Nhà máy Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng là dự án được FECON "dồn lực" trong năm 2021 và đã được công nhận vận hành thương mại trước 31/10, qua đó được hưởng giá ưu đãi cho điện gió trên bờ |
CTCP FECON (mã FCN - HoSE) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 với doanh thu thuần đạt 868,4 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do giá vốn tăng 12% nên công ty ghi nhận lãi gộp 93,6 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, FECON ghi nhận doanh thu tài chính 10,8 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ. Chi phí lãi vay 35,8 tỷ đồng, tăng 39,1%; chi phí quản lý doanh nghiệp 38,9 tỷ đồng, giảm 22%.
Trừ đi các chi phí, FECON ghi nhận lãi trước thuế 24,3 tỷ đồng, lãi sau thuế 20,2 tỷ đồng, giảm 56,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 18,7 tỷ đồng.
Giải trình kết quả kinh doanh, FECON cho biết, trong quý III/2021, các chỉ thị của Chính phủ và chính quyền địa phương về giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Coviđ-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai các dự án, dẫn đến phát sinh nhiều chi phí như máy móc, nhân công chờ việc, xét nghiệm, cách ly...
Ngoài ra, giá nguyên vật liệu tăng mạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí, giảm lợi nhuận gộp trong kỳ.
Về chi phí lãi vay, FECON cho biết do tiến độ thu tiền các dự án bị chậm làm tăng thời gian vay vốn, đồng thời tiến độ triển khai đợt phát hành cổ phần riêng lẻ chậm hơn so với kế hoạch ban đầu.
Điểm tích cực và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 22% so với cùng kỳ nhờ việc công ty đang tích cực triển khai các giải pháp để tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp ở công ty mẹ và các đơn vị thành viên. Đây là yếu tố tích cực giúp giảm bớt mức giảm của lợi nhuận sau thuế trong kỳ.
Lũy kế 9 tháng, FECON ghi nhận doanh thu thuần 2.209 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi ròng 71 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ.
Năm 2021, FECON đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 3.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng. Như vậy, FECON đã hoàn thành 57% chỉ tiêu doanh thu và 40% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tại thời điểm 30/9/2021, FECON ghi nhận tổng giá trị tài sản đạt hơn 7.599 tỷ đồng, tăng 12% so với thời điểm đầu năm.
Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn tại thời điểm cuối quý III của FECON chỉ còn 2.647 tỷ đồng, giảm mạnh 33% so với đầu năm. Cần nhắc lại, vấn đề thu hồi công nợ, bị chiếm dụng vốn của FECON là nội dung thường bị các cổ đông chất vấn HĐQT mỗi kỳ đại hội. Với giá trị phải thu giảm mạnh, có thể thấy FECON đã khắc phục tình trạng này hiệu quả.
Trong 9 tháng, hàng tồn kho của FECON tăng mạnh 90% lên 1.957 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng lên 1.051 tỷ đồng, chủ yếu do ghi nhận giá trị dự án điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng.
Tại thời điểm 30/9/2021, nợ của FECON đạt 5.033 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm, chủ yếu do tăng nợ vay tài chính dài hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 2.566 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm.
Trong quý IV, FECON dự kiến hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 320 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư tổ chức với giá chào bán 13.000 đồng/cổ phần. Số tiền thu được (416 tỷ đồng, chưa trừ các chi phí) sẽ được FECON sử dụng để nâng cao năng lực tài chính, nhằm tài trợ cho các dự án trong tương lai, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo, bổ sung vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về triển vọng từ nay đến cuối năm, FECON hồi đầu tháng 9 đã công bố trúng 3 gói thầu mới với tổng giá trị 381 tỷ đồng tại các dự án quy mô lớn, nâng doanh số hợp đồng ký mới của FECON từ đầu năm đến nay lên đến gần 2.000 tỷ đồng, đồng thời sẽ đóng góp vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, với việc Nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng chính thức được công nhận vận hành thương mại (COD) trước ngày 31/10/2021, Dự án chính thức được hưởng giá ưu đãi cố định (giá FIT) cho điện gió trên bờ là 8,5 cents/ kWh (khoảng 1.927 đồng) theo Quyết định số 39 được Thủ tướng Chính phủ ban hành về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Nhà máy do liên danh CTCP FECON (đại diện là CTCP đầu tư FECON) và Công ty Ecotech làm chủ đầu tư với công suất giai đoạn 1 là 30MW, tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch 7,5ha trên đất liền. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng khoảng 97,5 triệu kWh/năm.
Trong tháng 10, cổ phiếu FCN đã trải qua một đợt tăng tốt từ mức 13.800 đồng/cổ phiếu (mở cửa phiên 1/10) lên mức 16.900 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 29/10). Trong phiên 29/10, cổ phiếu này đã có thời điểm giao dịch ở mức 17.450 đồng/cổ phiếu.
Nguyên nhân của đợt tăng giá cổ phiếu FCN thời gian qua, bên cạnh đà tăng chung của thị trường thì FCN còn được kỳ vọng hưởng lợi từ việc các dự án đầu tư công về hạ tầng được đẩy mạnh trong quý cuối năm và các năm tới.