Ảnh minh họa. |
Bước đột phá
Tròn 4 năm kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang châu Âu tăng mạnh, từ 35 tỷ euro vào năm 2019 tăng lên 48 tỷ euro vào năm 2023, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại đứng đầu trong các nước ASEAN của EU.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang EU đạt 38,1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng (cùng kỳ năm 2023 giảm 8,2%). Xuất khẩu tăng nhanh đẩy xuất siêu sang EU đạt 25,9 tỷ USD, tăng 10,8%.
Chia sẻ tại Tọa đàm Xu hướng thương mại điện tử trên thế giới và hàm ý cho thương mại EU - Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, thương mại điện tử đang tạo ra thay đổi bước ngoặt đối với thương mại thế giới sau Covid-19. Trong đó, thương mại điện tử xuyên biên giới tại EU tăng trưởng mạnh mẽ, với doanh thu chiếm 22% tổng doanh thu thương mại điện tử thế giới.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Hãng tư vấn Access Partnership (Anh), kim ngạch xuất khẩu trực tuyến đạt 3,5 tỷ USD năm 2022, tăng 7% so với năm 2021 và có thể đạt đến 13 tỷ USD vào năm 2027. “Dự báo, xuất khẩu hàng hóa qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là bước đột phá, tạo nên sự bùng nổ cho kinh tế số Việt Nam”, Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) nhận định.
Nhận diện rào cản
Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế (Viện Chiến lược phát triển), EU là thị trường rộng lớn với thương mại điện tử xuyên biên giới dựa trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống. Khu vực này sở hữu các nền tảng và chợ online đa dạng, nên doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể khai thác một cách triệt để. Một số thị trường tại EU đang dần thay đổi thói quen mua sắm trực tuyến với doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới tăng mạnh như Đức, Pháp, Italia.
Tuy vậy, hiện số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang châu Âu trên các sàn giao dịch quốc tế thấp hơn nhiều so với các thị trường khác. Trong số hơn 10.000 doanh nghiệp Việt Nam xuất qua Amazon, hiện chỉ có khoảng 10% xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
“Thị trường EU yêu cầu cao về các tiêu chuẩn chất lượng, văn hóa mua hàng chi tiết, kỹ lưỡng hơn so với các thị trường khác, các rào cản pháp lý chặt chẽ. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ của Việt Nam cho doanh nghiệp còn chưa rõ ràng”, ông Trần Toàn Thắng nêu nguyên nhân.
Để xuất khẩu qua thương mại điện tử sang EU bật tăng, TS. Trần Toàn Thắng kiến nghị Nhà nước có chính sách ưu đãi đặc thù đối với các doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới trên các sàn giao dịch. Cùng với đó, đẩy mạnh chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khai thác EVFTA bằng nền tảng thương mại điện tử, có cơ chế thúc đẩy hoạt động của các sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam - EU.
“Mách nước” cho các ngành hàng thúc đẩy xuất khẩu xuyên biên giới, ông Thắng cho rằng, đối với nông sản, Việt Nam cần xây dựng cơ sở dữ liệu về thuế quan của từng nước EU, hỗ trợ doanh nghiệp nông sản công nghệ cao khởi nghiệp sáng tạo để nâng cao chất lượng, đảm bảo xuất xứ hàng hóa. Đối với nội thất, đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ, cần đáp ứng các yêu cầu về chứng nhận liên quan đến bảo vệ rừng và môi trường, như chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC…
Tiêu dùng xanh và bền vững tiếp tục là xu hướng nổi trội trên toàn thế giới và để vươn ra thị trường toàn cầu, các nhà sản xuất cần coi trọng yếu tố này. Theo đó, nhà xuất khẩu cần đáp ứng yêu cầu về truy xuất hàng hóa, đảm bảo được vùng trồng, không vi phạm về chặt phá rừng hoặc đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, chống rác thải…