Ngân hàng - Bảo hiểm
Chưa thể xử lý dứt điểm sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng
Nhuệ Mẫn - 22/01/2019 10:30
Thông tư 06/2015/TT-NHNN được ban hành ngày 1/6/2015 yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) phối hợp với cổ đông, nhóm cổ đông liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Ðiều 55, Luật Các TCTD 2010 phải giải quyết trước ngày 31/12/2015, nhưng đến nay, tình trạng sở hữu chéo vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Liên quan đến sở hữu chéo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng từng chia sẻ, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo, giám sát các TCTD đẩy nhanh xử lý sở hữu chéo qua việc chuyển nhượng, thoái vốn, mua bán, sáp nhập…, đến nay sở hữu cổ phần và sở hữu chéo đã giải quyết cơ bản, tình trạng ngân hàng đã minh bạch hơn.

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, tính đến 30/9/2018, các TCTD đã cơ bản xử lý, khắc phục được một số vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo:

Thứ nhất, số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp trong năm 2012 xuống còn 1 cặp; thứ hai, sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm từ 56 cặp tại thời điểm tháng 6/2012 xuống còn 4 cặp tại 4 ngân hàng, bao gồm: Eximbank sở hữu 2,7% vốn của Chứng khoán Rồng Việt và ngược lại là 0,00008%; ABBank sở hữu 5,2% vốn của Chứng khoán An Bình và ngược lại là 0,58%; tỷ lệ sở hữu của Sacombank sở hữu 1,78% vốn của CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre % và ngược lại là 0,01%; OCB sở hữu 0,4% vốn của Bảo hiểm Viễn Ðông và ngược lại là 0,0016%.

Ðối với việc vi phạm sở hữu cổ phần, cụ thể là các trường hợp sau: Một là, 4 ngân hàng Saigonbank, PG Bank, BaoViet Bank và PVcomBank có cổ đông là doanh nghiệp nhà nước sở hữu cổ phần chiếm trên 15% vốn điều lệ;

Hai là, 3 ngân hàng Saigonbank, PG Bank và BaoViet Bank có cổ đông là nhóm những người có liên quan với nhau sở hữu cổ phần chiếm trên 20% vốn điều lệ;

Ba là, 3 ngân hàng có cổ đông lớn và người có liên quan sở hữu cổ phần trên 5% tại TCTD khác. Cụ thể, Saigonbank, DongA Bank và VietABank cùng có cổ đông lớn là Văn phòng thành ủy TP. HCM với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 18,18%; 6,9%; 6,3%. Mặt khác, cơ quan này và người có liên quan (gồm Công ty TNHH MTV Du lịch thương mại Kỳ Hòa, tỷ lệ sở hữu 3,78%; Công ty TNHH MTV Xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận, tỷ lệ sở hữu 2,14%) sở hữu 12,78% cổ phần tại DongA Bank;

Bốn là, 2 ngân hàng nắm giữ cổ phần của hơn 2 TCTD khác, bao gồm CBBank (4 TCTD), OceanBank (3 TCTD);

Năm là, còn 1 TCTD có sở hữu trên 5% cổ phần của TCTD khác (giảm so với 4 trường hợp vi phạm tại thời điểm cuối tháng 12/2017) đó là ABBank.

Nhận định về tình trạng này, vị lãnh đạo NHNN cho biết, về cơ bản, tất cả các trường hợp còn chưa tuân thủ trên đều phát sinh trước ngày Luật có hiệu lực, nghĩa là vi phạm do thay đổi Luật không phải là vi phạm do cố ý. Ðối với trường hợp của CBBank và OceanBank chưa thực hiện thoái vốn vì vướng quy định mới tại Nghị định 32/2018 (chỉ được thoái vốn sau khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt).

“Tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối về cơ bản đã được xử lý và kiểm soát, nhưng chưa dứt điểm. Nguyên nhân chủ yếu là do việc xử lý sở hữu chéo thực chất là vấn đề xử lý và chuyển nhượng cổ phần, nên TCTD cần có phương án, lộ trình triển khai từng bước (để xác định thời điểm, mức giá và tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp…) nhằm bảo đảm lợi ích tối đa cho TCTD và Nhà nước trong bối cảnh TCTD là công ty đại chúng và công ty niêm yết trên sàn chứng khoán”, lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết thêm.

Ngày 28/12/2018, NHNN đã ban hành Thông tư số 46/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/3/2019, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2015/TT-NHNN quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác.

TCTD đầu mối có nhiệm vụ phối hợp với TCTD khác, nhóm cổ đông lớn có liên quan lập kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn và triển khai thực hiện kế hoạch này, đảm bảo chậm nhất ngày 31/12/2020 tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định tại Luật Các TCTD (đã được sửa đổi, bổ sung).

Điều 55 - Luật Các TCTD 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2017 quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần như sau: Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD; cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác.
Tin liên quan
Tin khác