Cả hệ thống chính trị đang phải dốc sức chống suy giảm kinh tế, bắt đầu bằng việc đi từng dự án, vào từng doanh nghiệp, xuống từng địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thăm Thủy sản Đắc Lộc (Phú Yên), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, điều quan trọng là phát triển nông nghiệp hiệu quả cao. Ảnh: T.H |
Bài 3: Chủ động hoạch định tương lai
Chống suy giảm kinh tế là một chuyện, quan trọng không kém là làm sao để nhanh chóng phục hồi và phát triển bứt phá sau Covid-19. Câu trả lời nằm ở việc chủ động hoạch định chiến lược phát triển trong tương lai.
Day dứt câu hỏi “mãi nghèo”
Hàng loạt câu hỏi đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đặt ra với lãnh đạo tỉnh Phú Yên trong chuyến công tác tới các tỉnh miền Trung mới đây: Vì sao Phú Yên mãi nghèo, mãi khó khăn? Tại sao nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt được? Vì sao tỉnh không thu hút được các dự án lớn, trọng điểm, dù đã nỗ lực rất nhiều?…
Những câu hỏi thật day dứt, dù trên thực tế, so với 5-10 năm trước, cả Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đều đã có bước phát triển vượt bậc, quy mô kinh tế lớn hơn, bộ mặt đô thị khang trang hơn, đời sống người dân khấm khá hơn, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực… “Tôi thật sự ấn tượng với điều đó”, Bộ trưởng nói.
Nhưng vị Tư lệnh của cơ quan tham mưu cho Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội không khỏi băn khoăn khi các tỉnh miền Trung, thậm chí cả các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ, thiếu vắng các dự án động lực, tốc độ tăng trưởng chưa cao, thu ngân sách chưa đạt kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và có phần thua sút so với các vùng kinh tế trọng điểm khác.
Câu hỏi là vì sao? Dẫn câu chuyện của Phú Yên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói rằng, phải trả lời một cách căn cơ câu hỏi đó, từ đó tìm ra giải pháp thực hiện, thì Phú Yên mới phát triển bứt phá được.
Nói về điều này, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Phạm Đại Dương cho rằng, kinh tế - xã hội địa phương này trước đây còn nhiều khó khăn, phần lớn là do vướng đèo Cả và đèo Cù Mông. Nhưng từ khi hai hầm đường bộ qua các đèo này xây dựng xong, giao thương thuận lợi hơn, kinh tế - xã hội phát triển bứt phá, thu ngân sách năm 2019 đã tăng lên 7.000 tỷ đồng.
Người đứng đầu tỉnh Phú Yên cũng nói, giao thông thuận lợi là cơ hội rất lớn, Phú Yên quyết tâm tận dụng cơ hội để bứt phá. Nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vẫn mãi băn khoăn, vì dường như các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Phú Yên đặt ra là “có vấn đề”. Năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu thu ngân sách 9.000 tỷ đồng, nhưng tới năm 2025, con số chỉ là 11.000 tỷ đồng, tức tăng 2.000 tỷ đồng sau 5 năm, tăng trưởng kinh tế bình quân 8,5%/năm trong 5 năm tới. “Như thế có nghĩa chúng ta không có khát vọng, không đặt mục tiêu lớn để vươn lên và không thể bứt phá”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bởi thế, câu hỏi mà Bộ trưởng tiếp tục đặt ra với lãnh đạo tỉnh Phú Yên, đó là tỉnh cần phải làm gì để bứt phá, định hướng chiến lược sắp tới có thay đổi lớn không, sẽ tập trung vào lĩnh vực nào, phân bổ không gian phát triển ra sao, chuẩn bị nguồn lực thế nào…
Có lẽ, đây không chỉ là câu hỏi chung cho các tỉnh miền Trung, mà còn cho tất cả các địa phương, cho cả đất nước. Bởi đây đang là thời điểm quan trọng, không chỉ là cho giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, mà còn là bước chuẩn bị cho giai đoạn phát triển sau này.
Việt Nam đang xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025. Các địa phương cũng vậy, đang chuẩn bị các chiến lược, kế hoạch phát triển cho giai đoạn tới. Không thể phát triển đột phá nếu không có chiến lược phát triển đúng đắn.
“Để có thể phát triển đột phá trong giai đoạn tới, cần có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược. Khi đó, chúng ta sẽ có hành động hiệu quả, chọn được con đường đi đúng nhất, ngắn nhất để tăng tốc phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Chủ động hoạch định tương lai
Có một điều luôn được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đó là Việt Nam đang có cơ hội “ngàn năm có một” để đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên các nền kinh tế khác trên toàn cầu. Trong khi các nước còn đang loay hoay chống dịch, thì Việt Nam - nhờ chống dịch thành công - có thời gian để chuẩn bị cho phục hồi kinh tế, đón đầu các cơ hội khi kinh tế toàn cầu cấu trúc lại sau đại dịch. “Đã đến lúc, chúng ta phải chủ động hoạch định tương lai cho mình”, Bộ trưởng nói.
Các địa phương cũng bắt đầu hoạch định tương lai bằng việc chuẩn bị xây dựng quy hoạch và các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ tới. Nếu Quảng Ngãi định hướng trở thành một trung tâm công nghiệp của vùng, với các cụm ngành lọc hóa dầu, sắt thép, lấy Lọc dầu Dung Quất và Thép Hòa Phát làm trung tâm, thì Quảng Nam có định hướng rất rõ ràng với hai cực tăng trưởng Hội An và Chu Lai.
Trong khi đó, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, tỉnh sẽ tập trung vào 5 trụ cột: công nghiệp; du lịch; dịch vụ cảng và logistic; phát triển nông - lâm - thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng; phát triển kinh tế đô thị gắn với đô thị hóa… Còn theo chia sẻ của ông Phạm Đại Dương, những lĩnh vực mà Phú Yên tập trung phát triển sẽ là kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, công nghiệp sạch…
Dù ủng hộ các chiến lược, kế hoạch trên, nhưng vẫn rất nhiều câu hỏi được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt ra, như gợi mở, như “hiến kế” để các tỉnh miền Trung có thể bứt phá. Chẳng hạn, với Quảng Nam, Bộ trưởng nói, mở rộng sân bay Chu Lai có thể là cần thiết, nhưng không phải để vận tải hành khách, mà để biến nơi này trở thành cảng trung chuyển hàng hóa, thành trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa, duy tu cho ngành hàng không, cho cả khu vực, chứ không phải cho riêng Việt Nam. Phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai cũng đúng, nhưng phải đặt trong sự kết nối với Khu kinh tế Dung Quất, ngay cạnh Quảng Nam.
Hay với Bình Định, Phú Yên, Bộ trưởng nói, phát triển du lịch là tốt, nhưng cần tính toán để hiệu quả cao và cân bằng lợi ích, làm sao để người dân có thu nhập, chứ không chỉ là quan tâm thu hút được bao nhiêu triệu du khách. Phát triển du lịch nhưng phải quan tâm cả yếu tố phát triển bền vững.
“Phát triển nông nghiệp cũng thế, đây là trụ đỡ quan trọng của các tỉnh những năm tới. Nhưng không phải là nông nghiệp công nghệ cao, bởi công nghệ cao chỉ là công cụ, mà là nông nghiệp hiệu quả cao, gắn với chế biến và tiêu thụ, phải tối ưu hóa về giá trị, chứ không phải tối đa hóa về sản lượng”, Bộ trưởng nói.
Và tất nhiên, liên kết vùng là rất quan trọng. Quảng Nam muốn xây trung tâm dạy nghề chuẩn quốc tế, thì phải tính toán, không chỉ để đáp ứng nhu cầu của tỉnh, mà còn của Đà Nẵng, Quảng Ngãi và các địa phương trong vùng. Các quy hoạch của tỉnh, dù thuê tư vấn nước ngoài hay trong nước, cần được đặt trong tổng thể quy hoạch vùng và quốc gia.
Mấu chốt nằm ở dự án động lực, nhà đầu tư chiến lược
Có một điểm khá thú vị, đó là trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bao giờ cũng gắn với một nhà đầu tư chiến lược, một dự án trọng điểm. Với Quảng Ngãi, là Lọc dầu Dung Quất, là Thép Hòa Phát, là các nhà máy điện khí từ mỏ Cá Voi Xanh… Với Quảng Nam, là Trường Hải - Thaco, là Hoiana hay Vingroup…
Bình Định đặt kỳ vọng vào Becamex, với việc sẽ thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư có tiềm lực, công nghệ hiện đại vào các ngành công nghiệp mũi nhọn như chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ thông tin…
Chỉ có Phú Yên xem ra khó khăn hơn, khi đã trông đợi nhiều vào Lọc dầu Vũng Rô, hay NewCity, song đến nay, đang dang dở mọi bề… “Phải có nhà đầu tư chiến lược và dự án mang tính động lực”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Điều này không chỉ đúng với Phú Yên, mà với tất cả các địa phương trong vùng, bởi dù Thaco hiện đóng góp tới 55% thu ngân sách của Quảng Nam, nhưng một Thaco chưa đủ cho Quảng Nam cất cánh. Hay Bình Định, cần nhiều hơn các dự án mang tính động lực trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, bởi vùng đất này đang được xây dựng trở thành một thương hiệu du lịch trọng điểm của cả nước…
“Nhưng đừng quên, nguồn lực đất đai có hạn. Hãy sử dụng một cách khôn ngoan, không phải nhà đầu tư muốn bao nhiêu cấp bấy nhiêu. Hãy biết cách dành nguồn lực quý giá này cho nhà đầu tư có tiềm lực, đến sau”, Bộ trưởng nói và một lần nữa “bày cách”, các tỉnh miền Trung có thể tập trung phát triển đường ven biển, với tầm nhìn dài hạn và sẵn sàng quỹ đất rộng hai bên đường.
“Nếu giải quyết được các vấn đề trong ngắn hạn, như tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, cũng như chuẩn bị tốt các vấn đề trong dài hạn, khi xây dựng quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển đúng đắn, tôi tin là, các tỉnh miền Trung sẽ phát triển bứt phá trong tương lai”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ với lãnh đạo các địa phương rằng, đang có một làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các quốc gia khác vào Việt Nam sau đại dịch Covid-19, Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác để “đón đại bàng”. Vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng hỗ trợ, nếu có nhà đầu tư phù hợp sẽ giới thiệu và kết nối với địa phương, nhưng quan trọng không kém là sự chủ động của địa phương trong xúc tiến đầu tư, trong nỗ lực hỗ trợ các nhà đầu tư hiện tại, trong chuẩn bị quỹ đất để sẵn sàng chờ đón nhà đầu tư đến…