Doanh thu 9 tháng giảm 23%, còn xa mục tiêu năm
Tôm trở thành điểm sáng trong nhóm các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,7 tỷ USD, tăng trưởng 10,5% so với cùng kỳ. Đà tăng trưởng này đã kéo dài liên tục từ tháng 2 đến tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh của “vua tôm” lại theo chiều ngược lại.
CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC) tiếp tục có thêm một quý kinh doanh suy giảm về doanh thu so với cùng kỳ. Dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp tôm này. Ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc của Minh Phú từng cho biết đây là nguyên nhân chính khiến sản lượng bán hàng của công ty sụt giảm.
Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh chính kỳ này đạt hơn 4.400 tỷ đồng, giảm 15,6% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần giảm 22% còn 9.982 tỷ đồng. Dù biên lợi nhuận nhích nhẹ, lợi nhuận gộp vẫn giảm hơn 12%.
Tuy nhiên, cùng với sự sụt giảm doanh thu, chi phí bán hàng cũng giảm. Tỷ giá ổn định cũng giúp Minh Phú chỉ còn phải ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa đến 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ giảm lãi hơn 36 tỷ đồng vì chi phí này. Trong khi đó, nhờ chuyển dịch cơ cấu tài sản từ các khoản tiền gửi không kỳ hạn hoặc kỳ hạn ngắn sang tiền gửi 3-12 tháng và đầu tư nhiều hơn vào các khoản trái phiếu của VietinBank và Vietcombank, dù giá trị đầu tư khá khiêm tốn chỉ 15 tỷ đồng trên tổng 1.625 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn.
Tiết giảm được hàng loạt chi phí, Minh Phú vẫn giữ được tăng trưởng lợi nhuận trọng hai quý gần đây. Lãi hợp nhất quý III của Minh Phú đạt 272 tỷ đồng, tăng 2,25% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với mục tiêu cả năm đề ra, doanh nghiệp nắm thị phần lớn nhất ngành tôm mới chỉ đạt được kết quả khiêm tốn với doanh thu và lợi nhuận lần lượt hoàn thành 66% và 55% kế hoạch.
Lợi nhuận của Minh Phú hồi phục nhờ tiết giảm các khoản chi phí |
Bớt gánh tồn kho, tổng tài sản tăng hơn 19% từ đầu năm
Dù doanh số bán hàng chưa hồi phục so với cùng kỳ, doanh thu quý vừa qua cũng đã cải thiện so với nửa đầu năm 2020. Đồng thời, giá trị tồn kho cũng được giải phóng một phần từ mức 4.140 tỷ đồng hồi quý II xuống còn 3.790 tỷ đồng vào cuối quý III. Vòng quay hàng tồn kho đã giảm xuống sâu trong hai quý vừa qua đến nay đã cải thiện đáng kể.
Tuy vậy, lượng hàng tồn kho vẫn đang cao hơn thời điểm đầu năm tới 900 tỷ đồng, tương đương mức tăng 31%. Công nợ phải thu khách hàng và trả trước người bán cũng tăng hơn 30%. Điều này cũng là nguyên nhân khiến Minh Phú phải sử dụng nhiều hơn nguồn vốn tín đụng ngân hàng.
Vòng quay hàng tồn kho đã rơi sâu trong hai quý đầu năm |
Đến ngày 30/9, Minh Phú đang vay nợ ngắn hạn 3.668 tỷ đồng, tăng 65% so với thời điểm đầu năm và đều nhằm bổ sung vốn lưu động. Ngoài các khoản vay tín chấp, tài sản đảm bảo chính được sử dụng để thế chấp là hàng tồn kho của công ty.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ của Minh Phú vẫn khá thấp, đạt 38,6% vào cuối quý III. Quy mô vốn điều lệ của công ty vẫn đang duy trì ở mức 2.000 tỷ đồng sau hai năm 2018 và 2019 đã tăng vốn mạnh trước đó. Do phát hành với giá cao hơn nhiều mệnh giá, công ty cũng đang có hơn 2.340 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.
Với năng lực tài chính mạnh, “ông lớn” ngành tôm này vẫn đang mở rộng quy mô tài sản thêm 19,3% từ đầu năm lên 9.620 tỷ đồng. Ngoài tăng tài sản lưu động, công ty còn gia tăng đầu tư xây dựng cơ bản và lập thêm các công ty con. Chỉ trong 3 quý đầu năm, dù tình hình kinh doanh gặp khó, ba công ty con đã được thành lập mới gồm công ty Thực phẩm xanh Minh Phú, công ty chuỗi cung ứng thủy sản Minh Phú và công ty xuất khẩu thủy sản Minh Phú. Số vốn đầu tư của Minh Phú vào doanh nghiệp này hiện ở mức khá khiêm tốn nhưng phần nào cho thấy tham vọng mở rộng quy mô của công ty.
Theo báo cáo tài chính riêng, giá trị đầu tư vào các công ty con của Minh Phú hiện xấp xỉ 3.688 tỷ đồng. Minh Phú cũng đang phải trích lập dự phòng 358 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư, do hoạt động kinh doanh của 4 công ty con thua lỗ.