Đổi mới sáng tạo được xác định là một trong những đột phá chiến lược mới của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới. |
Khơi động lực từ đổi mới sáng tạo
Việt Nam đang xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Và một thông tin quan trọng được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ mới đây, đó là ngoài 3 đột phá chiến lược của Chiến lược 10 năm 2011 - 2020 (thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực), thì Chiến lược 10 năm tới đang bàn bổ sung 2 đột phá chiến lược mới: đổi mới sáng tạo, giá trị văn hóa và con người Việt Nam.
“Quá trình xây dựng Chiến lược có thể gộp vào trong 3 đột phá chiến lược cũ, hoặc tách riêng ra làm 5 đột phá chiến lược, nhưng dù thế nào, thì cũng sẽ có những nội hàm về đổi mới sáng tạo, giá trị văn hóa và con người Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, việc xây dựng, hoàn thiện, thử nghiệm khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường cũng sẽ được đề cập.
Bên cạnh đó, định hướng phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Chiến lược cũng sẽ nhấn mạnh việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm; cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro cho việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới; thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, sản xuất - kinh doanh, tổ chức xã hội…
Đây là một định hướng quan trọng, nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia kinh tế quốc tế. Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, GS. Sungchul Chung (Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc - UST) cho biết, Hàn Quốc từng là một trong những nền kinh tế nghèo nhất thế giới, nhưng sau đó đã quyết định chuyển hướng tăng trưởng dựa vào công nghệ thông tin, đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) dựa trên khu vực tư nhân. Đây là một trong những quyết định quan trọng giúp Hàn Quốc trở thành một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ như hôm nay, với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
“Chúng tôi đã sớm nhắm vào mục tiêu ưu tiên những công nghệ có tiềm năng thương mại lớn hơn, những dự án lớn có thể hợp tác liên bộ... Qua đó, đưa Hàn Quốc là ‘đối thủ’ lớn về công nghệ thông tin trên toàn cầu”, GS. Sungchul Chung chia sẻ.
Ông K. Yogeesvaran, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và Hàng hóa Malaysia cũng bày tỏ, bản thân Malaysia sau một thời gian phát triển cũng đã nhận ra rằng, tăng trưởng dựa vào đầu vào sẽ không bền vững trong dài hạn, mà cần phải dựa vào năng suất và đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo cần được định hướng để tạo giá trị và lợi ích kinh tế. “Đổi mới sáng tạo chính là con đường để đưa các nền kinh tế đi tới thịnh vượng”, ông K.Yogeesvaran khẳng định.
“Cuộc chơi” đắt đỏ
Mặc dù đổi mới sáng tạo là một động lực quan trọng để các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, có thể đi tới thịnh vượng, nhưng một cách thẳng thắn, GS. Sungchul Chung cho rằng, không chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia cũng đang rất quan tâm đến khoa học - công nghệ, đến đổi mới sáng tạo, nhưng đây là “cuộc chơi đắt đỏ” đối với các nền kinh tế đang phát triển.
“Dồn nguồn lực vào việc nghiên cứu đổi mới sáng tạo chưa chắc đã phù hợp với các nền kinh tế đang phát triển, cũng là những nền kinh tế có trình độ khoa học - công nghệ chưa thực sự phát triển”, GS. Sungchul Chung khuyến nghị.
Theo vị giáo sư này, các nước đang phát triển nên ưu tiên học hỏi những thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại, đang có của nhân loại để tiếp thu, ứng dụng, biến thành các giá trị kinh tế - xã hội, hơn là chạy theo nghiên cứu cơ bản, phát minh ra cái mới.
“Cần nhận thức đúng nội hàm của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, không phải kêu gọi làm cho sang, mà phải có các chương trình cụ thể, gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế”, GS.Sungchul Chung nói.
Theo GS. Sungchul Chung, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, các nền kinh tế đang phát triển cần ngồi lại, phân tích và lựa chọn cái gì có thể làm tốt nhất để tập trung phát triển, không đầu tư dàn trải.
Ở một góc độ khác, các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cũng cần thúc đẩy phát triển đầu tư mạo hiểm. “Đây chính là động lực thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo”, bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley nói.
Lấy ví dụ về một nhà đầu tư ngoại đã đợi hơn 1 năm mà chưa xin được giấy phép thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm cho các start-up, bà Thạch Lê Anh nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cần tạo thuận lợi hơn nữa cho đầu tư mạo hiểm, cho các start-up phát triển. Thậm chí, có thể cần tính tới phương án xây dựng dự luật về đầu tư mạo hiểm để tạo môi trường pháp lý đầy đủ cho mô hình này phát triển.
Hiện, để chuyển đổi nền kinh tế sang tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về 4.0, đã ban hành Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, đồng thời đang tích cực chuẩn bị để xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, cũng như mở rộng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, nhằm thiết lập một hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đổi mới sáng tạo thực sự trở thành một đột phá chiến lược, thì còn rất nhiều việc phải làm, bởi hiện tại, các kế hoạch mới chỉ đang bắt đầu. Hơn nữa, để thực sự chuyển đổi thành nền kinh tế đổi mới sáng tạo, còn đòi hỏi Việt Nam phải có nguồn lực lớn, bao gồm cả nguồn lực tài chính và nguồn lực con người, và đây chính là một thách thức vô cùng lớn.
Tạo “vốn mồi” để thu hút đầu tư tư nhân vào start-up
Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực về khởi nghiệp sáng tạo, nhưng số tiền thực sự vào Việt Nam chỉ chiếm 1%.
Dẫn câu chuyện GotIt (start-up với ứng dụng giải bài tập về nhà chỉ trong 10 phút) gọi vốn thành công 12 triệu USD, nhưng là gọi vốn tại Mỹ; Lozi (start-up cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và giao hàng trong vòng 1 giờ) được định giá tới hơn 30 triệu USD và cũng nhận vốn từ Singapore, chứ không phải Việt Nam, bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley đề xuất, Chính phủ Việt Nam nên có các quỹ đầu tư vào các start-up, tạo “vốn mồi” để thu hút đầu tư tư nhân.