Doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm của Saigon Co.op giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước và có thể bị sụt giảm 1.000 tỷ đồng nếu dịch được kiểm soát trong quý II/2020 |
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng Covid-19 gây ra, diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian qua đã có những tác động lớn đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp phân phối.
Báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 cho thấy, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ lớn bị sụt giảm mạnh về doanh thu.
Một số doanh nghiệp phân phối xác nhận, dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp tình hình kinh doanh của hệ thống, so với tháng 1, tháng 2 năm 2019 doanh số bán hàng có tăng nhưng tốc độ tăng chậm hơn; nhóm hàng hóa thiết yếu là lương thực, thực phẩm có tăng do tâm lý tích trữ trước diễn biến phức tạp của dịch; nhóm hàng hóa khác giảm.
Hoạt động kinh doanh trong 2 tháng đầu năm của các doanh nghiệp đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019, dự kiến đến hết quý I/2020 sẽ còn tiếp tục giảm.
Các "ông lớn" trong ngành bán lẻ như Lotte, Aeon Việt Nam, Saigon Co.op... đều không tránh khỏi ảnh hưởng trong kinh doanh.
Lotte cho biết, doanh thu của doanh nghiệp giảm khoảng 50% so với tháng 01 năm 2020 và giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Aeon Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm doanh thu 2% trong tháng 1 và giảm 6% trong tháng 2/2020 so với kế hoạch đề ra.
Saigon Co.op có mức doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước và có thể bị sụt giảm 1.000 tỷ đồng nếu dịch được kiểm soát trong quý II, và giảm 2.000 tỷ đồng nếu dịch tiếp tục kéo dài. Doanh thu cho thuê mặt bằng của đơn vị cũng giảm 50%,
Một doanh nghiệp khác là Satra cũng bị sụt giảm doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm lên tới 50% so với cùng kỳ.
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 3 tháng đầu năm đạt khoảng 1.246 nghìn tỷ đồng, tăng 4,67%, và cũng là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Trong đó nhóm du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm mạnh nhất 27,8% và 9,6%.
Các nhóm hàng hóa khác có mức tăng thấp so với các năm trước (chỉ tăng từ 2,0-9,6%) khiến mức tăng chung thấp. Đáng lưu ý là tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của tháng 3 đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016 – 2020 (trong khi đó 2 tháng đầu năm ghi nhận tăng 8,3%).