Đầu tư
Đối tác ngoại ngắm nghía dự án sân bay
Nguyên Đức - 17/06/2013 06:52
Tập đoàn ADC-HAS Airport (có trụ sở tại Houston, Hoa Kỳ) đang muốn đầu tư vào Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa). Không chỉ Cam Ranh, nhiều kế hoạch phát triển cảng hàng không khác ở Việt Nam cũng đang chờ vốn ngoại.
TIN LIÊN QUAN

Thông tin từ ADC-HAS Airport, liên doanh giữa ADC Canada (Airport Development Corporation) và HAS Hoa Kỳ (Houston Airport System), chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và vận hành sân bay cho biết, Tập đoàn dự kiến hợp tác với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam để triển khai xây dựng Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.

Sân bay Cam Ranh sẽ được mở rộng để tiếp nhận các loại máy bay lớn. (Ảnh: Đức Thanh)

“Có thể trong tháng tới, chúng tôi sẽ gửi tới Tổng công ty Hàng không Việt Nam bản kế hoạch chi tiết về dự án này”, đại diện của ADC-HAS cho biết.

Thực tế, ADC-HAS đã tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư các sân bay từ 3 năm nay. Mối quan tâm của nhà đầu tư này là các dự án sân bay ở khu vực miền Trung, như Cam Ranh, Đà Nẵng, Phú Bài…, nhưng cuối cùng đã “chốt” ở phương án Cam Ranh.

Cuối tháng 5 vừa qua, đại diện của ADS-HAS đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng xung quanh dự án này. Sau đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu đã tiếp bà Nancy Rivera, Giám đốc Dự án, Bộ phận Cấu trúc tài chính, Cơ quan Quản lý đầu tư tư nhân hải ngoại Hoa Kỳ (OPIC).

Được biết, OPIC đã cho ADC-HAS vay vốn để triển khai các dự án sân bay ở Ecuador, Costa Rica và đang sẵn sàng tài trợ vốn để ADC-HAS triển khai dự án tại Việt Nam.

“OPIC sẽ cung cấp vốn cho ADC-HAS, đồng thời đẩy mạnh hoạt động ở Việt Nam. Chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ các dự án hợp tác công - tư (PPP) khác nữa ở Việt Nam. Nếu dự án tốt, OPIC có thể cho vay đến 250 triệu USD/dự án”, bà Rivera cho biết.

Ngoài ADC-HAS, Tập đoàn Airis International (Hoa Kỳ cũng đã từng bày tỏ mối quan tâm đến Dự án Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, nhất là sau khi các đề xuất của tập đoàn này liên quan đến việc phát triển Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài bị từ chối.

Hiện tại, ngoài ADC-HAS, Airis, còn có Joinus và Tổng công ty Cảng hàng không Hàn Quốc quan tâm tới các kế hoạch xây dựng sân bay ở Việt Nam. Tuy nhiên, mục tiêu mà hai nhà đầu tư này hướng tới là Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh).

Trước Joinus, Rockingham Asset Mangentment đã từng đề xuất việc xây dựng Sân bay Vân Đồn, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên, sau đó, do gặp khó khăn về tài chính, tập đoàn này đã xin rút khỏi dự án này.

Tập đoàn Sân bay Changi (Singapore) cũng đã từng tới Việt Nam bày tỏ mối quan tâm tới các kế hoạch phát triển sân bay của Việt Nam.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, hàng loạt dự án sân bay lớn tại Việt Nam, như Cảng hàng không quốc tế Long Thành (TP.HCM), Cảng hàng không quốc tế Chu Lai (Quảng Nam)… cũng đang chờ vốn đầu tư cả trong và ngoài nước.

Theo quy hoạch, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai được phát triển thành cảng hàng không trung chuyển hàng hóa quốc tế trong khu vực. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, nhu cầu vốn đầu tư của Chu Lai dự kiến khoảng 1 tỷ USD.

Còn Cảng hàng không quốc tế Long Thành Long Thành, được quy hoạch thành một cảng hàng không trung chuyển tầm cỡ quốc tế, có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trên thế giới. Cảng hàng không này dự kiến được xây dựng với công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, với tổng mức đầu tư cho giai đoạn đến năm 2020 khoảng 6,7 tỷ USD. Dự án đã được Bộ Giao thông - Vận tải hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Hội đồng Thẩm định Nhà nước, trước khi trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tin liên quan
Tin khác