Có nhiều dòng sản phẩm khác nhau, phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng |
Xu hướng nào cho năm nay?
Theo các nhà phân phối đồ nội thất, năm nay, mẫu mã và giá đồ nội thất trên thị trường không có nhiều đột biến so với năm ngoái. Về thị hiếu, cơ bản vẫn có 2 dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu.
Cụ thể, đối với những khách hàng lớn tuổi, ưa thích sự bền chắc, cổ điển, có dòng sản phẩm sử dụng chất liệu gỗ tự nhiên, kiểu dáng truyền thống. Chẳng hạn, bàn ăn thiết kế mặt đá, loại bàn vuông hoặc chữ nhật; sofa gỗ với nhiều họa tiết cắt khắc tinh xảo… Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, với loại sản phẩm nội thất có xuất xứ đồ gỗ tự nhiên, rất phù hợp với phong cách và “hầu bao” của những “thượng đế” lớn tuổi.
Ông Ngô Đức Trọng, chủ thương hiệu Gỗ Quý 1.000 năm Minh Long sang trọng cho biết, hiện giới chơi gỗ ngày càng ưa chuộng nội thất gỗ thịt nguyên khối. Đây là loại gỗ được khai thác từ tự nhiên, chỉ gia công đơn giản thông qua cắt gọt thành các phiến, chứ không trải qua chế biến công nghiệp thành các loại gỗ khác. Do đó, gỗ thịt nguyên khối giữ được hình dáng tự nhiên và những đường vân quý giá. Đó chính là điểm thu hút giới “thượng lưu” đam mê đồ gỗ hiện nay.
Ngược lại, khách hàng trẻ tuổi, hoặc sống ở các khu chung cư lại có xu hướng chọn sofa da, vải; bàn ăn mặt kính, chân bàn bằng sắt xi mạ hoặc inox…, với mẫu mã liên tục thay đổi. Những đồ nội thất thông minh như chiếc bàn ăn có thể mở rộng khi có đông người; sofa có thể kéo ra thành giường ngủ, các loại giường gấp, gầm giường làm tủ chứa đồ cũng đang được ưa chuộng đối với phân khúc khách hàng trẻ.
Đại diện Hãng nội thất V-Home cho rằng, xu hướng nội thất năm 2019 thiên về chất liệu gỗ cách điệu hoặc kính cường lực, giúp nới rộng không gian sống, tận dụng tối đa nguồn sáng bên ngoài và tạo nên vẻ sang trọng cho ngôi nhà.
Sản phẩm gỗ thịt luôn là lựa chọn của khách hàng cao tuổi |
Trong phòng khách, được ưa chuộng trong thời gian này là những mẫu sofa màu trầm, chất liệu vải nỉ, phù hợp với căn phòng theo phong cách thiết kế hiện đại. Trong phòng ngủ, các mẫu giường tủ cổ điển, quý tộc không còn được ưa chuộng như trước, thay vào đó là xu hướng thiết kế bộ giường và tủ phong cách tối giản.
Giường ngủ kiểu dáng đơn giản thường được kết cấu từ các ván gỗ (gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp MDF) được sơn mài nhẵn mịn; bề mặt gỗ phẳng không trạm trổ họa tiết. Các mẫu giường hộp tích hợp không gian lưu trữ bên dưới cũng được ưa chuộng nhờ cảm giác vuông vắn gọn gàng và tạo sự thoải mái, tiện lợi trong quá trình sử dụng.
Các nhà phân phối cũng cho biết, nguồn gốc sản phẩm nội thất cũng khá đa dạng, có thể là hàng nhập khẩu hoặc hàng sản xuất, thiết kế trong nước theo phong cách riêng hoặc đơn đặt hàng.
Đơn cử, với những khách hàng có thu nhập trung bình, thị trường nội thất ở Đê La Thành (Hà Nội) là một địa điểm mua sắm lý tưởng với giá bình quân dao động từ 2 - 8 triệu đồng/bộ tùy loại. Còn những khách hàng có thu nhập cao, sự lựa chọn cũng đa dạng hơn, phần lớn tập trung ở các trung tâm buôn bán nội thất lớn như showroom An Cường, PTcasa, Nhà Đẹp, Nhà Xinh, Melinh Plaza…
Bên cạnh đó, những đồ gỗ cổ được làm tại các làng nghề truyền thống nổi tiếng như Đông Anh, Hữu Bằng (Hà Nội), Đồng Kỵ (Bắc Ninh)… cũng không thiếu khách mua, dù giá có khi lên đến cả trăm triệu đồng mỗi bộ.
Cảnh giác với hàng rởm
Theo nhận định của các nhà phân phối, cứ vào dịp cuối năm, khi lượng hàng bán chạy, lại xuất hiện tình trạng gỗ công nghiệp được hô biến thành gỗ “thịt”.
Để lừa người tiêu dùng, trên bề mặt gỗ nhân tạo thường được dán thêm lớp melamin (với vân rất giống vân gỗ thật), rồi được phủ thêm lớp sơn PU. Ngoài các chiêu lừa trên, một số khách hàng còn mua phải hàng cũ đã qua sử dụng, nhưng được “tút tát” lại. Bên cạnh đó, tình trạng làm hàng ẩu trong dịp cuối năm cũng diễn ra khá phổ biến.
Gần đây, nhiều bạn đọc cũng phản ánh đến Báo Đầu tư Bất động sản rằng, họ mua đồ gỗ tự nhiên (gỗ thịt) nhưng sau một thời gian sử dụng mới phát hiện đó là gỗ được làm giả một cách tinh vi. Sau một thời gian sử dụng, mặt ngoài của gỗ bong tróc, lộ ra bên trong là gỗ làm bằng mùn cưa, gỗ dăm...
Nội thất thông minh, tiện lợi, đa chức năng hút khách hàng trẻ |
Anh Dũng (Khu tập thể quân đội A34 Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gia đình anh vừa mua bộ tủ tường. Nếu không có anh bạn am hiểu về gỗ đi cùng, anh đã bị đánh lừa.
“Một số sản phẩm được chủ cửa hàng chỉ rõ đâu là gỗ thịt, đâu là gỗ công nghiệp và nhìn bề ngoài thì không ai có thể phân biệt chính xác được. Tuy nhiên, sự “tinh quái” của anh bạn tôi đã quan sát rất kỹ từ thớ gỗ, góc cạnh và nhìn mặt sau, bên trong của sản phẩm thì lộ ra đều là gỗ công nghiệp ‘đội lốt’ gỗ thị”, anh Dũng cho hay.
Theo các chuyên gia, để hạn chế rủi ro mua phải hàng giả, hàng nhái, cách tốt nhất người tiêu dùng nên đến trực tiếp các cửa hàng, showroom để “nhìn tận mắt, sờ tận tay” và được tư vấn lựa chọn sao cho phù hợp nhất với không gian sống.
“Khi quyết định lựa chọn sản phẩm, ngoài thương hiệu, cũng cần quan tâm tới dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, bảo trì, bảo hành. Vì vậy, lựa chọn những đơn vị có uy tín, chế độ hậu mãi tốt sẽ mang đến cho bạn sự an tâm khi sử dụng sản phẩm”, đại diện hãng nội thất An Cường cho biết.
Còn theo đại diện một hãng nội thất tại Hà Nội, sở dĩ có kẽ hở khiến hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại là do các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo trong khâu kiểm soát chất lượng, cũng như xuất xứ của từng sản phẩm. Các đơn vị phân phối, cửa hàng nhỏ lẻ cũng không được kiểm soát, kiểm duyệt sản phẩm.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện một đơn vị quản lý thị trường trên địa bàn Hà Nội thừa nhận, để kiểm tra được hàng giả, hàng kém chất lượng của đồ gỗ nội thất là rất khó. Bởi phải có người phản ánh trực tiếp hoặc có đơn khiếu nại mới tiến hành thanh kiểm tra. Hơn nữa, lượng hàng từ các nơi và đơn vị, cửa hàng phân phối cũng rất nhiều, khó kiểm soát.
“Chính vì vậy, khi mua sản phẩm, khách hàng phải tự bảo vệ mình bằng cách yêu cầu kiểm tra xuất xứ hàng hóa (CO), giấy chứng nhận chất lượng (CQ) từng sản phẩm, nhờ tư vấn. Hoặc yêu cầu đơn vị phân phối viết hóa đơn”, vị này cho hay.
Các chuyên gia nội thất nhận định, người tiêu dùng hiện đã thông minh hơn và thời gian tới, thị trường nội thất sẽ phát triển mạnh, hướng đến sự minh bạch. Tuy nhiên, để đấu tranh với tội phạm kinh tế trong lĩnh vực sản xuất vật liệu nội thất, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng một cách chinh đáng, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra các showroom, đại lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh nội thất nhằm kiểm tra xuất xứ, chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Còn với các doanh nghiệp, cần thắt chặt hệ thống quản lý và tiêu thụ sản phẩm. Khi bị xâm phạm nhãn hiệu, cần nhanh chóng gửi đơn khiếu nại để giải quyết triệt để. Các loại tem chống giả, cách nhận biết hàng chính hãng… cần phải được phổ biến rộng rãi để người tiêu dùng có thể tự phân biệt hàng thật - hàng giả.
Về phía người tiêu dùng, cần nâng cao kiến thức và tinh thần cảnh giác khi mua hàng. Nên mua hàng tại các cơ sở có giấy chứng nhận phân phối chính hãng, có giấy tờ xuất xứ của sản phẩm. Trước khi mua hàng cần nghiên cứu về sản phẩm, tránh mua nhầm hàng kém chất lượng, rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.