Đầu tư vào Thái Nguyên là “sáng suốt”
Ngay sau những ngày nghỉ lễ 30/4-1/5 kết thúc, nhà máy DBG của Công ty TNHH DBG Technology Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình (Phổ Yên, Thái Nguyên) được khánh thành.
Dự án này thuộc Tập đoàn Công nghệ Guanghong DBG (Trung Quốc) có tổng vốn đầu tư 80 triệu USD, nhằm mục đích sản xuất thiết bị truyền thông; máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính; sản phẩm điện tử dân dụng; linh kiện điện tử...
Gần đây nhất, Sunny Group đã thỏa thuận đầu tư thêm 2,5 tỷ USD vào Thái Nguyên. Dự án xây dựng Trung tâm công nghiệp Sunny Group với diện tích từ 26 đến 40ha tại KCN Yên Bình. Dự án có quy mô lớn trong lĩnh vực quang học dùng trong công nghiệp điện - điện tử, phục vụ công nghiệp ô tô, phù hợp với chủ trương thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao của Chính phủ.
Qua đó góp phần xây dựng hệ sinh thái sản xuất điện - điện tử, công nghệ cao cho vùng kinh tế trung du và miền núi phía Bắc nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội theo mục tiêu đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025...
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang và ông Ye Liaoning, Chủ tịch Tập đoàn Sunny chứng kiến việc trao Biên bản ghi nhớ đầu tư giữa lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên với Chủ tịch Tập đoàn Sunny (Trung Quốc) đầu tháng 3/2023. |
Trước đó, Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam đăng ký đầu tư dự án sản xuất, gia công, lắp ráp modul camera với tổng số vốn 110 triệu USD tại Khu công nghiệp Yên Bình (Phổ Yên).
Dự án đã đi vào sản xuất ổn định từ tháng 3/2022 đối với phần vốn 73 triệu USD. Hiện nhà đầu tư đang triển khai giai đoạn đầu tư mở rộng (với số vốn tăng thêm 37 triệu USD), dự kiến sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động ổn định trong tháng 12/2023.
Việc Sunny Group lựa chọn đầu tư tại Thái Nguyên là chuẩn xác vì tỉnh có đủ điều kiện để tiếp nhận các dự án đầu tư công nghệ cao. Tỉnh cũng kỳ vọng tập đoàn sẽ tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư công nghệ cao của nước ngoài đến Việt Nam và đặc biệt là đầu tư tại tỉnh để có thể tạo ra hệ sinh thái của Sunny tại Việt Nam.
Có thể nói, đối với các “ông lớn” đầu tư nước ngoài đang có sự nhìn nhận tích cực đối với Thái Nguyên. Thậm chí họ không ngần ngại cho rằng, đầu tư vào địa bàn này là “sáng suốt”.
Còn nhớ đầu năm 2022, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng Dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Công ty SEMV) với số vốn tăng thêm 920 triệu USD. Theo đó, vốn đầu tư nhà máy Samsung Electro - Mechanics tại Thái Nguyên tăng từ 1,35 tỷ USD lên 2,27 tỷ USD.
Đến nay, Samsung đã đầu tư 19 tỷ USD vào Việt Nam, sở hữu nhiều nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP. HCM, cùng với một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội và một văn phòng marketing và bán hàng.
Đột phá với các mục tiêu trọng điểm theo quy hoạch tỉnh
Đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt các nhà đầu tư lớn nước ngoài, Thái Nguyên được biết đến là khu vực có tiềm năng, thế mạnh lớn về vị trí địa lý, tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, cơ sở hạ tầng cùng hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào chất lượng cao…
Cùng với đó là các con số ấn tượng: Trong 4 tháng đầu năm 2023, tỉnh có 8 dự án FDI được cấp mới, với tổng số vốn đăng ký là 98,2 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 180 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư đạt khoảng 10,5 tỷ USD.
Việc thu hút đầu tư trong nước, từ đầu năm đến ngày 18/4/2023, toàn tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 317 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 3.283 tỷ đồng; cấp điều chỉnh thay đổi cho 526 doanh nghiệp; cấp thành lập 128 đơn vị trực thuộc.
Về thu hút đầu tư ngoài ngân sách, tỉnh đã cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 7 dự án, với tổng số vốn 5.961 tỷ đồng. Trong đó có Dự án Khu thể thao sân golf Tân Thái (Đại Từ) là dự án sân golf đầu tiên trên địa bàn tỉnh được chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định.
Thành phố Phổ Yên (Thái Nguyên) luôn quan tâm thu hút đầu tư FDI với 28 dự án FDI, tổng số vốn đăng ký trên 9 tỷ USD; 19 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 5.700 tỷ đồng. |
Trong thời kỳ 2021-2030, tỉnh đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.245ha, trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung; quy hoạch 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067ha… sẵn sàng chờ đón các nhà đầu tư.
Tỉnh tiếp tục tạo niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài bằng sự quan tâm, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn kịp thời của lãnh đạo tỉnh với các dự án đầu tư vào Thái Nguyên.
Các tập đoàn đầu tư lớn của Hàn Quốc như: SK EcoPlant, Lotte E&C, Hyosung, CJ, Asam Security, Hana, KepCo… cũng đang dành sự quan tâm đặc biệt đến tỉnh.
Có thể nói Thái Nguyên đang sở hữu đầy đủ các yếu tố cần thiết để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, ngay cả những nhà đầu tư khó tính nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng từng nhấn mạnh trước các nhà đầu tư lớn, rằng: Thái Nguyên đang là “mảnh đất hứa” trong đầu tư với những chính sách ưu đãi đặc thù, đặc biệt, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại cho người lao động. Đây là cơ chế riêng có của Thái Nguyên. Đồng thời, các nhà lãnh đạo của tỉnh đều trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm... Sự nhiệt huyết, quyết liệt và thống nhất trong chỉ đạo, điều hành đã tạo nên một chính quyền kiến tạo, đưa ra nhiều quyết định bứt phá.
Gần đây nhà đầu tư càng ấn tượng với Thái Nguyên khi đây là một trong 5 tỉnh sớm nhất cả nước được Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Điều đó cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của tỉnh trong tổ chức xây dựng quy hoạch.
Sau Hội nghị công bố quy hoạch diễn ra giữa tháng 4, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện để quy hoạch sớm đi vào cuộc sống.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên |
Phát biểu tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh, Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đề nghị, tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch đảm bảo thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành.
Theo đó người đứng đầu cấp ủy các cơ quan, đơn vị, địa phương cần khẩn trương, nghiêm túc xác định nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch, bố trí nguồn lực hợp lý để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể.
Theo ông Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện Sở đang tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh và trong kế hoạch triển khai thực hiện có lộ trình, giao nhiệm vụ cho từng ngành, từng địa phương, đơn vị. Đặc biệt liên quan đến việc triển khai công tác quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện, quy hoạch chung của các thành phố, quy hoạch vùng của các huyện. Trên cơ sở đó, triển khai các dự án đầu tư trong quy hoạch của tỉnh đã đề cập.
Theo Quy hoạch, Thái Nguyên chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo với các nhóm ngành hiện đại, chuyên môn hóa cao; phát triển các cụm ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, điện tử và sản xuất kim loại, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường.
Để đảm bảo yêu cầu phát triển ngành công nghiệp hiện đại, tỉnh quan tâm nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu. Từ đó tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy, nâng cao hiệu quả kinh tế các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển theo chiều sâu các khu công nghiệp để tăng tính cạnh trang quốc gia, quốc tế, hình thành các cụm liên kết ngành có quy mô lớn.