Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học tại một số quốc gia
Toạ đàm mang tên “Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học: Gắn kết với doanh nghiệp và địa phương” vừa được diễn ra với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Sự kiện do Chương trình khởi nghiệp Thụy Sỹ - Swiss EP, Hệ thống BK Holdings (Đại học Bách Khoa Hà Nội), Hiệp hội đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thành phố Hà Nội (Hanisa) và Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Đại học, Cao đẳng Việt Nam (VNEI) đồng tổ chức.
Câu chuyện của ông Kevin X. Murphy ,Chủ tịch J.E Austine truyền cảm hứng mạnh mẽ khi đã và đang triển khai thành công hơn 700 dự án đổi mới sáng tạo tại 127 quốc gia. |
Các khách mời đặc biệt gồm ông Kevin X. Murphy, Chủ tịch J.E Austine cùng các chuyên gia của tổ chức Swiss EP, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - NIC (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ khoa học và Công nghệ), các giám đốc trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường Đại học, các chuyên gia từ Hiệp hội HANISA, Mạng lưới VNEI, đại diện một số doanh nghiệp điển hình và đại diện ban điều hành Mạng lưới Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (VNEI).
Câu chuyện của ông Kevin X. Murphy truyền cảm hứng mạnh mẽ với các con số ấn tượng khi đã và đang triển khai, giám sát thành công hơn 700 dự án tại 127 quốc gia.
Ông cho biết đã có thời gian dài làm việc với Swiss EP tại Việt Nam trong các lĩnh vực như giáo dục đại học, vườn ươm doanh nghiệp và khu vực công. Theo ông, ngay cả trẻ em cũng có thể trở thành những doanh nhân tương lai.
Từ năm 2002, khi đặt chân đến Việt Nam, ông đã làm việc với dự án Năng lực cạnh tranh của Việt Nam, vì thế ông đã có những đánh giá về chiến lược đổi mới sáng tạo ở đây.
Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có nguy cơ phát triển chậm lại nếu không có sự chuyển mình. Để đạt mức thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ.
Ông cũng nhấn mạnh đổi mới sáng tạo phải là ưu tiên hàng đầu. Việc của các trường đại học là phải xác định điều cần làm và cách thức thực hiện để đạt được mục tiêu này. Các chính sách, đầu tư và sáng kiến cần được thực hiện đồng bộ. Tất cả các ngành phải hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu thông qua chính phủ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Lấy ví dụ ở Đại học California Berkeley chính phủ và đại học có thể hợp tác hiệu quả để tạo nguồn tài trợ nghiên cứu, tránh việc giảng viên phải làm thêm ngoài giờ.
Stanford và MIT cũng có ngân sách riêng để duy trì hoạt động nghiên cứu. Hình thức hợp tác này giúp giảm chi phí và tăng chất lượng giáo dục, đồng thời giúp các ngành công nghiệp, địa phương và chính quyền hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và in 3D đang thay đổi cách thức nghiên cứu và sản xuất.
Ngoài ra tại một số đất nước như Hàn Quốc, Chính phủ hỗ trợ trực tiếp, tài trợ và tập trung vào nghiên cứu. Ở Mỹ, các doanh nghiệp tư nhân chủ động nghiên cứu, nổi bật trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, y tế. Tại Thụy Điển, mô hình hợp tác ba bên giữa trường đại học, chính phủ và khu vực tư nhân.
Hướng đi đổi mới sáng tạo tại các trường đại học Việt Nam
Tại toạ đàm, các chuyên gia đã thảo luận về các chính sách quảng bá trường đại học nhằm thu hút vốn đầu tư cho các startups/spinoffs. Chính sách đưa công nghệ vào cuộc sống, các chỉ số đổi mới sáng tạo có thể áp dụng cho các địa phương tại Việt Nam và khung pháp lý thành lập quỹ đầu tư tại Việt Nam
Những tham luận thực tế và thảo luận chuyên sâu từ các diễn giả đã mở ra nhiều giải pháp mới nhằm phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục.
Theo ông Kevin X. Murphy, chính phủ cần xây dựng cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho cả nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Một số thách thức bao gồm tốc độ đổi mới chậm và thiếu sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ.
Ông lấy ví dụ như ở Mỹ, các trường đại học nhận hỗ trợ từ cả khu vực công và tư nhân, giúp phát triển các trung tâm nghiên cứu lớn như thung lũng Silicon.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch VNEI cho biết, vấn đề đổi mới sáng tạo đã và đang rất “hot” và nhận được sự chung tay, vào cuộc của các đơn vị với mục tiêu xây dựng môi trường đổi mới sáng tạo bên trong trường học và mở rộng ra cồng đồng.
Chủ đề đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đang được quan tâm mạnh mẽ từ các cơ sở giáo dục. |
“Các trường đại học của Việt Nam như Trường Kinh tế - Trường Đại học công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Phenika, Đại học Bách Khoa Hà Nội... cũng đang nỗ lực xây dựng môi trường đổi mới sáng tạo bên trong trường học và mở rộng ra cộng đồng trong nước và quốc tế. Các trường đại học và ngành công nghiệp đang nỗ lực tăng cường hợp tác trong các hoạt động nghiên cứu, chia sẻ kết quả với các trường phổ thông, các trường đại học khác và giải quyết các vấn đề thực tiễn”, ông Nguyễn Trung Dũng chia sẻ.
Ông cũng chỉ ra từ Israel cho thấy chính phủ nước này đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu, hỗ trợ doanh nhân và các chuyên gia toàn cầu. Trong khi đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - NIC cũng đã có những nỗ lực hướng tới việc ứng dụng Editech, hỗ trợ đổi mới sáng tạo ngay từ trong trường học.
Tại Việt Nam, các trường hợp cụ thể như Trường Đại học Phenikaa tiên phong trong việc xây dựng môi trường đổi mới sáng tạo bên trong trường học và mở rộng ra cộng đồng.
Các chương trình dành cho cựu sinh viên tại các trường đại học và phổ thông có vai trò quan trọng. Hỗ trợ từ các quỹ như Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội (BK Fund) và các doanh nghiệp có thể giúp đỡ các start-up trẻ phát triển.