honda chạy từ Chợ Lớn (giờ là quận 6, TP.HCM) đến trung tâm thành phố để tìm chỗ bán kem đánh răng Dạ Lan. Họ luôn bên nhau, kể cả không ít lần cả nhà đứng bên bờ vực phá sản cũng như khi kem đánh răng Dạ Lan trở thành “thương hiệu quốc dân”, như cách nói của giới trẻ bây giờ, vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước.

“Cả khi tôi quyết định sai hay quyết định làm lại từ đầu, bà ấy luôn ở cạnh cùng giải quyết”, ông Nhơn nói và tự nhận bản thân chẳng tài ba gì nếu không có sự đồng lòng, ủng hộ của vợ ông, của gia đình, của nhiều người.

Thử thách những đam mê

Hai người con trai lớn đã về Việt Nam, cùng làm việc tại ICC với ông Nhơn. Một người quản lý nhà máy, người còn lại phụ trách bán hàng. Còn cô con gái vừa tốt nghiệp chuyên ngành marketing, ông Nhơn đang vận động về Việt Nam, cùng tham gia vào Công ty.

Ở tuổi 66, người sáng lập thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan có vẻ như yên tâm hơn khi trên con đường thực hiện sứ mệnh tự nhận là hồi sinh Dạ Lan khi có những đứa con bên cạnh.

Tất nhiên, không phải mọi việc đều thuận lợi, nhất là khi niềm đam mê của những đứa con luôn là điều được ông tôn trọng và khuyến khích.

Khi người con trai lớn về Việt Nam, kế hoạch đầu tiên là mở nhà trẻ, nhưng tính tới tính lui, rồi lại thôi. Phải mất cả năm ròng để gạt đi những mộng mơ, thực sự đối mặt với những thách thức, khó khăn của nghề sản xuất, thành viên này mới dần bắt nhịp công việc.

“Các con tôi có thể không học được bài học kinh doanh từ tôi, nhưng tôi tin là chúng học từ thực tế, qua các vị trí trợ lý giám đốc nhà máy, giám đốc bán hàng trong Công ty, để từ đó thấy sự đam mê trong công việc đang làm”, ông Nhơn chia sẻ.

Nếu con tôi muốn mua căn nhà này hay chạy chiếc xe hơi kia, tôi chỉ cho tiền trả lần đầu, còn tiền góp hàng tháng, chúng phải tự trả. Tôi cũng đã lập di chúc, nếu tôi chết, người thừa hưởng mọi tài sản là bà xã tôi và ngược lại. Đến khi cả hai chúng tôi không còn, mới chia đều cho 3 đứa con.

Doanh nhân Trịnh Thành Nhơn

Thực ra, không phải đến giờ các con ông mới được học về sự nghiệp của hai vợ chồng ông, về khát vọng đưa Dạ Lan hồi sinh. Hơn 30 năm trước, ông đã đưa các con, khi đó còn rất nhỏ, rong ruổi cùng mình trên mọi cung đường, dù đi tìm thị trường từ Nam ra Bắc hay làm việc với bạn hàng.

Thế nên ông tin, Dạ Lan đã là máu thịt của từng thành viên trong gia đình, bất kể thành viên nào, chỉ cần có đất, sẽ niềm đam mê sẽ nẩy mầm, đơm hoa.

Nhưng cho tới thời điểm này, dù các con đang bắt đầu thích thú với nghề của gia đình, ông Nhơn vẫn chưa thể “về hưu”. Ông chưa tuyên bố ai là người có khả năng kế thừa mình. Công ty hiện giờ chỉ thuộc sở hữu của vợ chồng ông Nhơn. Các con vẫn đang trong vai trò người làm công, ăn lương. Nếu con bán hàng giỏi, ông sẵn sàng cho mượn vốn, lập công ty riêng, để bán sản phẩm Dạ Lan...

“Nếu chia cổ phần, lỡ anh em chúng bất hoà với nhau thì dở lắm. Chúng không còn nhỏ về tuổi tác, nhưng nếu chia sẻ cổ phần quá sớm, không biết chúng có đam mê hay không rồi sinh ra hư chuyện. Ở tuổi này, nếu không rèn dũa, đào tạo, hướng dẫn người kế thừa, nếu có chuyện gì xảy ra, sẽ rất khó cho thế hệ sau để giữ nhịp tiếp nối kinh doanh”, ông Nhơn chia sẻ.

Tài sản ông dành cho các con không phải chiếc xe hơi hay căn biệt thự, mà chính là thương hiệu Dạ Lan - tài sản vô hình đáng giá cả đời ông đã gây dựng lên từ con số không, biến nó thành hơi thở cho cuộc sống của mình, nuôi dưỡng nó qua thăng trầm và đã vài lần đưa nó trở lại từ “cõi chết”.

Hiện tại, kem đánh răng Dạ Lan của ICC đã có gần 10 loại, tập trung sản phẩm dành cho gia đình, có mặt ở LotteMart, đang tìm cách lên kệ ở các kênh Co.op Mart, Emart, Bách Hóa Xanh và cả Vinmart. Ông Nhơn cũng tiết lộ và kỳ vọng khá lớn vào kênh bưu điện với hơn 10.000 điểm bán và còn nhiều mảnh thị trường ông đang tìm kiếm...

Trong khi đó, ở mỗi ngóc ngách của các khu xưởng sản xuất đến khu văn phòng, từng thành viên trong gia đình ông luôn có mặt và không nề hà việc gì để Dạ Lan hồi sinh. Niềm đam mê với Dạ Lan, với sự nghiệp kinh doanh trong từng thành viên gia đình đang được tiếp nối...

Chuyện của gia đình ông Trịnh Thành Nhơn

Vợ ông Nhơn thường tự lái xe máy từ nhà ở quận 2 lên nhà máy ở Bình Dương vào mỗi 7 giờ sáng và trở về nhà khoảng 5 giờ chiều.

Ông Nhơn cũng tự lái xe, không thuê tài xế. Gia đình chỉ thuê thợ làm vườn, không thuê người giúp việc. Quần áo ai, tự người ấy giặt, ủi. Tối, hai vợ chồng chờ nhau, chở nhau đi ăn.

“Con cái thấy cha mẹ tự lau nhà, tự ủi đồ, chúng sẽ không thể dửng dưng, thấy cần phải tự làm công việc của mình, tự nỗ lực và phải chịu khó, từ đó thành thói quen”, ông Nhơn chia sẻ.

Dù thuận vợ, thuận chồng, nhưng theo ông, cần giữ quy tắc bất dịch trong gia đình mình là 1 trong 2 người phải có người ra quyết định. Ai quyết định không quan trọng bằng việc quyết định được đưa ra, phải có sự đồng lòng của cả hai người. Chồng “nóng” thì vợ phải “nguội” và ngược lại.
Tin liên quan
Tin khác