Hết đường trì hoãn
Đầu tuần này, NHNN thông báo truất quyền và nghĩa vụ đối với 3 thành viên HĐQT của GPBank, trong đó có cả HĐQT và Phó chủ tịch HĐQT của ngân hàng này. Đồng thời, NHNN cũng cử bà Trần Thị Lệ Nga, nguyên Trưởng ban kiểm soát của VietinBank sang làm đại diện pháp luật của GPBank. Động thái trên dường như “dọn đường” cho việc mua lại GPBank với giá 0 đồng của NHNN. Nhiều khả năng tuyên bố mua lại GPBank sẽ được đại diện NHNN đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông của GPBank sắp được tổ chức tới đây.
Trước đó, NHNN đã có những bước đi tương tự với ngân hàng âm vốn OceanBank. Cụ thể, ngày 3/4/2015, NHNN đã cử người của VietinBank là ông Đỗ Thanh Sơn sang làm đại diện pháp luật của OceanBank. Sau đó 3 tuần, ngày 25/4, tại Đại hội đồng cổ đông của OceanBank, đại diện NHNN đã tuyên bố mua lại ngân hàng này với giá 0 đồng, do các cổ đông của ngân hàng này không thể tăng vốn để bù đắp phần vốn bị âm.
Trao đổi với báo giới đầu năm nay, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cũng cho biết, GPbank có thể sẽ được quốc hữu hóa giống trường hợp Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Những động thái của NHNN cho thấy, cơ quan này đang tăng tốc trong xử lý ngân hàng yếu. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã thực hiện giải pháp chưa từng có tiền lệ là mua ngân hàng với giá 0 đồng, áp dụng với VNCB và OceanBank. Khả năng GPBank sẽ là trường hợp thứ ba được NHNN mua lại giá 0 đồng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, năm 2015 là năm cuối cùng của Đề án Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (Đề án 254). Vì vậy, việc xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém cuối cùng của hệ thống không thể trì hoãn.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội còn cho rằng, việc kéo dài đến bây giờ mới xử lý hết những ngân hàng yếu kém là đã rất chậm.
Thực tế, trong số 9 ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu bắt buộc giai đoạn I, thì 8 ngân hàng yếu kém khác đã hoàn thành phương án tái cơ cấu (riêng SouthernBank đang hoàn thành những bước cuối cùng để sáp nhập vào Sacombank). Hầu hết các ngân hàng yếu này sau tái cơ cấu đều phát triển tốt hơn, trong đó, một số ngân hàng như TPB, NCB đã từ ngân hàng yếu kém vươn lên thành những ngân hàng lành mạnh, phát triển ổn định.
Theo các chuyên gia, 3 năm để tìm ra phương án tái cơ cấu đã là sự ưu ái của NHNN đối với GPBank. Nếu trong khoảng thời gian này GPBank không thể tự tìm ra giải pháp cứu mình, đã đến lúc NHNN cần ra tay xử lý để làm sạch hệ thống.
Mua lại là giải pháp cuối cùng
Nhìn lại quá trình xử lý ngân hàng yếu kém thời gian qua, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cũng bình luận: “Thành công lớn nhất của ngành ngân hàng thời gian qua là ổn định hệ thống và tạo được niềm tin với công chúng. Thậm chí, ngay cả với những ngân hàng bị mua lại, sáp nhập, tâm lý của người dân vẫn ổn định, không có hiện tượng rút tiền hàng loạt, thể hiện niềm tin của người dân với hệ thống ngân hàng rất cao”.
Rõ ràng, việc xử lý khá gọn nhiều ngân hàng yếu kém mà vẫn giữ ổn định thị trường thời gian qua là một thành công lớn của NHNN, dù theo nguồn tin của Báo Đầu tư, trên thị trường vẫn còn vài ngân hàng mới bị bổ sung vào diện yếu kém và đang được NHNN khoanh vùng để xử lý.
Tuy nhiên, xử lý ngân hàng yếu bằng cách mua lại với giá 0 đồng chưa hẳn đã tốt. “NHNN mua lại ngân hàng với giá 0 đồng là biện pháp ‘chẳng đặng đừng’, bởi để tái cơ cấu các ngân hàng này, cần phải dùng một lượng tiền rất lớn để làm đầy phần vốn âm, rồi còn chi phí duy trì bộ máy, chi phí quản lý… Tóm lại, là sẽ mất ‘một đống của’ vào cái mớ bùng nhùng đó”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cũng cho rằng: “GPBank nên là trường hợp cuối cùng được NHNN mua lại với giá 0 đồng, nếu không gánh nặng mà NHNN phải ôm vào là quá lớn”.