Ngân hàng - Bảo hiểm
Dọn dẹp mạng nhện sở hữu chéo
Thùy Vinh - 12/05/2019 08:08
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, hiện tỷ lệ sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng đã giảm mạnh.
Tỷ lệ sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng đã giảm mạnh, hiện số cặp sở hữu chéo trực tiếp đã giảm từ 7 cặp xuống còn 1 cặp.

Chỉ còn 1 cặp sở hữu chéo

Sau 6 năm đẩy mạnh tái cơ cấu, việc xóa mạng nhện sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng đã đạt kết quả tích cực. Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, hiện số cặp sở hữu chéo trực tiếp đã giảm từ 7 cặp xuống còn 1 cặp.

Sở hữu cổ phần trực tiếp giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng giảm đáng kể, từ 56 cặp cách đây 6 năm, xuống còn 2 cặp. Đồng thời, tỷ lệ cổ đông sở hữu vượt 15% vốn điều lệ cũng giảm còn 1 ngân hàng, so với con số 19 ngân hàng cách đây 6 năm.

“Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt xử lý sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau, nhưng do việc thoái vốn phụ thuộc vào tìm đối tác và thời điểm thoái vốn cũng cần tính toán thận trọng để bảo toàn vốn Nhà nước”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói. Ông cho biết, theo Đề án Cơ cấu hệ thống ngân hàng đến năm 2020, trong đó từng nhà băng sẽ xây dựng lộ trình, phương án cơ cấu lại. Vì vậy, thời gian tới, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng sẽ được xử lý dứt điểm.

Thông tư số 46/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (có hiệu lực từ ngày 1/3/2019), đã yêu cầu TCTD rà soát, xác định danh sách cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác; TCTD đầu mối phối hợp với TCTD khác, nhóm cổ đông lớn có liên quan lập kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn, triển khai thực hiện kế hoạch khắc phục, đảm bảo chậm nhất ngày 31/12/2020 phải hoàn thành.

Thêm nữa, kể từ ngày Thông tư 46 có hiệu lực thi hành, nhóm cổ đông lớn có liên quan không được tăng số lượng cổ phần sở hữu tại TCTD đầu mối, TCTD khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu, mua cổ phiếu phát hành thêm khi TCTD đầu mối, TCTD khác tăng vốn điều lệ, nhưng phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi mua tuân thủ giới hạn tại Luật Các TCTD. Đây là cơ sở để tin rằng, đến năm 2020 sẽ chấm dứt hoàn toàn tình trạng sở hữu chéo.

Quyết liệt thoái vốn

Hiện các ngân hàng chạy đua thoái vốn khỏi TCTD khác. Agribank vừa thông báo sẽ bán đấu giá hơn 468.000 cổ phần tại OCB. Trong khi đó, Vietcombank và VietinBank cũng đẩy mạnh thoái vốn khỏi tổ chức tín dụng khác.

Cụ thể, Vietcombank đã thoái sạch vốn tại OCB sau nhiều lần đấu giá. Lần gần nhất, Vietcombank đã bán đấu giá toàn bộ số cổ phần OCB còn lại với gần 1,48 triệu cổ phần, giá khởi điểm 18.876 đồng/cổ phần, thu về gần 27,9 tỷ đồng.

Ngoài OCB, Vietcombank thoái vốn khỏi Công ty Tài chính xi măng và Saigonbank. Vietcombank đang thực hiện thoái vốn khỏi Eximbank và MB. Nhà băng này cũng dần thoái vốn cổ phần tại MB và Eximbank.

Do việc thoái vốn phụ thuộc vào việc tìm đối tác, nên thời điểm thoái vốn cũng cần tính toán thận trọng để bảo toàn vốn nhà nước.

VietinBank cũng vừa thông báo sẽ thoái sạch vốn khỏi Saigonbank. HĐQT VietinBank đã nhất trí thông qua chủ trương thoái toàn bộ hơn 15,1 triệu cổ phần, tương ứng 4,91% vốn điều lệ của Saigonbank. Các ngân hàng thương mại đang liên tục chào bán cổ phần tại các TCTD khác nhằm tuân thủ Thông tư 36/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã và đang chỉ đạo quyết liệt xử lý sở hữu chéo trực tiếp, nhưng do việc thoái vốn phụ thuộc vào việc tìm đối tác, nên thời điểm thoái vốn cũng cần tính toán thận trọng để bảo toàn vốn nhà nước. Theo Đề án Cơ cấu hệ thống ngân hàng đến năm 2020, từng ngân hàng thương mại sẽ phải xây dựng lộ trình, phương án cơ cấu lại, dứt điểm tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống.

Mặc dù tình trạng sở hữu chéo giảm mạnh, nhưng Thống đốc NHNN cũng thừa nhận, vẫn có sở hữu chéo đối với những trường hợp cố tình nhờ người đứng tên hộ. Các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh thanh tra mới phát hiện được trường hợp vi phạm tinh vi này.

Thực tế cho thấy, sở hữu chéo ngân hàng mặt ngoài có thể giảm, nhưng vẫn còn đâu đó sự lòng vòng, lắt léo của các mối quan hệ, “ẩn mình” dưới nhiều tầng lớp do lợi ích nhóm điều phối. Điều này vẫn tiềm ẩn mối nguy, gây hệ lụy khôn lường cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc thoái vốn tại doanh nghiệp của các TCTD cũng gặp không ít trắc trở do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tiêu biểu như đầu năm 2018, VNPT đã lần thứ 3 thất bại khi muốn bán hơn 71 triệu cổ phiếu MSB do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia.

Tin liên quan
Tin khác