Thời sự
Đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh: Nền kinh tế lại... chờ
Bảo Duy - 07/08/2018 07:57
16,7% nhiệm vụ đã được giao cho các bộ, ngành, địa phương, nhưng chưa được thực hiện hoặc chậm thực hiện. 57,5% số nhiệm vụ đang triển khai, nhưng chưa có kết quả rõ ràng. Chỉ có 25,8% nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng.

Đây là kết quả về việc các bộ, ngành thực hiện Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn 2016-2020. Không ít bộ, ngành chưa làm tròn nhiệm vụ được giao. Nhưng đứng ở góc độ rộng hơn, họ đang bắt nền kinh tế phải chờ đợi.

.

Ngay trong cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh  rằng, "nếu không tái cơ cấu thì sẽ tiếp tục tụt hậu" và rằng, “nhiệm vụ của chúng ta là phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Vì có như vậy, thị trường mới thực sự có sức mạnh tự thân, có thể thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế một cách tự nhiên hơn.

Nghĩa là sẽ phải lành mạnh hóa và đồng bộ, liên thông giữa các loại thị trường, doanh nghiệp phải thuận lợi trong gia nhập và rút khỏi thị trường. Phải thuận lợi hơn trong mua bán, sáp nhập, giải thể, phá sản. Vai trò của pháp luật, thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh có ý nghĩa quyết định. Phải làm rõ hơn vai trò định hướng, điều tiết, can thiệp của Nhà nước khi cần thiết; làm rõ hỗ trợ đầu tư, chứ không chỉ hỗ trợ đầu vào trong tái cơ cấu và phát triển...

Nhưng báo cáo rà soát cho thấy, vẫn có một số bộ, ngành, địa phương chậm hoặc chưa ban hành chương trình, kế hoạch hành động như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế…, các địa phương Kon Tum, Sóc Trăng, Long An, Ninh Thuận, Quảng Ninh, Hòa Bình, TP.HCM... Một số nhiệm vụ được xin lùi thời hạn, một số nhiệm vụ được thực hiện đúng thời hạn, nhưng chưa tạo ra được các đột phá chính sách và có tác động rõ ràng trên thực tế...

Đặc biệt, sự chậm trễ nằm ở các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế mang tính liên ngành, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương, như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp, hoàn thiện và phát triển thị trường các nhân tố sản xuất, nhất là thị trường quyền  sử dụng đất nông nghiệp...

Cũng phải nói thêm, báo cáo rà soát mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm vẫn chưa đủ, bởi mới được tổng kết từ 43 tỉnh, thành phố...

Phải nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ rằng, các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới cách nghĩ, cách làm, phải xác định công tác này là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong điều hành. Từ đó, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thực chất hơn để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Đây cũng chính là yếu tố quyết định đưa nền kinh tế Việt Nam bước vào quỹ đạo phát triển bền vững, tránh tụt hậu.

Tin liên quan
Tin khác