Doanh nghiệp
Đối mặt với việc nhân sự bị khủng hoảng niềm tin
Nhã Uyên - 26/06/2024 09:08
Dù được tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tính đổi mới sáng tạo, nhưng trong nhiều trường hợp, các nhân viên mang tâm lý sợ rủi ro, ngại thay đổi và thử các phương pháp mới.
Để đổi mới sáng tạo thành công, trước tiên doanh nghiệp phải xây dựng niềm tin cho nhân viên. Trong ảnh: LPBank đạt được nhiều thành tựu nhờ tạo điều kiện tốt nhất cho mọi nhân viên phát triển năng lực bản thân

Nhà băng “rốt ráo” chiêu mộ nhân tài công nghệ

Trong mục tiêu phát triển bền vững của ngành ngân hàng, đổi mới sáng tạo thông qua chuyển đổi số không chỉ là một trụ cột quan trọng, mà còn giữ vai trò là động lực chính đối với các mục tiêu kinh doanh; xây dựng, hoàn thiện hệ thống; nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cũng như tinh giản nhiều quy trình truyền thống…

Để thực thi chiến lược chuyển đổi số toàn diện, bên cạnh thay đổi tầm nhìn, đầu tư nguồn vốn, công nghệ, thì nhân sự là mắt xích chính, giúp doanh nghiệp hiện thực hóa tầm nhìn. Gần đây, hàng loạt ngân hàng tư nhân có động thái chiêu mộ nhân tài công nghệ, trong khi cắt giảm nhân sự ở các bộ phận khác.

LPBank vừa chính thức triển khai chiến dịch tuyển dụng “T-Revolution”, với mục tiêu tìm kiếm 300 nhân tài công nghệ, với nhiều vị trí khác nhau tại Hà Nội và TP.HCM. Đây là chiến dịch tuyển dụng nhân sự công nghệ lớn nhất năm 2024 của LPBank. Được biết, mức lương mà LPBank trả rất cao, khoảng 2.500 USD/tháng, tổng thu nhập bình quân của nhân viên lên đến 16 tháng lương/năm (bao gồm lương, thưởng hiệu quả kinh doanh, thưởng dịp lễ, Tết).

Báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2023 và nhu cầu tuyển dụng 2024, do TopDev vừa công bố cho thấy, thiếu hụt nhân sự IT luôn là vấn đề khó khăn nhất đối với thị trường công nghệ thông tin.

Theo báo cáo, mặc dù mức lương và tiền thưởng của ngành này đang tăng lên đáng kể, nhưng dự đoán trong giai đoạn 2023 - 2025, Việt Nam thiếu hụt từ 150.000 đến 200.000 lập trình viên/kỹ sư hàng năm.

LPBank là một trong những ngân hàng đang chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc chuyển đổi số. Hàng loạt dự án như AutoBank (Ngân hàng tự động), RPA (Robotic Process Automation - tự động hóa quy trình nghiệp vụ), dự án ứng dụng AI - Chatbot… đã được LPBank triển khai thành công. Ngân hàng này còn chứng minh năng lực với những sáng kiến và sản phẩm đột phá về công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng số khi 2 lần được xướng tên trong Giải thưởng Sao Khuê với ứng dụng LienViet24h. Năm 2024, LPBank tiếp tục triển khai hơn 40 dự án chuyển đổi số trên các lĩnh vực về phục vụ kinh doanh, vận hành và quản trị.

Bà Nguyễn Hồng Nhung, Giám đốc Khối quản lý nguồn nhân lực LPBank khẳng định, mỗi cá nhân khi gia nhập LPBank sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để thể hiện và phát triển năng lực bản thân.

“Với tiềm lực phát triển vượt trội, đầu tư quyết liệt cho nguồn nhân lực, cùng những chính sách thu hút nhân tài hấp dẫn, LPBank là lựa chọn lý tưởng của những ứng viên tài năng ngành công nghệ thông tin”, bà Nguyễn Hồng Nhung nói.

Nhằm đẩy mạnh kinh doanh và tăng cường phát triển công nghệ số tại ngân hàng, Sacombank cũng đang tuyển dụng hơn 130 nhân sự làm việc tại nhiều vị trí chủ chốt ở Hội sở chính tại TP.HCM.

Trong số nhân sự tuyển dụng, Sacombank tuyển 100 chuyên viên, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và ngân hàng số để đảm nhiệm công việc tại các trung tâm gồm: Quản lý dự án, Vận hành ứng dụng, Phát triển ứng dụng, An toàn thông tin, Kỹ thuật hạ tầng, Kinh doanh số, Sản phẩm số, Quản trị kiến trúc số… Hơn 30 chuyên viên còn lại phụ trách lĩnh vực phát triển sản phẩm/ngân hàng số dành cho doanh nghiệp, phát triển hệ khách hàng doanh nghiệp lớn…

Là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu tại Việt Nam, Sacombank đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực, luôn đưa nhiệm vụ này trở thành một mục tiêu chiến lược xuyên suốt quá trình hoạt động; định hướng tuyển dụng không những đáp ứng được nhu cầu công việc hiện tại, mà còn nuôi dưỡng thành những nhân tài bản lĩnh, có tầm nhìn và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành ngân hàng.

Hay như trường hợp của TPBank, được xem là ngân hàng tiêu biểu tại Việt Nam trong làn sóng chuyển đổi số. Ông Nguyễn Hưng, CEO TPBank cho hay, ngay từ khi tái cơ cấu, TPBank đã xác định, công nghệ là đòn bẩy để bứt phá. Trong những năm qua, ngân hàng liên tục đầu tư đội ngũ nhân sự công nghệ có kinh nghiệm và có chiều sâu, làm chủ nguồn lực và quá trình số hóa, triển khai theo mô hình Agile, DevOps kết hợp Design Thinking. Nhờ đó, TPBank luôn có được sự tự chủ về mặt công nghệ, chủ động triển khai các dự án mới một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Hiện nay, 98% giao dịch của khách hàng TPBank được thực hiện qua kênh số. Đây là kết quả sau quá trình xây dựng hạ tầng, giải pháp công nghệ, xây dựng quy trình xuyên suốt giai đoạn chuyển đổi số. Hơn 90% hoạt động tại ngân hàng được số hóa, giảm thiểu hồ sơ, giấy tờ, bản cứng trong các quy trình nghiệp vụ.

Điều này cho phép mọi tiến trình, quy trình được tiến hành nhanh hơn, an toàn hơn rất nhiều, cũng như bảo đảm tính toàn vẹn cho dữ liệu. Từ đó, ngân hàng tiết kiệm 40% chi phí vận hành và 60% thời gian giao dịch trung bình tại quầy của khách hàng.

Đơn cử, LiveBank 24/7 - biểu tượng chuyển đổi số của TPBank cũng như ngành ngân hàng, có thể phục vụ 90% nhu cầu giao dịch của khách hàng, nhưng chi phí vận hành chỉ bằng 1/10 so với một chi nhánh/phòng giao dịch.

Nhờ chuyển các hoạt động lên kênh số, quản trị rủi ro cũng tốt hơn thông qua việc phân tích dữ liệu trong nhận diện hoạt động bất thường, phân luồng giám sát.

Với nhiệt huyết và niềm tin kiên định, TPBank vững bước trong giai đoạn khó khăn này, với tâm thế đón đầu thời cơ, san bằng thử thách, chinh phục đỉnh cao mới.

Để nhân viên tin vào tầm nhìn chiến lược

Theo ông Trương Minh Tiến, CEO Viet Research, trong quá trình đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp thường gặp phải thách thức như thiếu nguồn vốn, thiếu sự hỗ trợ từ lãnh đạo, khả năng tiếp cận công nghệ còn hạn chế… Song, nguồn nhân lực chất lượng cao mới là mối quan tâm hàng đầu tại các doanh nghiệp. Phần lớn nhân viên mang tâm lý sợ rủi ro, ngại thay đổi và thử các phương pháp mới.

Báo cáo “Xu hướng nhân tài Việt Nam - 10 năm nhìn lại” của Anphabe công bố mới đây cho thấy, trong một thập kỷ qua, sự thay đổi không chỉ diễn ra liên tục, mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách thức hoạt động của các doanh nghiệp quan trọng tại Việt Nam.

Nếu như năm 2017, để thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tới 97% doanh nghiệp có chiến lược thay đổi để cạnh tranh qua việc cải thiện hệ thống, quy trình, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, gia tăng nhân sự và thay đổi cơ cấu tổ chức, thì đến năm 2020, họ phải thay đổi để tồn tại, với 80% doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân viên, lương thưởng, tái cấu trúc, chuyển hướng kinh doanh để duy trì hoạt động trong giai đoạn Covid -19.

Tới năm 2023, doanh nghiệp một lần nữa điều chỉnh chiến lược để ứng phó trước những thay đổi đột ngột trong môi trường kinh tế - xã hội hoặc chính trị. 81% doanh nghiệp buộc phải thay đổi để thích ứng. Tuy nhiên, với quá nhiều sự thay đổi chiến lược và không chắc chắn về tương lai của doanh nghiệp, cũng như cách thức quản lý khiến nhiều nhân viên cảm thấy hoang mang, mơ hồ. Điều này khiến môi trường làm việc căng thẳng, niềm tin và mức độ gắn kết của nhân viên dần mất đi.

Theo khảo sát của Anphabe, chỉ số Niềm tin và Gắn kết của nhân viên trong năm 2023 ghi nhận sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí thấp hơn cả giai đoạn Covid-19.

Đáng chú ý, qua khảo sát ý kiến của người lao động Việt Nam về việc có tin vào tầm nhìn và chiến lược của công ty hay không, cho thấy một thực tế đáng báo động. Từ mức độ 65% trong năm 2016, Chỉ số Niềm tin của người đi làm trong chu kỳ thay đổi chứng kiến đà giảm sút nghiêm trọng, chạm đáy 49% trong năm 2021. Đến nay, mặc dù có sự điều chỉnh, nhưng vẫn chưa thể khôi phục lại mức ban đầu.

Điều này cho thấy, mặc dù các công ty không ngừng nỗ lực để thích ứng với sự thay đổi, nhưng khả năng quản trị và ứng phó với tình hình biến động vẫn còn hạn chế, gây áp lực cho lãnh đạo và mọi nhân viên trong tổ chức.

Mặt khác, tương ứng với các chu kỳ thay đổi, niềm tin của nhân viên vào năng lực ứng phó của tổ chức cũng suy giảm qua các năm, từ 61% (năm 2017), xuống còn khoảng 56% (năm 2023), phản ánh tầm quan trọng và cần thiết của việc xây dựng sức mạnh của niềm tin, nâng cao năng lực của nhân viên phục vụ cho chiến lược đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Vậy nên, theo ông Nguyễn Hưng, việc chuyển đổi số cần phải bắt đầu từ bên trong, chỉ khi nào nội bộ sẵn sàng, quy trình trôi chảy thì mới có thể phục vụ tốt khách hàng.

“TPBank thành công bởi vì chúng tôi đã để tinh thần chuyển đổi số thấm nhuần từ lãnh đạo đến nhân viên. Các phòng ban chuyên môn sau khi có đề bài phải cùng giải bài toán với đội ngũ IT, bắt tay nhau vừa lập trình, vừa phát triển, vừa vận hành theo mô hình linh hoạt, có như vậy mới thu xếp được đầy đủ nguồn lực để chuyển đổi số thành công”, CEO TPBank chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác