‘Sức khỏe” của Nhà máy Xi măng Hạ Long đang dần hồi phục sau một thời gian về với chủ mới là Vicem.
Tính từ tháng 4/2016 đến nay, tức là chỉ sau 3 tháng chính thức về chung nhà với Vicem, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy luôn ở tần suất cao nhất, với sản lượng đạt 100% và tiêu thụ hết sản phẩm.
Nhà máy Xi măng Hạ Long đang dần hồi phục sau khi Vicem tiếp quản điều hành. |
5 tháng đầu năm 2016, tiêu thụ xi măng, clinker của Xi măng Hạ Long đạt 831.000 tấn sản phẩm, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu đạt 1.015 tỷ đồng.
Ông Trần Việt Thắng, Tổng giám đốc Vicem cho rằng, không phải đơn giản mà Xi măng Hạ Long có được kết quả tái cơ cấu khả quan như vậy. Kết quả này là do sự tập trung của Vicem cũng như các doanh nghiệp thành viên được giao nhiệm vụ “kéo” Xi măng Hạ Long ra khỏi vũng lầy thua lỗ, nợ nần.
Ngay khi tiếp nhận Xi măng Hạ Long, Ban lãnh đạo Vicem đã quyết định giao cho 2 doanh nghiệp là Xi măng Hoàng Thạch và Xi măng Hà Tiên 1 cơ cấu lại sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, Hoàng Thạch xử lý toàn bộ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ tại nhà máy ở Quảng Ninh, Vicem Hà Tiên 1 tiếp nhận Trạm nghiền xi măng tại Hiệp Phước, Nhà Bè (TP.HCM). Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ của Xi măng Hạ Long đã tăng vọt, cùng với đó là các chi phí tài chính giảm mạnh.
Tại nhà máy phía Bắc, sản phẩm Xi măng Hạ Long được bán dưới vỏ bao Vicem Hoàng Thạch, khiến giá bán tăng thêm hơn 100.000 đồng/tấn so với thời gắn mác Hạ Long. Tương tự, tại phía Nam, với thương hiệu Vicem Hà Tiên, đã đẩy được giá tăng thêm hơn 200.000 đồng/tấn, nên gia tăng được doanh thu bán hàng, có dòng tiền để trang trải các chi phí tài chính.
Quan trọng hơn, kể từ khi về tay 2 đơn vị xi măng có thế mạnh của Vicem, thông qua quá trình quản lý chi phí, quản trị đồng bộ, chi phí đầu vào trong sản xuất tại Nhà máy Xi măng Hạ Long đã giảm được tới 20%.
Tính đến cuối tháng 6, tức là sau 3 tháng về với Vicem, nhờ sản xuất, tiêu thụ tăng cao, lỗ lũy kế của Vicem Hạ Long trong 5 tháng đầu năm còn 293 tỷ đồng
Nói về kết quả bước đầu trên hành trình vực dậy Xi măng Hạ Long, ông Trần Việt Thắng cho rằng, Xi măng Hạ Long có nhà máy, thiết bị hiện đại, nhưng do thời điểm mới đi vào hoạt động chạy công suất thấp, sản phẩm khó tiêu thụ, chi phí tài chính quá cao (do thiếu vốn hoạt động, lãi vay cao, giá điện, than tăng cao…) nên bị lỗ nhiều. Vicem xác định được đúng chỗ thiếu và yếu của Xi măng Hạ Long, do vậy đã vực dậy được đơn vị này trong giai đoạn đầu tái cơ cấu.
Được biết, Nhà máy Xi măng Hạ Long đi vào hoạt động từ đầu năm 2010 - là thời điểm các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đua nhau đầu tư các dự án thép và xi măng.
Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng vì thời gian thi công chậm 45 tháng nên đội vốn thêm 2.776 tỷ đồng. Do đi vào vận hành đúng thời điểm suy thoái kinh tế, nguồn cung xi măng vượt cầu, kèm theo đó là vốn vay đầu tư quá lớn, gánh quá nhiều chi phí, nên Nhà máy đã nhanh chóng thua lỗ nặng.
Tại thời điểm bàn giao về cho Vicem, vốn điều lệ của Xi măng Hạ Long là 982 tỷ đồng, nhưng thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng, bị mất hết vốn. Mặc dù Nhà máy đã chạy hết công suất thiết kế và tiêu thụ sản phẩm đang khá thuận lợi, tuy nhiên, ông Thắng cũng thừa nhận, trong thời gian tới, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải xử lý với Xi măng Hạ Long.
“Trước hết, Ban lãnh đạo Vicem sẽ đàm phán với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để tái cơ cấu lại các khoản vay của Xi măng Hạ Long với lãi suất hợp lý hơn. Hiện lãi suất vốn vay lưu động của Xi măng Hạ Long lên tới 14-16%, cần đàm phán xuống dưới 10% mới giúp Xi măng Hạ Long sớm trả được nợ”, ông Thắng nói và cho biết thêm, từ nay đến cuối năm 2016, Vicem sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại Xi măng Hạ Long về Vicem.
Vicem sẽ tiến hành tổng thể các vấn đề còn tồn đọng của Xi măng Hạ Long, tiến tới xác định giá trị doanh nghiệp Công ty mẹ - Vicem để hoàn thành công tác cổ phần hóa Tổng công ty.