Chủ tịch VCCI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, ông Vũ Tiến Lộc |
Bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định tại Điều 2 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992:
“Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị bổ sung đội ngũ doanh nhân vào sự liên minh với giai cấp công nhân.
Việc bổ sung đội ngũ doanh nhân vào mối liên minh với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, được ông Lộc coi là bước phát triển mới của liên minh nền tảng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hiến pháp năm 1946 không xác định liên minh nền tảng. Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980 xác định nền tảng liên minh là giai cấp công nhân và nông dân. Hiến pháp năm 1992 bổ sung đội ngũ trí thức vào “liên minh nền tảng”. Theo ông Lộc, lần sửa đổi Hiến pháp lần này là cơ hội để đưa đội ngũ doanh nhân vào “liên minh nền tảng” để khẳng định vai trò, vị thế của đội ngũ doanh nhân trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Với vai trò ngày càng tăng của đội ngũ doanh nhân trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, việc bổ sung đội ngũ doanh nhân vào liên minh nền tảng có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo động lực cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới. Đưa doanh nhân vào liên minh nền tảng cũng là trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, sứ mệnh của doanh nhân trong công cuộc kiến quốc”, ông Lộc nhấn mạnh.
Tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Hội trường sáng nay, ông Lộc cho biết, trong bức thư gửi giới công thương ngày 13/10/1945, Bác Hồ viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang ra sức hoạt động để giành lấy hoàn toàn nền độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”.
Vẫn theo ông Lộc, liên minh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng đã được Đảng, Bác Hồ và Quốc dân Đại hội tại Tân Trào khẳng định khi chọn Quốc kỳ với ngôi sao vàng năm cánh là biểu tượng cho 5 giai tầng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc: sỹ - nông - công - thương - binh.
“Vì vậy, tôi đề nghị Hiến pháp chỉ cần khẳng định: “nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Còn trong trường hợp cần khẳng định thêm các giai tầng đóng vai trò nền tảng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới, tôi đề nghị bổ sung thêm đội ngũ doanh nhân”, ông Lộc đề xuất.
Theo đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, bổ sung đội ngũ doanh nhân vào “nền tảng liên minh” cũng phù hợp với yêu cầu nêu trong Nghị quyết của Đảng về phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
“Phải tăng cường mối quan hệ liên kết, hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Một sự ghi nhận như vậy trong Hiến pháp có sức cổ vũ, động viên to lớn đối với đội ngũ doanh nhân Việt Nam với vai trò là lực lượng chủ công xung kích trong công cuộc chấn hưng đất nước”, ông Lộc nói thêm.
Dự thảo Hiến pháp khẳng định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh” (Điều 34), nhưng trong toàn bộ 124 điều của Dự thảo cụm từ "doanh nhân" không hề xuất hiện, trong khi các giai tầng xã hội như nông dân, công nhân, trí thức, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh đều được nhắc tới và có chế định rõ ràng. Điều này không khỏi khiến cộng đồng doanh nghiệp - lực lượng xung kích và có yếu tố quyết định tới sự phát triển kinh tế của đất nước cảm thấy chạnh lòng.
“Nói một cách hình tượng, cả khối đại đoàn kết toàn dân tộc như đoàn diễu hành rất mạnh trong Hiến pháp nhưng lại thiếu vắng đội ngũ doanh nhân. Để khắc phục thiếu sót này, tôi đề nghị bổ sung Điều 34 theo hướng: “Mọi người đều có quyền kinh doanh. Nhà nước khuyến khích và bảo hộ hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nhân”, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Lộc kiến nghị.
Theo ông Lộc, Hiến pháp quy định như vậy có ý nghĩa quan trọng trong việc hiệu triệu, khuyến khích doanh nhân bỏ vốn đầu tư kinh doanh làm giàu cho mình và cho đất nước, là một yêu cầu rất quan trọng của giai đoạn hiện nay và cũng là mong muốn của Bác Hồ: "Tôi mong giới công thương nỗ lực và khuyến khích các nhà công thương cùng đem vốn và làm những công việc ích nước, lợi dân".
Mạnh Bôn