Đầu tư và cuộc sống
Đời “phu đường” đã bớt nhọc nhằn, gian nan
Bảo Như - 14/03/2024 21:50
Đã qua dần cảnh nhà tạm, tranh tre, nứa lá, giờ đây công nhân tại một số doanh nghiệp giao thông lớn đang được sinh hoạt trong các căn nhà lắp ghép hiện đại, có điều hoà dù là tại công trường vùng sâu, vùng xa.

Khu nhà làm việc và nhà ở công nhân khang trang của Gói thầu XL01 - Dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong.

Đúng 11h sau khi hồi còi vang rền báo hiệu ca làm việc kết thúc, nhóm công nhân của Tập đoàn Đèo Cả đang thi công hạng mục hầm Tuy An, Gói thầu XL01 - Dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 nhanh chóng thu gọn thiết bị, đồ nghề lên chiếc xe ô tô 16 chỗ về Ban điều hành Gói thầu nằm cách đó chỉ chừng 1 km.

Mới đầu tháng 3/2024 nhưng ở Phú Yên đã nắng rất rát nên ca làm việc đầu tiên trong ngày được đẩy lên sớm từ 6h sáng để công nhân kết thúc ca làm việc vào lúc 11h.

“Chúng tôi có khoảng 2h ăn trưa và tranh thủ ngả lưng chốc lát trước khi quay trở lại công trường vào lúc 13h chiều”, ông Đỗ Ngọc Kiên, 49 tuổi, một trong số các trưởng ca thi công hầm Tuy An của Tập đoàn Đèo Cả cho biết.

Nghề thi công hầm vốn được biết đến là nặng nhọc bậc nhất của ngành cầu đường, dù đã có nhiều thiết bị hiện đại hỗ trợ nhưng chỉ riêng việc đứng trong môi trường thiếu dưỡng khí, ẩm thấp 4 – 5 tiếng liên tục cũng là một thách thức rất lớn đối với nhiều người. Vì vậy, các thợ hầm rất quan tâm đến quãng nghỉ ngắn trong ngày trước khi trở lại với nhịp độ khẩn trương của công trường.

“Ở công trường thi công Gói thầu XL01 hay tại các dự án khác của Tập đoàn Đèo Cả, đời sống công nhân được chăm lo khá tốt. Chúng tôi được ăn 4 bữa miễn phí trong ngày. Các khu nghỉ đều là những căn hộ lắp ghép màu sắc trang nhã, thông thoáng có khả năng cách âm và cách nhiệt tốt, có điều hoà; tắm nóng lạnh. Đây là một trong nhiều sự tử tế mà tôi nhận được sau gần 4 năm làm việc cho tập đoàn này”, ông Đỗ Ngọc Kiên chia sẻ.

Cần phải nói thêm rằng, trước khi về đầu quân cho Tập đoàn Đèo Cả, ông Đỗ Ngọc Kiên đã có tới 24 năm làm việc cho một nhà thầu lớn khác trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, trong đó có nhiều năm là đội trưởng, chỉ huy trưởng công trường nên không quá xa lạ với cảnh sinh hoạt tạm bợ: ở thì tranh tre, nứa lá; nước thì dùng giếng khoan ố vàng.

Khi về với Tập đoàn Đèo Cả, ông Đỗ Ngọc Kiên rất ấn tượng đối với cơ cở vật chất khang trang tại các công trường và việc thường xuyên được thăm khám sức khoẻ định kỳ để đảm bảo sức khoẻ lao động lâu dài.

Người lao động được Tập đoàn Đèo Cả khám sức khoẻ định kỳ ngay trên các công trường.

Là một trong những công nhân kỹ thuật bậc cao chuyên thi công hầm, anh Bùi Hồng Vận, Tổ trưởng Tổ khoan thi công Hầm Tuy An đã gia nhập Tập đoàn Đèo Cả từ năm 2017, từng “chinh chiến” qua các dự án như Hầm Cù Mông, bao biển Quảng Ninh, Cổ Mã… Trong 6 năm làm việc tại Tập đoàn Đèo Cả thì có đến 3 năm anh Bùi Hồng Văn ăn Tết tại công trường.

“Thực ra ai cũng muốn có ngày Tết sum họp bên gia đình nhưng vì tiến độ công việc gấp gáp nên chúng em phải gác lại niềm vui riêng. Ngày Tết trên công trường, cánh thợ hầm như em cũng chỉ nghỉ 1 ngày Mùng một rồi lao vào hầm. Tất nhiên ngày Tết thì lương thưởng cũng cao hơn. Gia đình ở quê cũng yên tâm khi biết bọn em sinh hoạt đảm bảo, ăn ở khang trang”, anh Bùi Hồng Vận cho biết.

Theo ông Trương Công Đạt – Giám đốc Ban điều hành Gói thầu XL01 của Tập đoàn Đèo Cả, trên công trường trọng điểm này, đơn vị đang bố trí hơn 400 cán bộ công nhân viên lao động 3 ca liên tục.

Để đảm bảo chất lượng đời sống cho người lao động, Ban điều hành đã đầu tư hơn 8 tỷ để xây dựng khu văn phòng làm việc và khu nhà ở lắp ghép hiện đại trên diện tích gần 10.000 m2 gần công trường. Khu điều hành này còn xây dựng ở 1 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo sẵn sàng phục vụ người lao động thể thao, rèn luyện sức khoẻ.

Chi phí này dù cao gấp nhiều lần định mức mà Nhà nước cho phép nhưng lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả vẫn quyết định làm theo đúng tiêu chuẩn công trường chung của đơn vị để người lao động có điều kiện ăn ở tốt, qua đó chuyên tâm hơn vào các công việc được giao.

“Theo quy định, phòng ở của cán bộ kỹ thuật bố trí 6 giường cho 6 người trong phòng khép kín, có bình nóng lạnh, điều hoà, quạt, quạt hút… Mỗi phòng ở của công nhân, lái xe, lái máy có diện tích 40m2 bố trí 16 nhân sự/phòng với điều hoà, 2 quạt hút”, ông Trương Công Đạt chia sẻ.

Theo ông Ngọ Trường Nam – Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, ngoài việc không bao giờ nợ lương, chậm lương, còn có một lý do quan trọng khác khiến người lao động gắn bó với Tập đoàn Đèo Cả, thậm chí có công nhân kỹ thuật gắn bó cả chục năm là việc đơn vị luôn quan tâm, tạo điều kiện ăn ở tốt nhất cho người lao động trên công trường, kể cả những công trường vùng sâu vùng xa.

“Chúng tôi đã thay đổi khái niệm “lán trại hiện trường” thành “văn phòng, nhà ở hiện trường” với cơ sở vật chất trang thiết bị khang trang. Những điều kiện này không chỉ dành cho các cấp quản lý mà từng công nhân cũng được chăm lo, đảm bảo nơi ăn chốn nghỉ đàng hoàng (có điều hoà, nước nóng, bếp ăn tập thể, khu thể thao) nhằm đảm bảo điều kiện làm việc, sinh hoạt tốt nhất cho người lao động, giúp tái tạo sức lao động, tăng hiệu suất làm việc”, ông Nam chia sẻ.

Ông Ngọ Trường Nam cho biết, do khối lượng việc khổng lồ và guồng máy hệ thống vận hành liên tục, đòi hỏi “đầu vào” thiết yếu ở cán bộ, công nhân ở Tập đoàn Đèo Cả là phải có sức khoẻ tốt để đáp ứng yêu cầu công việc.

Bên cạnh tổ chức khám sức khoẻ định kỳ và xây dựng hồ sơ y tế điện tử theo dõi sức khoẻ tổng quát cho các cố vấn, cán bộ chủ chốt và người lao động, Tập đoàn đặc biệt quan tâm đảm bảo sức khoẻ cho anh em kỹ sư, công nhân các công trường dự án. Sức khoẻ chỉ cho bản thân là chưa đủ, nhiều khoá đào tạo sơ cấp cứu được tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công nhân viên để ứng biến trong một số tình huống rủi ro về sức khoẻ có thể xảy đến với đồng nghiệp khi làm việc.

Cần phải nói thêm rằng, tấm gương của Đèo Cả và một số đơn vị lớn khác đã từng bước thay đổi nhận thức tư duy của nhiều nhà thầu trong ngành GTVT trong việc đối đãi với người lao động. Đi dọc công trường cao tốc Bắc – Nam đã thấy có thêm nhiều khu ở công nhân khang trang, hiện đại qua đó bớt đi những nỗi nhọc nhằn sau cả ngày đẵng đẵng “dãi nắng, dầm mưa” của người thợ cầu đường.

Ông Lê Đình Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT – người có thời gian dài gắn bó với Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 rất ấn tượng với cách tổ chức làm việc, bố trí ăn ở chuyên nghiệp, bài bản cho người lao động của Tập đoàn Đèo Cả dù công trường của đơn vị này luôn ở những nơi vùng xa, vùng sâu, xa khu dân cư.

“Có nhiều thước đo cho sự tử tế, chuyên nghiệp của một nhà thầu, trong đó có việc người đứng đầu doanh nghiệp thực sự quan tâm, chăm lo cho người lao động trong doanh nghiệp. Không xuất phát từ cái tâm, sự tử tế của người chủ thì công nhân khó có thể hết lòng, làm việc tậm tâm, tận lực. Ở Đèo Cả tôi luôn nhận thấy sự tử tế này”, ông Thọ đánh giá.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng: Rất hiếm có doanh nghiệp chuyên về hạ tầng giao thông nhưng lại rất quan tâm đến công tác đào tạo để cập nhật kiến thức, kinh nghiệm cho CBCNV, người lao động trong tổ chức và còn quan tâm ý thức phát triển nhân lực cho ngành. Phải nói rằng, cách làm này của Đèo Cả đã góp phần làm nên sự khác biệt về thương hiệu, xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp. Đó là những giá trị vô hình to lớn cần được giữ gìn, phát huy.
Tin liên quan
Tin khác