Chương trình Đối thoại đầu tuần với chủ đề "Lấp khoảng trống thiếu hụt nhân sự du lịch", do Báo Đầu tư thực hiện có sự tham gia của hai vị khách mời gồm: ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel, đại diện Prato và bà Nhữ Thị Ngần, CEO Hanoitourism, sáng lập THD centre. (Ảnh: Hồ Hạ) |
Khủng hoảng nhân sự du lịch
Kể từ khi Chính phủ cho phép mở lại toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022, ngành kinh tế xanh Việt Nam đã và đang phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 kéo dài suốt hơn 2 năm đã khiến ngành du lịch lâm vào cuộc khủng hoảng nhân sự lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Hàng trăm ngàn hướng dẫn viên, điều hành tour, nhân viên khách sạn, nhà hàng, thậm chí các ông chủ doanh nghiệp du lịch… phải đổi nghề.
Theo báo cáo mới nhất về nhân sự của Tổng cục Du lịch, Việt Nam nằm trong top những nước có nhiều nhân sự ngành du lịch nghỉ việc và chuyển dịch nhất do “sóng thần” Covid-19. Năm 2020, khoảng 52% lao động ngành du lịch đã nghỉ hoặc chuyển việc. Số nhân sự làm đủ thời gian chỉ chiếm 24%. 44% lực lượng lao động có thâm niên 5-10 năm đã chuyển nghề, con số với lao động sau đại học lên tới 90%.
Đến nay, khi Việt Nam đã mở toang cánh cửa du lịch được gần 5 tháng, vẫn còn rất nhiều lao động ngành du lịch không có nhu cầu quay trở lại, để lại khoảng trống thiếu hụt nhân sự du lịch, cả về số lượng và chất lượng.
Thực tế, tình trạng mất cân bằng cung - cầu đối với lao động có trình độ từ lâu đã là vấn đề nan giải của ngành kinh tế xanh. Trước khi Covid-19 xuất hiện, số liệu thống kê cho thấy, chỉ có 42% lao động được đào tạo bài bản về du lịch, tức là đào tạo nghề hoặc tương đương, 38% từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy.
Trong khi đó, du lịch được ví là một nghề hạnh phúc. Làm du lịch không đơn thuần là bán tour, các gói nghỉ dưỡng, mà là “bán” trải nghiệm. Ngành kinh tế xanh không thể mang đến cho du khách trải nghiệm tuyệt vời nếu thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm thực tế.
Liên kết ba nhà
Nhằm tạo ra nhân sự chất lượng cho ngành kinh tế xanh, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã mở trung tâm đào tạo du lịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu tuyển dụng nhân sự du lịch đang rất lớn, theo bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Hanoitourism, sáng lập Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực du lịch (THD Centre), thời gian tới, tính liên kết giữa ba nhà (Nhà nước, nhà trường, nhà tuyển dụng) cần chặt chẽ hơn nữa.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Đạt, đồng sáng lập Trung tâm Đào tạo du lịch thực tế (Prato) cho rằng, Nhà nước phải có cơ chế, chính sách tạo ra môi trường tốt để nhân sự ngành du lịch có thể học tập và phát triển. Các nhà trường phải đào tạo 50% lý thuyết, 50% thực hành, để sau khi ra trường, sinh viên làm đúng ngành, đúng nghề và có công việc tốt, mức lương cao. Còn ở góc độ doanh nghiệp, cần sẵn sàng kết hợp với các nhà trường cho sinh viên thực tập, học tập kiến thức từ thực tế.
Bà Ngần cho biết, phương pháp đào tạo của THD Centre là cầm tay chỉ việc và khơi gợi cho người học tinh thần tự học, để họ nhớ lâu và phát triển bản thân. “Chúng tôi nhắm vào kỹ năng thực tế, trải nghiệm thực tế của nhân sự trong từng tình huống và các vị trí. Chúng tôi không ép họ vào những lớp kỹ năng hay những chuyên đề, mà định hướng để họ hình dung được môi trường họ mong muốn làm việc có những vị trí nào, yêu cầu ra sao. Chúng tôi cũng tư vấn cho họ vào đúng vị trí họ mong muốn, phù hợp với năng lực của họ”, bà Ngần cho biết.
Theo bà Ngần, mục đích của quy trình đào tạo là đảm bảo phục vụ đúng chất lượng như đã cam kết với khách hàng. Các kỹ năng đều được đề cao và tính cảm xúc được đặc biệt coi trọng, vì các công ty du lịch đều ứng dụng công nghệ, tự động hóa từ việc tư vấn bằng chatbot đến các phần mềm tương tác với khách hàng, thậm chí không cần gặp khách hàng, vẫn có thể cung ứng dịch vụ cho họ.
“Đó là cái hay, nhưng cũng có thể khiến du khách lâm vào trạng thái cô đơn. Và nhiệm vụ của những người làm du lịch là làm sao lấp được khoảng trống cô đơn đó cho khách hàng. Việc đón tiếp, phục vụ du khách chính là thế giới của hậu công nghệ giàu xúc cảm”, CEO Hanoitourism nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết, Prato không chỉ đào tạo về du lịch thực tế, mà là thực chiến từ người làm du lịch hơn 20 năm kinh nghiệm. Nghề du lịch không đòi hỏi lý thuyết cao siêu, nhưng phải cực kỳ sát với thực tế, vì du khách hiện nay có rất nhiều kinh nghiệm, nếu tư vấn không chuẩn, phục vụ không tốt, thì sẽ mất khách ngay.
“Chúng tôi đào tạo nhiều kỹ năng từ bán hàng, điều hành tour, hướng dẫn viên… để mỗi nhân sự có thể vừa làm việc độc lập, vừa có thể phối hợp tốt với các bộ phận khác và làm du khách hài lòng, đem lại lợi nhuận cho công ty”, ông Đạt chia sẻ.
Nhóm thứ nhất liên quan đến phát triển sản phẩm du lịch mới để học viên biết cách thiết kế các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thực tế, là sản phẩm “may đo”, chứ không phải thứ áp đặt cho khách.
Nhóm thứ hai là kỹ năng liên quan đến truyền tải, tư vấn để người làm du lịch chỉ ra được những điểm ưu việt hơn trong chương trình, sản phẩm để thuyết phục khách hàng.
Nhóm thứ ba liên quan đến tổ chức và quản lý chất lượng dịch vụ.