Doanh nhân Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco. |
1.
Đầu tháng 11/2023, Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) ký kết hợp đồng nguyên tắc để hợp tác xây dựng Nhà máy Sản xuất, lắp ráp ô tô.
Dự án được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn I (2023 - 2030), xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô với quy mô 50.000 xe/năm. Giai đoạn II (2031 - 2033), sau khi hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, tiến hành đầu tư thêm dây chuyền sản xuất 50.000 xe/năm để nâng công suất của Nhà máy lên 100.000 xe/năm. Giai đoạn III (2034 - 2035), Tập đoàn sẽ đầu tư thêm dây chuyền sản xuất 100.000 xe/năm để nâng công suất toàn Nhà máy lên 200.000 xe/năm.
Tổng vốn đầu tư cho 3 giai đoạn của Dự án, chưa bao gồm đầu tư khu công nghiệp phụ trợ, ước tính khoảng 800 triệu USD. Với dự án này, liên doanh sẽ tạo ra khoảng 10.000 việc làm.
Dự kiến, Tập đoàn Geleximco sẽ khởi công xây dựng Nhà máy vào quý II/2024, hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn I vào quý III/2025 và ra mắt sản phẩm tại Việt Nam vào quý IV/2025.
Lễ ký kết hợp tác đầu tư Dự án đã cho thấy vai trò nổi bật của ông Vũ Văn Tiền và một lần nữa khẳng định đam mê cũng như tầm nhìn xa của ông khi đầu tư vào công nghiệp.
“Mỗi dự án công nghiệp mở ra thường đem lại nhiều việc làm và đóng góp lớn cho địa phương”, ông Tiền chia sẻ, đồng thời cũng để trả lời câu hỏi mà nhiều người hay đặt ra với ông: “Làm công nghiệp vất vả và đòi hỏi sự dấn thân, sao ông vẫn quyết tâm làm?”.
Trong giai đoạn khó khăn của các nền kinh tế trên toàn cầu và cả ở Việt Nam hiện nay, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế - TS. Võ Trí Thành, các nhà quản lý, tạo lập chính sách lại đặt mối quan tâm trở lại với phát triển công nghiệp. Thực tế cũng chứng minh, công nghiệp hiện đại luôn là gốc rễ của sự phát triển dài hạn và bền vững.
“Thời đại ngày nay, chúng ta phải sống với rủi ro, bất định và khó lường. Nhưng không chấp nhận rủi ro, thì không tiến lên được”, TS. Võ Trí Thành nói, không giấu sự cảm phục với những doanh nghiệp luôn dám quản trị rủi ro và chấp nhận rủi ro để đầu tư lớn, đầu tư mới.
Thực ra, Geleximco không phải “tân binh” trong lĩnh vực công nghiệp. Trước đó, Tập đoàn đã liên doanh với Honda đầu tư xây dựng Nhà máy Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam (VAP) tại xã Như Quỳnh (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD. Đây là một trong những mô hình hợp tác thành công đầu tiên giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp.
Một dự án công nghiệp khác rất thành công của Geleximco là Nhà máy liên doanh Sản xuất mỳ ăn liền Vifon - Acecook và Nhà máy Sản xuất bao bì phục vụ Nhà máy Sản xuất mỳ ăn liền cũng như xuất khẩu tại huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên).
Không chỉ ở các dự án hợp tác liên doanh với nước ngoài, Geleximco cũng rất tự tin khi đứng một mình trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Tập đoàn đã xây dựng Nhà máy Sản xuất bột giấy An Hòa và Nhà máy Giấy An Hòa tại huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), tổng mức đầu tư của 2 dự án gần 450 triệu USD.
Sự xuất hiện của Nhà máy Giấy An Hòa - dự án công nghiệp đầu tiên tại một huyện miền núi nghèo của tỉnh Tuyên Quang - đã góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và các tỉnh lân cận.
Từ nhiều năm trước, nhìn thấy nhu cầu lớn của thị trường về vật liệu xây dựng với một đất nước đang phát triển, Geleximco đã đầu tư Dự án Nhà máy Xi măng Thăng Long. Nhà máy có tổng vốn đầu tư lên tới 350 triệu USD, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, công suất thiết kế 6.000 tấn clinker/ngày (2,3 triệu tấn xi măng/năm). Ngày 18/12/2008, sản phẩm xi măng đầu tiên của Nhà máy Xi măng Thăng Long ra mắt và được thị trường đón nhận.
Thành công, Geleximco tiếp tục đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long, với 2 tổ máy, tổng mức đầu tư 900 triệu USD, diện tích gần 125 ha tại xã Lê Lợi (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Năm 2018, Nhà máy chính thức vận hành thương mại.
Có thể nói, đón bắt cơ hội, đầu tư phát triển đường dài, tích lũy tư bản bền vững không chỉ là đam mê, mà đã trở thành sở trường của ông Tiền. Nhưng với ông, giờ đây, mục đích đầu tư sản xuất, kinh doanh không chỉ là làm cho mình, cho gia đình hay cho Tập đoàn của mình, mà còn góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế, phát triển đất nước. “Nếu mỗi doanh nghiệp tự thỏa mãn, thì động lực tăng trưởng sẽ bị triệt tiêu”, ông luôn nói như vậy.
Tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Tập đoàn Geleximco mới đây, Chủ tịch Vũ Văn Tiền chia sẻ với các đối tác, bạn bè: “Có những lúc sa cơ, thất thế, có những lúc gặp khủng hoảng, khó khăn, song với niềm tin và ý chí quyết tâm, chỉ có tiến, không lùi, tôi đã cùng tập thể vượt qua tất cả”.
2.
Chia sẻ về hành trình sắp tới của doanh nghiệp, ông Tiền cho biết: “Geleximco đã phát triển, nhưng trong thời đại công nghệ và chuyển đổi số hiện nay, Tập đoàn phải cố gắng hơn nữa, phải có khát vọng to lớn hơn nữa, có quyết tâm hơn nữa để phát triển ngày càng hùng mạnh, có thể sánh vai với các doanh nghiệp nước ngoài, cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển nền kinh tế nước nhà thịnh vượng”.
- Doanh nhân Vũ Văn Tiền
Ông luôn mong muốn Việt Nam có những doanh nghiệp lớn, không chỉ so với nhau ở trong nước, mà phải sánh được với cộng đồng kinh doanh trong khu vực và xa hơn là toàn cầu. Trong câu chuyện về các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nhân Việt Nam, ông thực sự trân trọng và đánh giá cao những doanh nhân luôn lăn xả vào công việc, dám nghĩ, dám làm, để từ đó, Việt Nam có những tên tuổi có thể bước ra, so được với thế giới.
Ngay cả trong những giai đoạn kinh doanh khó khăn, thậm chí có những lúc môi trường kinh doanh không thuận, làm nản lòng những người mạnh mẽ nhất, nhưng doanh nhân Vũ Văn Tiền chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ.
“Xã hội phân công nhiều ngành nghề, lĩnh vực, nhưng cuối cùng đều có mục đích chung là vươn tới những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống, cống hiến cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước tươi đẹp hơn. Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ mệt mỏi và muốn dừng lại. Dù tình huống có khó khăn, thách thức đến mức nào cũng không được phép đầu hàng, ngay cả trong suy nghĩ”, ông Tiền nói.
3.
Sau hơn 35 năm đổi mới, những doanh nghiệp khởi nghiệp hơn 30 năm trước như Geleximco đã vươn tầm và có vị thế thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực kinh tế tư nhân. Những doanh nhân tâm huyết như ông Tiền được ví như những hạt giống tốt, là lực lượng tiên phong, dẫn dắt thế hệ đi sau.
Tất nhiên, thời đại lịch sử mỗi lúc mỗi khác, những yêu cầu mới trong quản trị doanh nghiệp hiện nay có thể khác, nhưng tinh thần, bản lĩnh của những người dẫn dắt, chèo lái doanh nghiệp vẫn đòi hỏi ở mức rất cao, phải được trui rèn từ thương trường khốc liệt.
Như nhiều doanh nhân thế hệ đổi mới đầu tiên, ông Tiền mơ ước, Việt Nam có vài trăm, vài ngàn doanh nhân, doanh nghiệp có thể vươn tầm khu vực và thế giới; cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tiến bộ hơn về chất và tạo được vị thế không chỉ cho doanh nhân Việt Nam, mà cho cả đất nước. Đó là mục tiêu xứng đáng mà họ tiếp tục phấn đấu.
Năm 2024 và xa hơn, giới doanh nhân phải đối diện với những thách thức mới, nhưng cũng có cơ hội rất lớn để phát triển, đột phá, đưa đất nước đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên tiến trên thế giới. Đó là nhiệm vụ rất nặng nề.
“Chúng ta đã đoàn kết, phải đoàn kết hơn nữa; đã dấn thân, phải dấn thân hơn nữa; đã xung phong, phải xung phong hơn nữa; đã giúp cộng đồng, thì phải giúp nhiều hơn”, ông Tiền nhấn mạnh.
Đó cũng là lý do vì sao, dù đã thành danh, ông Vũ Văn Tiền cũng như nhiều doanh nhân nổi tiếng khác vẫn ngày đêm lao động, trăn trở, ấp ủ nhiều kế hoạch, dự án mới.