Cuộc họp xoay quanh những thắc mắc mà HLGVN kiến nghị lên Chính phủ liên quan đến Dự án Khu công nghiệp Hòa Tâm và việc điều chỉnh giấy phép đầu tư Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô.
| ||
Buổi đối thoại giữa UBND tỉnh Phú Yên và Hội Luật gia Việt Nam (HLGVN) ngày 19/8 tại Phú Yên |
Tại cuộc họp, ông Lê Văn Trúc một lần nữa khẳng định, đúng ra cuộc họp này diễn ra trong tháng 7 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tuy nhiên, trong thời điểm đó, UBND tỉnh bận chủ trì một số cuộc họp quan trọng theo chương trình kế hoạch đã bố trí lịch và chuẩn bị nội dung trình ra kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 8 - khóa VI. Vì vậy, buổi làm việc này được chuyển sang tháng 8 theo CV số 2377/UBND-ĐTXD gửi HLGVN ngày 29/7/2013.
Đoàn HLGVN do ông Phạm Quốc Anh, chủ tịch Hội dẫn đầu đã nêu ra bảy vấn đề mà HLGVN cho rằng UBND tỉnh Phú Yên “sai phạm”.
HLGVN cũng đã nhấn mạnh một số ý kiến của mình rằng, UBND tỉnh Phú Yên làm trái ý Thủ tướng Chính phủ trong việc giải quyết Dự án KCN Hòa Tâm và điều chỉnh giấy phép đầu tư Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô.
HLGVN cũng cho rằng, UBND tỉnh tự điều chỉnh quy hoạch, không thông qua ý kiến các bộ, ngành, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, mà cụ thể là CTCP Hiệp Hòa Phát.
Đặc biệt, HLGVN tỏ ra nghi ngờ về số tiền đặt cọc 5 triệu USD mà Công ty TNHHH Dầu khí Vũng Rô đặt cọc đầu tư Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô.
Được biết, để đưa ra ý kiến trên, Hội đã lập một tổ công tác và nghiên cứu 200 văn bản liên quan, cho thấy HLGVN rất quan tâm tới vấn đề liên quan đến nhà đầu tư Hiệp Hòa Phát.
Liên quan vấn đề này, ông Trúc khẳng định, việc quyết định điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty CP Hiệp Hòa Phát để giao đất cho Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô đầu tư xây dựng Nhà máy lọc dầu Vũng Rô là quyết định của tập thể lãnh đạo tỉnh Phú Yên, xuất phát từ việc cân nhắc để đảm bảo lợi ích của đất nước, của nhân dân và sự phát triển lâu dài của địa phương.
Quy trình trên đã được tỉnh căn cứ vào Luật Đầu tư và theo đúng với chủ trương của Chính phủ tại Thông báo số 52/TB-VPCP ngày 01/02/2013 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô.
Ông Trúc cho rằng, theo Luật Đầu tư, việc chậm trễ đầu tư Dự án KCN Hòa Tâm hơn một năm thì UBND tỉnh có đủ điều kiện để thu hồi dự án này. Nhưng với mong muốn giữ chân các nhà đầu tư, tỉnh Phú Yên chưa tính đến việc thu hồi dự án.
Tuy nhiên, nếu sắp tơi, Hiệp Hòa Phát không triển khai hoặc không chấp nhận điều chỉnh bổ sung quy hoạch KCN Hòa Tâm, thì UBND tỉnh sẽ xem xét thu hồi toàn bộ dự án này.
Giải đáp việc HLGVN cho rằng, tỉnh Phú Yên tự ý điều chỉnh giấy phép đầu tư, Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên khẳng định rằng, tỉnh đã tổ chức cuộc họp và lấy ý kiến của nhiều cơ quan trước khi điều chỉnh.
Ông Trúc bổ sung thêm, trước khi ký, UBND tỉnh đã gửi văn bản dự thảo để xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành. Đồng thời, ngày 25/3/2013, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp mời các bộ, ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) để cho ý kiến góp ý dự thảo Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh của dự án. Và, các bộ ngành đã có văn bản góp ý cho Dự thảo giấy chứng nhận đầu tư.
Về cơ sở pháp lý trong việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, ông Trúc cho rằng, trước khi Chính phủ đồng ý, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có ý kiến tổng hợp trình Chính phủ.
Ngoài ra, Dự án KCN Hòa Tâm do Hiệp Hòa Phát đăng ký đầu tư chỉ mới dừng lại ở việc khảo sát, chưa phê duyệt quy hoạch, chưa được tỉnh quyết định giao đất, chưa có bất cứ công trình nào trên phạm vi đất nghiên cứu thì UBND tỉnh cân nhắc lợi ích chung của tỉnh để điều chỉnh là hoàn toàn hợp lý.
Liên quan đến số tiền đặt cọc, theo ông Trúc, việc UBND tỉnh Phú Yên ký cam kết với Vũng Rô, qua đó, Vũng Rô sẽ chuyển 05 triệu USD ký gửi tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) tỉnh Phú Yên là theo yêu cầu của tỉnh.
Đây là thỏa thuận của hai bên để giữ niềm tin với nhau và khi Nhà đầu tư không thực hiện Dự án thì địa phương không bị thiệt thòi do chờ đợi mất cơ hội kêu gọi nhà đầu tư khác.
Mục đích sử dụng số tiền 5 triệu USD là dành cho công tác bồi thường, GPMB khi dự án được phép triển khai. Nếu Dầu khí Vũng Rô không triển khai đầu tư dự án theo cam kết thì số tiền này sẽ được sung vào ngân sách tỉnh. Như vậy, khoản tiền 5 triệu USD là rất rõ ràng và minh bạch.
Phía HLGVN cũng tỏ ra nghi ngờ về năng lực của Chủ đầu tư Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô.
Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Chí Hiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên khẳng định, Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô đang thực hiện rất nghiêm túc các quy trình triển khai dự án.
Hiện tại, chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua bản quyền công nghệ và thiết kế kỹ thuật tổng thể từ hãng UOP của Mỹ và đang tích cực chuẩn bị cho việc ký hợp đồng tổng thầu.
Cho đến nay, chủ đầu tư đã giải ngân 42 triệu USD cho dự án này và cam kết sẽ rót ngay 287 triệu USD cho nhà tổng thầu ngay sau khi hợp đồng EPC được ký kết
Ông Hiến cho biết, theo kế hoạch, ngày 5/9 tới, UBND tỉnh Phú Yên sẽ chính thức trao Giấy phép đầu tư điều chỉnh cho Nhà đầu tư. Dịp này, Công ty TNHH dầu khí Vũng Rô cũng trao hợp đồng tổng thầu cho Nhà thầu Nhật Bản JGC.
HLGVN cũng thắc mắc, vì sao Công ty TNHH Vũng Rô xin giấy phép xây dựng một số trạm xăng tại Phú Yên.
Vấn đề này, ông Hiến cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Nhà đầu tư Nhà máy lọc dầu Vũng Rô xây dựng hệ thống phân phối toàn quốc. Tuy nhiên, bước đầu, Nhà đầu tư sẽ xây dựng thí điểm một số trạm giới thiệu sản phẩm tại Phú Yên.
Mọi giải đáp của tỉnh Phú Yên đều dựa trên những cơ sở pháp lý cũng như tính nhân văn của quyết định lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên, phía HLGVN vẫn tỏ ra còn nhiều thắc mắc.
”Về phía tỉnh, mọi quyết định đưa ra đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh khẳng định là đều dựa trên ý kiến tập thể, đúng luật, vì lợi ích chung của địa phương cũng như đất nước”, ông Trúc nói và nhận định rằng, mỗi bên có một quan điểm riêng, HLGVN có quan điểm của mình.
Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch HLGVN cho rằng, buổi đối thoại rất thẳng thắn, dựa trên tinh thần xây dựng. HLGVN góp ý tỉnh nên cân nhắc, không nên để vấn đề rộng hơn và có thể đưa ra tòa án.
Ghi nhận ý kiến của HLGVN, ông Trúc cũng cho rằng, UBND tỉnh Phú Yên đã xử lý vấn đề hợp tình hợp lý, cân nhắc kỹ lưỡng lợi ích và quyền lợi các bên.
”Quyết định của tỉnh Phú Yên, nếu có gây thiệt hại cho phía Hiệp Hòa Phát, tỉnh cũng đã cam kết bồi thường, nhưng phải dựa trên những cơ sở pháp lý và có đề xuất của Hiệp Hòa Phát”, ông Trúc nói.
Ông Trúc cũng khẳng định rằng, nếu phía Hiệp Hòa Phát vẫn không hài lòng với quyết định của tỉnh và đưa ra tòa án giải quyết thì Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cũng chấp nhận. Nếu lãnh đạo tỉnh làm không đúng sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và nhân dân.
Cuối cùng, ông Trúc cũng đã thẳng thắn góp ý với HLGVN rằng, với chức năng và nhiệm vụ của HLGVN thì không có cơ sở nào để kết luận sai phạm hay không sai phạm, mà đây là việc của cơ quan tòa án.
Chưa kể, việc HLGVN đưa ra phán quyết một chiều, đúng ra trước khi gửi Văn bản cho Chính phủ, HLGVN nên trao đổi thông tin với UBND tỉnh để có thông tin đa chiều.
Hoàng Thủy