Thời sự
Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp
Hải Hà - 13/12/2014 15:29
() Dự án đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp (VIIP) sẽ tạo điều kiện về vốn giúp doanh nghiệp có sáng kiến về công nghệ tốt sẽ áp dụng được trên thực tế tạo sức cạnh tranh cao, duy trì khả năng tăng trưởng cho doanh nghiệp. 
TIN LIÊN QUAN

Đây là nội dung chính đưa ra tại hội thảo giới thiệu thông tin Dự án đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp (Dự án VIIP) vừa tổ chức tại Hà Nam.

VIIP sử dụng vốn vay của WB với tổng số vốn đầu tư hơn 55 triệu USD thực hiện thời gian 5 năm (2013-2018) với mục tiêu tăng cường năng lực cho Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai chương trình đổi mới tại Việt Nam.

Hưởng lợi từ dự án là các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dự án sẽ tạo cơ chế kết hợp vừa cấp phát vừa cho vay nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cấp, mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ và thương mại hóa sản phẩm hướng tới lợi ích của nhóm người nghèo và người thu nhập thấp.  

   
  Ông Vũ Đại Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đánh giá cao khả năng hỗ trợ DN của Dự án  

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Giám đốc dự án nhấn mạnh, dự án tăng cường khai thác những ngành có tiềm năng tại Việt Nam là dược liệu Y học cổ truyền, công nghệ thông tin truyền thông và nông nghiệp thủy sản với cách tiếp cận mới và phổ biến rộng. Nguồn vốn hỗ trợ cho mỗi dự án của các tổ chức hưởng lợi lên tới 4/5 tổng vốn mỗi dự án các tổ chức hưởng lợi thực hiện.

"Hiện nay, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia cũng đang trình hồ sơ để có được nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB). Do đó, thời điểm này chính là cơ hội tốt để Việt Nam tận dụng sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.", ông Cương nhấn mạnh thêm.  

Các cơ quan nhà nước thông qua dự án cũng sẽ nâng cao năng lực trong việc hoạch định chính sách phát triển doanh nghiệp và chính sách đổi mới công nghệ. Dự án này cũng khuyến khích các viện nghiên cứu và doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ trong việc phát triển, nâng cấp các kết quả nghiên cứu và công nghệ phát triển thành sản phẩm có chất lượng tốt hơn với giá thành hợp lý hơn phục vụ người thu nhập thấp.

Theo ông Vũ Đại Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, đây là dự án có tính đặc thù áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Dự án này sẽ giải quyết được những thách thức hiện tại của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, như sức cạnh tranh yếu, giá trị gia tăng thấp và dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

"Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ đa nguồn vốn từ nguồn vốn đối ứng của tỉnh và huy động những nguồn vốn khác nhau và từ vốn của dự án VIIP để giúp doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải là người đề xuất ý tưởng về dự án mà doanh nghiệp muốn tiến hành xem có phù hợp mục tiêu hiệu quả thương mại không. Dự án cũng đặt mục tiêu thu hút người lao động và nâng cao mức sống người thu nhập thấp được hưởng lợi. Do đó, VIIP có ứng dụng cao trong thực tế và có tính lan tỏa rộng", ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hà Nam nói.

Tại hội thảo, đại diện Công ty giống cây trồng Hà Nam, cơ sở chế biến nông sản Nhân Bình và bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nam cũng đề xuất ý tưởng sơ bộ về những dự án mà các doanh nghiệp sẽ làm thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Cương cũng nhấn mạnh, để thực sự nhận được hỗ trợ nguồn vốn từ dự án, hồ sơ của doanh nghiệp cần xây dựng những kế hoạch có tính dài hơi trong đó có sử dụng nhiều lao động thu nhập thấp, khả năng nâng cao đời sống người lao động và công nghệ áp dụng được đánh giá theo tiêu chí cụ thể sẽ có nhiều cơ hội nhận được hỗ trợ từ VIIP.

Ông Cương cũng nhấn mạnh, VIIP không hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp mà chỉ hỗ trợ từ khâu mua nguyên liệu, sản xuất ra sản phâm và xuất khẩu sang thị trường nào đó. 

Tin liên quan
Tin khác