Doanh nhân
Doanh nhân Việt và tinh thần “hiệp đồng tác chiến”
Toàn Quân - 22/12/2014 07:06
Dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh sau khi dành gần 30 năm trong Quân đội, ông Phan Văn Quý, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đại biểu Quốc hội khóa XIII luôn trăn trở về tinh thần hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Phóng viên Báo Đầu tư trò chuyện với ông nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014).
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Chủ tịch Hồ Chí Minh với doanh nhân Việt Nam
Điểm mặt những gia tộc kinh doanh nổi tiếng Việt Nam
Doanh nhân Phan Văn Quý: Từ thương trường tới nghị trường

Những ngày này, khi cả nước tưng bừng kỷ niệm ngày truyền thống của Quân đội, hẳn ông cũng có những hồi tưởng về một thời bão lửa, gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc?

Hàng năm, khi đến những ngày này, không riêng gì tôi, mà nhân dân cả nước đều hướng về những năm tháng hào hùng của dân tộc, ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

 Ông Phan Văn Quý, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đại biểu Quốc hội khóa XIII 

Đây cũng là dịp để chúng tôi tưởng nhớ về những đồng đội đã anh dũng hy sinh, ôn lại những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội trong mưa bom, bão đạn, về tình quân - dân, tinh thần quyết chiến - quyết thắng…

Được tôi luyện từ cái nôi Quân đội, được trải nghiệm thực tiễn cả thời chiến lẫn thời bình, ông nhận thấy tố chất nào đã giúp ông thành công trên thương trường?

Chiến trường và thương trường có điểm chung là đều khốc liệt. Tinh thần quyết chiến - quyết thắng là phương châm, là động lực của mỗi đơn vị, mỗi chiến sĩ. Để đảm bảo được thắng lợi cuối cùng, mỗi chiến sĩ, mỗi đơn vị phải biết hiệp đồng tác chiến một cách khoa học và chặt chẽ...

Tinh thần quyết chiến - quyết thắng được chuyển hóa thành tư duy nhanh nhạy trong phân tích, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành... Và trên thương trường, chúng tôi cũng không quyết liệt để tìm kiếm thành công bằng mọi giá, mà tìm kiếm hiệu quả kinh doanh bằng lối tư duy riêng biệt, đầu tư vào các lĩnh vực mà Nhà nước cần, bằng sự chia sẻ cơ hội thành công với đối tác, bạn hàng và chia sẻ lợi nhuận cho hoạt động từ thiện, xã hội...

Đối với Tập đoàn Thái Bình Dương, ông phát triển tinh thần “hiệp đồng tác chiến” trên thương trường như thế nào?

Có được như ngày hôm nay, tôi rất biết ơn sự rèn luyện, đào tạo của Quân đội. Những bài học từ thời trong quân ngũ đã giúp tôi vận dụng vào việc quản trị, điều hành doanh nghiệp. Với tinh thần “hiệp đồng tác chiến”, trong thời gian qua, chúng tôi đã mở rộng hợp tác trên một số lĩnh vực với các đối tác có nhiều thế mạnh, như hợp tác với đối tác của châu Âu, Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp; hợp tác với đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam trong lĩnh vực tổng thầu EPC; hợp tác với đối tác Hàn Quốc, Việt Nam trong lĩnh vực địa ốc…

Trải qua chiến trường, dấn thân vào thương trường, còn cái duyên đến với nghị trường thì xuất phát từ đâu, thưa ông?

Cơ duyên trở thành đại biểu Quốc hội khóa XIII là từ một lần tôi đến thăm thủ trưởng cũ - Tướng Đồng Sỹ Nguyên (nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - nay là Chính phủ). Thủ trưởng đã động viên tôi ứng cử đại biểu Quốc hội để có cơ hội học tập và đóng góp thêm. Sau nhiều ngày trăn trở, tham khảo ý kiến của bạn bè, đồng đội, tôi quyết định tự ứng cử tại quê hương Nghệ An và tôi đã được cử tri tin tưởng, tín nhiệm.

Tại nghị trường Quốc hội, tôi có tham gia đóng góp một số ý kiến, chủ yếu là những vấn đề liên quan đến kinh tế, quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội… Cùng với ý kiến của nhiều đại biểu khác, một số nội dung đóng góp đã được Quốc hội ghi nhận.

Từ trải nghiệm của người lính chiến trường, doanh nhân trên thương trường và nghị trường Quốc hội, ông có điều gì chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, một trong những bài học sâu sắc quyết định thắng lợi của Việt Nam là tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần hiệp đồng tác chiến và tinh thần quyết chiến - quyết thắng. Tôi nghĩ rằng, trên thương trường, tinh thần hợp tác cũng là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp.

Chúng ta không thiếu bài học về tinh thần hợp tác của “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận làm kinh tế. Nhiều tấm gương cựu chiến binh thành công trong phát triển kinh tế đã chia sẻ, hỗ trợ đồng chí, đồng đội mình về kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Chúng ta cũng có nhiều doanh nghiệp quân đội thành công trên thương trường. Trong đó, có nguyên nhân từ sự hóa thân tinh thần hợp đồng tác chiến, tinh thần quyết chiến - quyết thắng của người lính năm xưa trên mặt trận kinh tế.

Bên cạnh đó, vẫn còn những doanh nghiệp làm ăn kiểu “chụp giật”, cạnh tranh thiếu lành mạnh…, làm giảm uy tín chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tạo ra hình ảnh xấu trong mắt bạn bè, đối tác nước ngoài.

Hiện nay, thể chế đã được Đảng, Nhà nước và Quốc hội đổi mới cơ bản và toàn diện. Còn lại doanh nghiệp, doanh nhân phải làm gì? Tôi cho rằng, nếu không có tinh thần hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, thì chúng ta khó xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp - doanh nhân mạnh, đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế.

Tin liên quan
Tin khác