Các thị trường Mỹ, EU thắt chặt chi tiêu khiến xuất khẩu thủy sản 4 tháng mới đạt 2,64 tỷ USD, giảm 31% so với cùng kỳ. |
Thông tin về tình hình xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2023, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, doanh nghiệp thủy sản bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước nặng ghánh chi phí do thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác tăng cao.
Tính đến hết tháng 4/2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 2,64 tỷ USD, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022, giảm ở phần lớn các mặt hàng và thị trường chủ lực.
Thị trường Mỹ ngày càng lún sâu vào tình trạng giá thực phẩm tăng, tiêu thụ giảm, người dân Mỹ cắt giảm chi tiêu khiến thủy sản của Việt Nam sang Mỹ giảm 51% trong tháng 4, Mỹ rớt xuống vị trí thứ 3 trong các thị trường lớn, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ước đạt 418 triệu USD, giảm 57% so với cùng kỳ.
Thị trường Trung Quốc dù có tín hiệu tốt hơn, nhưng vẫn chưa ghi nhận được tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chính là cá tra sang thị trường này chưa hồi phục vì giá trung bình xuất khẩu giảm. Nhu cầu tiêu thụ của thị trường cũng hồi phục chậm hơn so với dự đoán. Thành thử, 4 tháng, doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 37%, đạt 435 triệu USD.
Hai thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản đều có giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, nhưng mức độ sụt giảm ít hơn so với Mỹ, Trung Quốc. Cụ thể, xuất khẩu tôm sang hai trường này giảm, nhưng được bù đắp bằng doanh thu từ hoạt động gia công chế biến xuất khẩu các mặt hàng hải sản cho các nhà chế biến, kinh doanh hải sản nước ngoài.
Tổng thể, do 2 thị trường lớn đều sụt giảm nên xuất khẩu cá tra bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến doanh số chỉ đạt chưa đầy 600 triệu USD, giảm 46% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tôm cũng bị tác động mạnh khiến kim ngạch chỉ đạt trên 891 triệu USD, giảm 44%.
Phân tích thêm về cơ cấu các mặt hàng, theo Vasep, trong số các mặt hàng hải sản xuất khẩu, có mực và một số loài cá biển khác (trừ cá ngừ) có chiều hướng tích cực hơn trong tháng 4. Theo đó, xuất khẩu các loài cá biển khác tăng 9%, xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng 3%. Trong khi đó, cá ngừ vẫn giảm 36%, các loài hải sản khác đều sụt giảm 2 con số.
Áp lực của các doanh nghiệp ngành thủy sản gia tăng trong bối cảnh xuất khẩu đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác giảm mua hàng khiến xuất khẩu sụt giảm là dễ hiểu. Để tìm kiếm thêm cơ hội tăng đơn hàng và khách hàng, từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế tại Mỹ, EU, Nhật Bản cũng như các chương trình giao thương trong nước..
Năm 2022, ngành thủy sản cán đích kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với 2021, là mức cao nhất từ trước đến nay, đưa thủy sản đầu tiên gia nhập CLB xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Ước xuất khẩu thủy sản 4 tháng năm 2023 (triệu USD) | ||||
Sản phẩm | T4/2023 | Tăng, giảm (%) | T1-T4/2023 | Tăng, giảm (%) |
Tôm | 291,836 | -34,0 | 891,789 | -44,1 |
Cá tra | 176,117 | -43,2 | 598,034 | -46,0 |
Cá ngừ | 69,402 | -36,0 | 249,780 | -40,2 |
Mực, BT | 58,459 | 2,9 | 196,805 | -17,7 |
Nhuyễn thể có vỏ | 9,401 | -37,0 | 42,117 | -20,9 |
Nhuyễn thể khác | 0,103 | -85,7 | 1,599 | -33,5 |
Cua ghẹ và giáp xác khác | 10,120 | -41,2 | 39,817 | -47,6 |
Cá các loại khác | 194,568 | 9,0 | 622,039 | -9,0 |
Tổng | 810,005 | -28,2 | 2.641,979 | -36,7 |
|